Giáo trình lớp Hội nhập Văn hoá "Văn hoá Công Giáo Việt Nam”
Lời mở
Khi hiểu văn hoá là tổng thể những giá trị do con người sáng tạo ra trong một giai đoạn nhất định của lịch sử thì công trình quan trọng nhất trong thiên niên kỷ thứ III của Giáo Hội Công Giáo là xây dựng nền văn hoá nhân bản Công Giáo. Nền nhân bản này được xây dựng trên con người mới là Đức Giêsu Kitô, để từng tín hữu có thể sống và hành động như Người, “Đấng đang ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), Đấng là vị cứu tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử (x. Tóm lược HTXHCG, số 1).
Giáo Hội muốn xây dựng nền nhân bản chính là để đáp lại lòng mong mỏi của toàn thể nhân loại hiện nay vì sau mấy thiên niên kỷ con người đã bỏ quên chính mình để quy hướng mọi quan tâm vào thần linh, vào Thiên Chúa, trong đó có cả Kitô giáo, thì gần đây con người chỉ tập trung vào chính mình. Nền nhân bản này lấy con người làm gốc, nhưng con người này là ai, là gì lại là điểm chúng ta cần xác định trước bao tranh cãi, xung đột giữa các hệ tư tưởng, chủ nghĩa và tôn giáo.
Tiếp đến chúng ta sẽ tìm hiểu nền nhân bản Công Giáo có những đặc tính nào để được gọi là toàn diện và liên đới. Bốn giá trị căn bản: sự thật, tình yêu, tự do, công lý được hiểu như thế nào và tại sao lại được coi là nền tảng cho mọi hoạt động của con người trong xã hội. Bốn nguyên tắc căn bản: nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới phải được hiểu thế nào để có thể áp dụng trong đời sống (x. TLHTXHCG, số 7). Cuối cùng, nền nhân bản này làm cho con người chúng ta sống cao thượng, mở ra cho siêu việt và hướng tới vô biên như thế nào.
Sau khi tìm hiểu nền nhân bản Công Giáo, chúng ta sẽ áp dụng vào cuộc sống của chúng ta, những người Việt Nam trong xã hội hiện nay. Chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam để hiểu rõ bối cảnh văn hoá của người Việt trước các nền văn hoá khác nhau, nhất là nền văn hoá Trung Quốc. Từ đó chúng ta tìm ra con đường tình yêu của Thiên Chúa và thấy rằng Đức Giêsu chính là con đường sự thật và sự sống đáng cho toàn thể nhân loại đi chung.
Chúng ta cũng tìm hiểu cuộc hội nhập văn hoá của tổ tiên người Việt chúng ta trong gần 500 năm qua để tìm con đường Giêsu như thế nào, để thấy tôn giáo không phải là một thứ mê tín nhưng là hình thức tối thượng của văn hoá. Nhờ đó, ta có thể xây dựng một cấu trúc vững chắc cho nền văn hoá Việt Nam trong xã hội hiện nay.
Cuộc sống văn hoá như mời gọi chúng ta đưa những giá trị mới vào những hoạt động hằng ngày để ta cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc trong từng giây phút sống. Sống là phải thở, phải yêu, phải ăn uống, nói năng, học hành, làm việc, chơi đùa, phải đi đứng, ngủ nghỉ, tắm giặt, viết lách, mặc cho tươm tất. Khi thực hành những giá trị này, chúng ta sẽ tạo nên một nếp sống văn hoá mới cho mình cũng như cho người khác. Chỉ khi đó cuộc hội nhập văn hoá của chúng ta mới thật sự hoàn thành. Cuối cùng, chúng ta tìm được ý nghĩa của cái chết như cuộc trở về với cội nguồn hiện hữu vô biên.
Trên đây chỉ là một vài giá trị trong một nền văn hoá hết sức phong phú mà từng người chúng ta có thể tiếp nhận. Chúng tôi hy vọng rằng mỗi người có thể khám phá và viết thêm những giá trị mới của nền văn hoá này để xây dựng một dân tộc Việt Nam thật sự tự do và hạnh phúc.
