Ma quỷ có một sân chơi rất rộng lớn, đó là thế gian. Trước sân chơi này, chúng ta có xu hướng bám vào những gì là thoải mái và quen thuộc.
WHĐ (02.07.2024) – Khi học môn thần học thiêng liêng, tôi thích thú với ý tưởng này: “Chúng ta hãy đá bóng với Thiên Chúa” – một giáo sư nói. Số là chúng tôi đang học về một cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong đó, chúng ta thấy có hai phe rất rõ ràng: một bên là Ma quỷ, bên kia là Thiên Chúa. “Cuộc chiến đấu thiêng liêng”[1] chúng ta đã nghe quen, nhưng để chiến đấu tốt, vị giáo sư này nói chúng ta cần chơi bóng với Thiên Chúa.
Trước hết, Ma quỷ luôn thủ thỉ vào tai chúng ta hãy về đội của chúng. Chúng cám dỗ hết lần này đến lần khác (Lc 4,1-12). Rất nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc chúng ta về sự tinh quái, khôn ngoan của Ma quỷ. Chúng thông minh và xảo quyệt để chiêu dụ những “cầu thủ” là chính chúng ta về phe của chúng. Nếu nói Ma quỷ là một huấn luyện viên, thì chúng ta sẽ được huấn luyện và đào tạo trong trường lớp của dối gian và thù hận. Ma quỷ thì lừa lọc và là cha của gian dối (Ga 8,44; Kh 12,9). Ai bước vào sân chơi của Ma quỷ, nghĩa là rời xa sân chơi của Thiên Chúa.
Trong khi đó, Thiên Chúa muốn yêu thương và cứu độ chúng ta, cứu hết mọi người. Qua Giáo hội, những vị chủ chăn, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Ngài. Nghĩa là hãy tham gia vào đội bóng của Thiên Chúa. Ai chọn Thiên Chúa làm huấn luyện viên, chọn Chúa Giêsu là thầy dạy trên bước đường đời, người ấy sẽ chiến thắng. Đây là hy vọng và là niềm tin của chúng ta. Hơn nữa, Lời Chúa luôn là kim chỉ man để chúng ta chiến đấu cùng với Ma quỷ. Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta (Emmanuel). Bạn thử tưởng tượng chúng ta đang thi đấu trong một trận bóng sống còn. Chỉ có ai ở đội bóng của Thiên Chúa mới mong phần chiến thắng và được hạnh phúc. Trớ trêu rằng không phải ai cũng chọn chơi bóng với Thiên Chúa, nghĩa là bắt tay, kết hợp với Thiên Chúa! Tại sao?
Vị giáo sư trên đây trích dẫn cho chúng tôi vài quy tắc quan trọng để hành xử với Ma quỷ. Những quy tắc này được thánh I-nhã, Đấng Sáng Lập Dòng Tên, ghi lại trong cuốn Linh Thao ở thế kỷ 16. Từ đó đến nay, Giáo hội dưới ánh sáng của Lời Chúa, càng thêm xác tín vào cách chiến đấu thiêng liêng của mình. Dưới đây là ba cách nhận biết chiến thuật của Ma quỷ.
1. Chiến đấu hết mình
Giáo hội gọi Ma quỷ là “kẻ lừa dối cả thế gian” và luôn cám dỗ con người sa ngã vào tội lỗi (Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 597). Cũng vậy, thánh I-nhã viết: “Kẻ thù xử sự như đàn bà”. Nghĩa là khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh. Đây là logic trong một cuộc chiến, một “trận bóng đá thiêng liêng”. Nếu trước khi ra sân ta mang tâm thế yếu nhược, thử hỏi làm sao chiến đấu nổi. Thật may khi Giáo hội nhận ra điều này: đặc tính của Ma quỷ là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy khi và chỉ khi chúng ta thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Ngôn ngữ trong linh đạo I-nhã gọi là: “Làm ngược lại - Agere contra”.
Ma quỷ có một sân chơi rất rộng lớn, đó là thế gian. Trước sân chơi này, chúng ta có xu hướng bám vào những gì là thoải mái và quen thuộc. Tuy nhiên, điều tưởng là bình thường này có thể khiến chúng ta gặp rắc rối. Theo thời gian, thánh I-nhã nhận thấy kẻ thù luôn cám dỗ chúng ta bước vào con đường tội lỗi hoặc một cuộc sống lệch lạc. Satan là tên cám dỗ (1Tx 3,5). Để tránh điều này, ngài đề nghị một trong những phương pháp là agere contra (làm ngược lại). Ví dụ, ma quỷ cám dỗ bạn ăn cắp, hãy làm ngược lại, chẳng những tôi không ăn cắp mà còn làm việc bác ái. Ví dụ ma quỷ xúi bạn nói hành nói xấu, thì bạn hãy dùng lời tử tế mà ứng xử với nhau, v.v...
2. Xưng tội
“Xưng tội” là từ nguyên văn của thánh I-nhã để nói về chiến thuật thứ hai của Ma quỷ! Ngài viết: “Kẻ thù cũng còn xử sự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn giữ bí mật để khỏi bị lộ” (Linh Thao 326). Ma quỷ thích làm việc trong bóng tối, chúng thích chúng ta chơi bóng đá trong bùn lầy chia rẽ. (Đá bóng mà chia rẽ làm sao thắng được!). Cách chúng chiêu dụ chúng ta bằng cách đưa những xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn mình. Đừng quên, Công Đồng Trento (1566) ghi nhận điều này: “Mặc dù Chúa Kitô đã chiến thắng ma quỷ, nhưng chúng vẫn không ngừng cám dỗ và tấn công con người. Những người sống đời sống đạo đức là mục tiêu chính của ma quỷ”[2] (x. GS 37). Khi đó, thánh I-nhã nhận ra điều này rất quan trọng: “Ma quỷ mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín” (Linh Thao 326). Đừng nói với ai về những ý tưởng xấu xa này. Khi đó, thánh I-nhã khuyến khích chúng ta hãy tỏ ra với cha giải tội tốt, hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó. Chính lúc nói ra, Ma quỷ sẽ rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.
Chúng ta đi theo Thiên Chúa có nghĩa là đi trong ánh sáng và sự thật. Ma quỷ lại sợ điều này. Do đó, thật tốt để ở với Thiên Chúa. Càng gần Thiên Chúa, Ma quỷ càng ít cơ hội để gieo vào tâm hồn ta những đường lối xấu xa. Giả như có lúc nào đó mình cảm thấy có gì đó “sai sai”, hãy chia sẻ với người đạo đức để được tư vấn. Nếu giữ kín trong lòng, Ma quỷ sẽ quay bạn vòng vòng, và bạn cứ luẩn quẩn trong cuộc sống tù túng, trong sự thống trị của Ma quỷ. Mở ngoặc ở đây: “Xin đừng ngại đi xưng tội nhé bạn. Tòa giải tội là nơi Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót và tình yêu của Ngài.”[3]
3. Nên hoàn thiện
Chiến thuận thứ ba này rất gần với bóng đá. Một khi bị đối phương phát hiện ra sơ hở, hoặc điểm yếu của ta, chắc chắn chúng sẽ dẫn bóng vào chính chỗ đó để tìm đường vào khung thành. Dĩ nhiên thánh I-nhã mô tả một cách khác, ngài dùng ngôn ngữ nhà binh. Ngài viết: “Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Ví như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta” (Linh thao 327). Không còn cách nào khác là tự hoàn thiện chính mình, nhờ ơn của Chúa.
Nhiều bạn mệt mỏi trong chiến đấu thiêng liêng với điểm yếu của mình. Xin đừng nản chí. Rất nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đi nhắc lại thông điệp này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài luôn tha thứ cho chúng ta[4]. Khi nhắc điều này, ngài muốn chúng ta hướng về phía trước. Chính Thiên Chúa cũng muốn chúng ta hy vọng, và hướng đến tương lại. Ngược lại, Ma quỷ kéo chúng ta về phía sau. Chúng thầm thỉ vào tai nhiều người rằng: “Mày làm sao sống tốt được! Mày là kẻ tội lỗi, có cố gắng cũng chẳng đến đâu! Cần chi phải hoán cải!” Trong khi đó, Giáo hội luôn xác tín điều này: “Thiên Chúa vô hình, từ tình yêu vô biên của Ngài, nói chuyện với con người như một người bạn và sống giữa họ, để Ngài có thể mời gọi và đưa họ vào sự hiệp thông với chính Ngài” (Dei Verbum, 2).
Khôn ngoan của ông bà mình dạy rằng: “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng, hoặc ít là không thua”. Trong bóng đá cũng có thể áp dụng triết lý này; trong đời sống thiêng liêng, câu này cũng rất giúp ích. Khi kết thúc bài giảng, vị giáo sư trên đây kết luật rằng: “Thật may vì chúng ta không chiến đấu một mình. Thật may vì Giáo hội, nói đúng hơn là Thiên Chúa, đã chỉ cho chúng ta những chiến thuật của kẻ thù. Thật may vì chúng ta có thể thắng được Ma quỷ. Và thật tốt để chúng ta bắt tay, hay chơi bóng với Thiên Chúa!”
Tạm kết
Trong bài giáo lý hôm mùng 8 tháng 5 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn giải về hy vọng. Ngài đề nghị các tín hữu nên là những người hy vọng, “vì đức cậy là nhân đức của những người luôn giữ trái tim trẻ trung”[5]. Ngược lại, Ma quỷ không muốn chúng ta hy vọng. Nếu chiến đấu thiêng liêng, hoặc “đá bóng với đội của Thiên Chúa” mà không hy vọng, thử hỏi ai dám mong phần chiến thắng?
Để kết thúc, trong bài giáo lý trên Đức Giáo hoàng nói: “Anh chị em thân mến, hãy tiến lên và xin ơn để có được hy vọng, hy vọng với sự kiên nhẫn. Luôn hướng về cuộc gặp gỡ cuối cùng; luôn nghĩ rằng Chúa đang ở gần chúng ta, rằng cái chết sẽ không bao giờ chiến thắng. Hãy tiến lên và xin Chúa ban cho chúng ta đức tính cao cả này là hy vọng, đi kèm với sự kiên nhẫn”[6]. Tôi cũng mượn lời này để làm rõ hơn câu nói trên đây: “Hãy đá bóng với Thiên Chúa!”
________
[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-01/tiep-kien-chung-03-01-2024.html
[2] Xem mục: The Lord's Prayer - The Sixth Petition: "And lead us not into temptation" - Importance Of Instruction On This Petition.
[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/toa-giai-toi-51218
[4] https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2024/documents/20240508-udienza-generale.html
[5] Nguyên văn: Hope is the virtue of those who are young at heart. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-ve-thoi-xau-va-nhan-duc-08052024-bai-19---duc-cay
[6] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-ve-thoi-xau-va-nhan-duc-08052024-bai-19---duc-cay