Trong việc thực hiện giáo trình này, chúng tôi đã mượn một số hình ảnh để minh hoạ nhưng không tìm được địa chỉ của các tác giả ảnh để xin phép, xin quý vị tác giả niệm tình thông cảm, vì chúng tôi chỉ muốn giúp người đọc dễ cảm nhận hơn các bài học mà thôi. Chắc chắn khi trình bày những suy tư, chúng tôi có thể phạm phải những lầm lẫn và thiếu sót, rất mong được mọi người chỉ dẫn và sửa chữa giúp chúng tôi cho tốt đẹp hơn.
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ mọi người đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành giáo trình Văn hoá Công Giáo Việt Nam này.
Cầu chúc tất cả luôn an vui và hạnh phúc.
Trân trọng,
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Các đề tài được trình bày theo 3 phần chính:
I. Văn hoá Công Giáo: nhân bản tâm linh
Bài 1: Con người là gì, là ai
Bài 2: Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới
Bài 3: Con đường sự thật giải thoát ta
Bài 4: Tình yêu trong kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa
Bài 5: Những con người tự do
Bài 6: Giá trị của công bằng
Bài 7: Vươn tới sự sống dồi dào và sung mãn
Bài 8: Bốn nguyên tắc hành động trong xã hội
II. Cuộc hội nhập văn hoá của người Công Giáo Việt Nam
Bài 9: Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử Việt Nam
Bài 10: Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt
Bài 11: Cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội Việt Nam
Bài 12: Con đường tình yêu mở rộng cho mọi người
Bài 13: Đức Giêsu Kitô là con đường sự thật và sự sống
Bài 14: Thở được linh khí của Trời
III. Nếp sống văn hoá Việt Nam
Bài 15: Ăn để hoà nhập vào sự sống và tình yêu
Bài 16: Uống nước nhớ nguồn
Bài 17: Mặc lấy con người mới
Bài 18: Học với người Thầy tuyệt vời
Bài 19: Nói Lời cứu độ
Bài 20: Chữ cũng là người
Bài 21: Làm tốt cho đời
Bài 22: Chơi đẹp trong đời
Bài 23: Đứng vững trong bão tố
Bài 24: Nhẹ bước trên đường
Bài 25: Sống đẹp từng phút trong đời
Bài 26: Đi tìm nguồn đẹp
Bài 27: Tẩy sạch bụi trần
Bài 28: Giấc ngủ an bình
Bài 29: Về với cội nguồn
IV. Phụ lục
Bài 1. Chữa trị những trẻ chậm nói
Bài 2. Tin mừng cho người khuyết tật
Các học viên có thể liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ:
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, 166F Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM
Đt: 0908411106, Email: antnnson1948@yahoo.com, Website: hanhkhatkito.org
PHẦN I : VĂN HOÁ Công Giáo: NHÂN BẢN TÂM LINH
Bài 1: Con người là gì, là ai
Lời mở
Kể từ lúc con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện khoảng 200.000 năm trước cho đến ngày nay với khoảng 7,7 tỷ người đang sống trên trái đất[1], con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời về lai lịch của mình - Con người là gì, là ai? (CĐ.Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 8) -, về chỗ đứng và vai trò của con người trong xã hội và vũ trụ, về cùng đích của con người và muôn vật (CĐ.Vat II, GS, số 3). Nhờ những khám phá mới mẻ của các ngành khoa học hiện đại, con người có nhiều điều kiện hơn để tìm hiểu về chính mình và trả lời cho các vấn đề trên.
1. Con người là ai hay là gì?
Cuộc tranh luận giữa hai dòng tư tưởng: “con người là ai” như một chủ thể biết suy tư và “con người là gì” như một tổng hợp các yếu tố vật chất kéo dài từ nhiều ngàn năm nay và có thể kết thúc khi chúng ta tìm ra được một định nghĩa đúng đắn về con người.
1.1. Những định nghĩa khác nhau
Theo Từ điển Tiếng Việt: Con người là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng công cụ trong quá trình lao động[2].
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: Con người là sinh vật thuộc giống người, đánh giá trình độ phát triển cao của cơ thể sống trên trái đất[3].
Theo Từ điển Công Giáo Anh-Việt: Con người là một hữu thể vừa thể xác, vừa tinh thần (GLHTCG, số 362) tạo thành một thể duy nhất (GLHTCG, số 365). Linh hồn thiêng liêng được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng. Thân xác sẽ hư hoại, nhưng linh hồn bất tử, không hề hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung (GLHTCG, số 366)[4]. Con người là một ngôi vị được Thiên Chúa tạo dựng để liên hệ với Ngài. Chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống, thể hiện được chính mình và hướng đến Thiên Chúa một cách tự nhiên[5].
Theo Từ điển Công Giáo: Con người là thụ tạo hồn-xác, nam và nữ - được Thiên Chúa tình thương dựng nên theo hình ảnh của Ngài và được ban quyền làm chủ vũ trụ (x. St 1,26 – 2,25; GLHTCG, số 369)[6].
Hai định nghĩa đầu tiên tìm hiểu “con người là gì” trong dòng tiến hoá của vạn vật. Hai định nghĩa sau nhận định “con người là ai” trong mối tương quan với nguồn gốc là Thiên Chúa và với muôn loài trong vũ trụ. Để tìm được định nghĩa đúng đắn, chúng ta sẽ sử dụng những dữ liệu của khoa học mới mẻ nhất để khám phá con người trong dòng tiến hoá, rồi mới xác định con người trong các mối tương quan.
1.2. Khoa học khám phá con người
Sau nhiều chục thế kỷ chìm đắm trong các huyền thoại của các dân tộc và tôn giáo, con người đặt niềm tin vào khoa học vì “khoa học là hệ thống tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như những hoạt động của tinh thần con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực”[7]. Chúng ta có thể lưu ý một vài cột mốc của vài ngành khoa học giúp con người khám phá ra chính mình.
- Từ thế kỷ XII, các đại học được mở ra trên vài nước ở châu Âu, thúc đẩy con người tìm hiểu một cách khách quan về vạn vật, trong đó có con người. Những tiến bộ về Y khoa và Dược khoa giúp cho con người có thể chữa lành bệnh tật, thoát khỏi cái chết trước mắt, thay thế được những bộ phận hư hỏng trong cơ thể khiến con người thấy mình không còn phải là món đồ chơi trong tay các thần linh hay hoàn toàn thụ động trước sự an bài của Thiên Chúa.
- Học thuyết Tiến hoá của C. Darwin (1809-1882). Năm 1859, nhà tự nhiên học người Anh này đã xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” đề xướng giả thuyết về tiến hoá sinh học: mọi loài sinh vật sinh ra không phải do Chúa Trời hay thần thánh, mà là xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong quá trình này, những biến dị cá thể hay biến dị di truyền nhỏ nhất, nếu làm tăng khả năng cạnh tranh, sinh tồn và sinh sản của cá thể sẽ được chọn lọc (được giữ lại, củng cố và tăng cường), trở thành đặc điểm thích nghi… Người ta đã đưa học thuyết này vào trong nhiều ngành khoa học, trong nhiều hệ tư tưởng để ám chỉ tới nguồn gốc sự sống: ví dụ sự sống con người do ngẫu nhiên mà có[8].
- Thuyết Big Bang (Vụ nổ lớn) là mô hình vũ trụ học, miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ. Vụ nổ lớn xảy ra cách đây 15 tỷ năm và được các nhà vũ trụ học coi là tuổi của vũ trụ. Chính xác là 13,8 tỷ năm theo tính toán từ tàu Planck năm 2013. Lý thuyết này do nhà vũ trụ, cũng là linh mục, Georges Le Maître đề xuất: một nguyên tử nguyên thuỷ ở một trạng thái cực nóng và đậm đặc đã phát nổ và các hạt bụi hình thành nên các thiên hà, trong đó có thiên hà của chúng ta. Thuyết này được nhiều nhà bác học, vũ trụ học chứng minh như Albert Einstein, Alexander Friedmann, Hoyle, E. Hubble[9]. Thuyết Big Bang như một cách giải thích nguồn gốc hình thành vũ trụ mà không cần đến một đấng sáng tạo nào.
Khoảng 12 tỷ năm trước, mặt trời là ngôi sao xuất hiện trong thiên hà này. Khoảng 8 tỷ năm trước, trái đất là một hành tinh tách ra từ mặt trời. Các chất khởi đầu như C H O N phối hợp với nhau. Hydro phối hợp với Oxy thành nước. Các chất vô cơ phối hợp với nhau càng ngày càng phức tạp. Rồi đến các chất hữu cơ xuất hiện. Khoảng 1 tỷ năm trước, tế bào sống đầu tiên xuất hiện, rồi đến các đa bào, các sinh vật hạ đẳng cho đến các sinh vật thượng đẳng dần dần xuất hiện theo thuyết tiến hoá của Darwin.
- Sự tiến hoá của loài người. Theo sinh vật học, con người được xếp vào linh trưởng, thuộc họ người. Trên cây tiến hoá, loài linh trưởng phân nhánh từ những nhóm thú khác cách đây từ 65 triệu năm. Trong nhóm linh trưởng, con người có chung các đặc điểm giải phẫu với nhóm khỉ dạng người, xuất hiện ở Đông Phi cách đây 20 triệu năm. Khoa học cho thấy người và tinh tinh có chung tổ tiên cách đây khoảng 5-8 triệu năm. Nhưng loài người có hai đặc điểm chính: đi thẳng đứng trên hai chân và có não bộ lớn: sọ người có thể tích từ 1.100-1.700cm3, trong khi sọ tinh tinh 300-500cm3. Tinh tinh sống thành từng nhóm lớn, có trật tự xã hội với các cử chỉ thể hiện sự quan tâm chăm sóc như bắt ve bọ cho nhau. Tổ chức xã hội của con người phức tạp hơn nhiều. Dù tinh tinh có thể học cách sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu, nhưng con người là loài duy nhất có thể truyền đạt các ý tưởng và suy nghĩ qua các hệ thống ngôn ngữ phức tạp[10].
- Các tổ tiên của loài người: nhờ những khám phá mới trong ngành cổ sinh vật về phương pháp so sánh protein và ADN của các loài, người ta xây dựng cây gia hệ và phân tích các di tích hoá thạch của loài người cách chính xác hơn và đẩy lùi niên đại của các tổ tiên ban đầu của tông người xa hơn.
Hoá thạch cổ xưa nhất là Sahelanthropus tchadensis ở Đông Phi cách đây 7-6 triệu năm: đứng thẳng trên hai chân, lỗ tuỷ sống chui ra khỏi sọ não, thể tích não khoảng 300cm3. Chi vượn người phương Nam (Australopithecus) xuất hiện khoảng 4-3 triệu năm trước: tư thế đi thẳng nhưng chưa có bàn chân dài và não bộ lớn như chi Người (380-485cm3). Homo erectus là loài đầu tiên trong tông người rời khỏi châu Phi và sang đến Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam xuất hiện cách đây 1,8 triệu – 30.000 năm, não 750-1300cm3.
Homo heidelbergensis tồn tại ở châu Phi và châu Âu cách đây khoảng 600.000-100.000 năm, não 1100-1400cm3, tiến hoá thành người Neanderthal ở châu Âu xuất hiện 400.000-28.000 năm, não khoảng 1412cm3 và thành người hiện đại (Homo sapiens), do Richard Leakey - nhà nhân chủng học người Kenya - tìm thấy ở niềm Nam Ethiopia cách đây khoảng 200.000 năm với não bộ 1200-2000cm3. Người hiện đại phát triển ra ngoài châu Phi khoảng 50.000 năm trước, theo bờ Ấn Độ Dương tới Australia, về phía Bắc tới châu Âu, châu Á và cuối cùng là châu Mỹ[11].
- Con người vô cùng kỳ diệu
Các khoa di truyền học và sinh học trong 20 năm gần đây tiến bộ vượt bậc cho chúng ta biết rõ hơn con người là một cái gì vô cùng kỳ diệu và phức tạp. Con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào trong một cơ thể bình thường. Mỗi ngày có hàng triệu trong số các tế bào này được thay thế. Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể người. Chúng gồm một trung tâm kiểm soát, gọi là nhân, để chứa các vật liệu di truyền (ADN), màng bên ngoài và các ti thể tiêu hoá các chất béo và đường để sản sinh ra năng lượng ADN (acid deoxyribonucleic) bao gồm các khối cấu trúc gọi là base. Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN. ADN tập trung thành những cấu trúc dày đặc gọi là các nhiễm sắc thể: mỗi tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, 1 bộ từ mẹ và 1 bộ từ cha.
Những tế bào này được tổ chức chính xác, giữ vị trí riêng của chúng trong một cấu trúc có trật tự. Một số tế bào làm việc đơn độc như hồng cầu hoặc tinh trùng, nhưng nhiều tế bào khác được tổ chức thành nhiều nhóm khác nhau (khoảng 200 nhóm) và tạo thành các mô với những chức năng khác nhau để hoàn thành một hay nhiều nhiệm vụ riêng biệt như tiêu hoá thức ăn, suy nghĩ, chuyển động, sinh sản[12].
Hệ thần kinh giúp con người thích nghi với hoàn cảnh chung quanh, cảm nhận được thế giới quanh mình. Hệ thần kinh trung ương gồm não và tuỷ sống tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan. Các tế bào chính của hệ thần kinh được gọi là Neuron. Não có khoảng 100 tỉ neuron và chúng liên lạc với nhau qua các tín hiệu thần kinh gọi là các xung động điện. Phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh, người ta thấy các neuron không hoàn toàn chạm vào nhau tại các điểm tiếp giáp. Các túi chứa chất dẫn truyền để từ thân tế bào của neuron gửi đến màng khớp thần kinh, một xung động điện đến giải phóng các chất chứa trong túi, các chất này vượt qua khe khớp thần kinh lại tạo nên xung điện ở neuron tiếp theo[13].
Phân tích não bộ, người ta thấy các vùng vỏ não phụ trách một số chức năng nhất định: như vùng vỏ não thị giác nhận các tín hiệu đến từ hai mắt; vùng Broca, Wernicke và Geschwind phụ trách ngôn ngữ, vùng thính giác, vùng cảm giác, vùng vận động thân thể, vùng cảm xúc, vùng điều hành trung tâm, tổng hợp các tín hiệu ở các vùng khác và lập ra kế hoạch hành động[14].
Các vùng của não liên quan đến trí nhớ không phải chỉ đơn thuần là lưu trữ và gợi nhớ lại các sự kiện, nhưng bao gồm đủ loại thông tin, sự việc, kinh nghiệm và hoàn cảnh, từ tên người đến khuôn mặt, nơi chốn và cả trạng thái cảm xúc của con người vào thời điểm đó[15].
Nhờ não bộ, con người đã suy nghĩ biết bao điều kỳ diệu, sáng tạo nên các khoa học, làm nên các công trình văn học, nghệ thuật, chế tạo nên các sản phẩm hết sức tiện dụng để giúp cho con người sống an vui, sung túc và hạnh phúc.
Mở rộng ra ngoài cộng đồng xã hội, con người quy tụ lại thành những dân tộc, những tổ chức với những luật pháp chặt chẽ để cùng nhau phục vụ lợi ích chung và tạo nên hạnh phúc bền vững cho muôn loài.
Con người đã đi vào lĩnh vực tinh thần với các giá trị không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Đó là những giá trị của tình yêu, sự thật, cái tốt, cái đẹp, tự do, hạnh phúc, nhân vị, hoà bình… Con người vượt qua giới hạn của “cái gì” để khám phá ra mình “là ai”, nhận thức được đối tượng mình sống với, mình yêu thương, mình phục vụ, mình hy sinh là những ngôi vị. Con người bước vào một chân trời mới của hiện hữu và suy tư để đi tìm nguồn gốc của mọi hiện hữu, lý do hiện hữu và cùng đích của mọi hiện hữu trong các mối tương quan. Tất cả những khám phá và vấn đề do con người đặt ra bây giờ lại không còn là những đối tượng có thể cân đo đong đếm của các khoa học thực nghiệm vì chúng là những đối tượng có thật, vì con người đang nghĩ, đang yêu, đang sống với chúng. Con người bắt đầu đi tìm câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi “mình là ai, là gì” trong các hệ tư tưởng, các tôn giáo, trong khoa học và cả thần học.
2. Những hệ tư tưởng về con người trong dòng lịch sử
Đứng trước thực tại vừa tầm thường vừa phi thường của con người, nhiều tôn giáo, chủ nghĩa đã cố gắng giải thích, làm thành những hệ tư tưởng và tạo nên những thái độ sống khác nhau của con người. Chúng ta có thể lược thuật vài quan điểm nổi bật trong dòng lịch sử được nhiều người đón nhận sau đây:
2.1. Bái vật (Tiền sử, Thời đồ đá cũ – thời đồ đá mới)
Con người không ý thức về mình, không nhận ra những giá trị của mình, nên tôn thờ những sức mạnh thiên nhiên và vạn vật làm thần linh. Đây là thái độ của những người nguyên thuỷ, hay người tiền sử, chưa biết đến khoa học, chỉ nhìn vào các hiện tượng bên ngoài, thấy hổ báo, sấm sét, lửa nước, gió bão mạnh mẽ hơn mình thì tôn thờ chúng. “Đất có thổ công – Sông có hà bá”.
Con người không đặt câu hỏi về mình, về những sự việc liên quan đến mình như cái chết, khổ đau, bệnh tật và coi chúng là những chuyện tự nhiên của kiếp người giống như bao sinh vật khác. Thái độ bái vật này vẫn còn xuất hiện trong thời đại hiện nay, khi con người tôn thờ tiền của, coi chúng là giá trị tuyệt đối trong đời sống: “Có tiền mua tiên cũng được!”.
2.2. Bái thần (từ thời Cổ đại – thời Cận đại, thế kỷ 18)
Nhờ trí thông minh, con người thắng được các sức mạnh thiên nhiên: lấp sông, phá núi, ngăn biển và không tôn thờ chúng nữa. Nhưng con người lại tạo ra cho mình các thần linh mới và thể hiện lòng sùng bái đó qua các tôn giáo.
Con người tìm ra phương pháp làm nông nghiệp với lúa gạo, lúa mì, các cây lương thực khác, thuần hoá các động vật hoang dã thành gia súc nên bỏ đời sống du mục sang định cư lâu dài. Con người phát triển giao thông vận tải, phát minh ra hệ thống chữ viết (chữ hình nêm, chữ Hy Lạp, chữ Latinh). Nhiều thành phố phát triển bên cạnh hồ, sông và các cửa biển. Con người sống ấm no, sung túc nên có nhiều thời giờ suy nghĩ về mình, về thế giới, tạo nên các nền văn minh ở đồng bằng Lưỡng Hà Mesopotamia, bờ sông Nil ở Ai Cập, sông Indus, nền văn minh Tây Á, văn minh Hy Lạp, văn minh La Mã. Các dân tộc giàu mạnh, văn minh hơn sáng tạo ra các phương tiện chiến tranh, dùng sức mạnh, vũ khí để xâm lăng các dân yếu kém hơn mình và bắt họ lệ thuộc về mặt văn hoá, tinh thần, tôn giáo[16].
Các tôn giáo tạo nên những hệ tư tưởng giải đáp các thắc mắc về nguồn gốc, giá trị, cùng đích của con người. Nói chung, con người bắt nguồn từ thần linh, do thần linh điều khiển, chi phối con người. Các thần thoại Hy Lạp, La Mã coi con người là đồ chơi của các thần linh, chỉ có thần linh là bất tử như thần Zeus, Jupiter, Mars, Minerva, Venus, Diana… Ấn Độ giáo cho con người là một phần của Brahman, Đại Ngã tối cao, gọi là Atman (tiểu ngã) khi con người dùng tinh thần của mình hoà nhập với Brahman. Phật giáo cho con người chỉ là một dạng sống biến đổi trong sáu đường (Lục đạo, Lục thú): địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula, nhân gian, thiên thượng[17] trong hàng tỉ kiếp của vòng luân hồi trước khi thoát ra để vào được Niết Bàn thành Phật. Do Thái giáo giải thích con người là thụ tạo do Đức Chúa Giavê dựng nên, có tinh thần giống như Ngài, nhưng đã phạm tội không tuân phục, nên cắt đứt sự hoà hợp với Đức Chúa, phải đau khổ và phải chết. Do Thái giáo đưa con người hướng về niềm hy vọng sẽ được giải thoát, được cứu độ bởi Đấng Mêsia (Đấng Kitô: Đấng được xức dầu).
Kitô giáo xuất hiện vào đầu thế kỷ I giới thiệu Đức Giêsu, người Nazareth của nước Do Thái chính là Đấng Mêsia để cứu độ con người và vũ trụ. Kitô giáo nhận lời giải thích của Do Thái giáo về con người và xác định rằng con người đã được Đức Giêsu biến đổi hoàn toàn, trở thành một con người mới, có giá trị vô cùng, được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa và có thể trở thành quyền năng vô tận như Thiên Chúa vì đã được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu đã chết để đền tội cho con người và sống lại vì con người. Kitô giáo là tôn giáo có lời giải thích rõ ràng nhất về con người nên số tín đồ đã phát triển mạnh và hiện nay có khoảng 2 tỉ 400 tín đồ trong số 7,7 tỉ người sống trên trái đất.
2.3. Nhân văn (từ thời cận đại, thế kỷ XV đến hiện đại, thế kỷ XXI)
Thái độ sống quy hướng vào con người, lấy con người làm trung tâm cho mọi hoạt động và giá trị. Từ thế kỷ XV, khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in, máy điện báo do ông Chapper phát minh năm 1793, điện thoại năm 1876, truyền thanh (1920), truyền hình (1937), máy tính điện tử, internet (1974), nhất là trong thời hiện đại, con người phổ biến và chia sẻ rất nhanh những suy tư cảm nghĩ của mình, tạo nên những chủ nghĩa, hệ tư tưởng, thái độ sống rất khác nhau về con người. Tuy nhiên, dù là chủ nghĩa duy tâm hay duy vật, duy lý hay duy nghiệm, tư bản hay cộng sản, vô thần hay hữu thần, tất cả đều muốn tập trung vào con người chứ không muốn dành cho thần thánh mọi chú ý để không còn bị vong thân.
Những khám phá của khoa học tác động sâu xa vào suy nghĩ của con người, nhất là thuyết tiến hoá, thuyết Big Bang. Con người nghĩ rằng mình có thể giải thích về nguồn gốc của chính mình, mà không cần đến bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, mình có thể xây dựng cho nhân loại phát triển nhờ trí thông minh mà không cần cầu xin ơn lành của thần linh và khoa học tiến bộ có thể giải đáp tất cả những vấn đề khó khăn của con người như nghèo đói, bệnh tật và cả cái chết.
Những niềm tin vào Thiên Chúa, vào thần linh dần dần biến mất khỏi tâm trí con người do đời sống muốn tự do hưởng thụ vật chất, dành thời giờ nhiều cho việc học hành, làm việc, giải trí. Niềm tin vào một Thiên Chúa bị lung lay tận gốc sau hai cuộc chiến tranh thế giới (1914-1918) và (1939-1945). Hàng chục triệu người chết, hàng trăm triệu căn nhà, tài sản bị phá huỷ khiến cho con người thấy cuộc sống thật ngắn ngủi, vô nghĩa và phi lý. Hệ tư tưởng hiện sinh theo các nhà văn Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus được phổ biến rộng rãi, nhất là trong giới trẻ. Chúng ta thấy thái độ sống đó thể hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới: những đền thờ, chùa chiền của các tôn giáo vắng bóng người trẻ, chỉ còn ít người già tham dự các buổi cầu kinh trong khi các sân vận động, trung tâm giải trí, các nơi du lịch đầy ắp người vào các ngày nghỉ cuối tuần.
2.4. Nhân bản tâm linh
Dù đang bị cuốn theo cơn lốc của vật chất và các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người vẫn đang muốn đi tìm một hệ tư tưởng có thể giải đáp trọn vẹn cho con người biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu sau cái chết ở cuộc đời trần thế, mình có thể phát huy những khả năng vô tận của tinh thần và thể xác như thế nào để sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, quyền năng vô tận và hạnh phúc vô biên. Phim ảnh, sách báo nói rất nhiều về những mơ ước đó của con người: Super Man, Super Girl, Harry Potter, các truyện võ hiệp Trung Quốc…
Những khám phá mới của khoa học về con người càng thúc đẩy những người hiểu biết đi tìm nguồn gốc của những gì hiện hữu nơi con người: sự sống, tình yêu, tư tưởng, tự do, hạnh phúc. Dù với tất cả những máy móc hiện đại nhất, con người cũng không thể tìm thấy sự sống là gì, tình yêu ở đâu, tư tưởng cao thấp như thế nào trong con người. Người ta chỉ thấy những chất liệu hoá học, những xung động điện chuyển vận trong các tế bào, các neuron thần kinh. Vì thế, nhân loại đang hướng về một nền nhân bản tâm linh có thể giải đáp cho con người sự thật toàn vẹn của con người.
Nhiều nhà khoa học đã nhắc nhở và vạch trần những sai lầm trong giả thuyết tiến hoá của Darwin[18]. Rất nhiều người Cộng sản ở Nga và các nước Đông Âu đã ân hận về việc đã phổ biến những luận chứng sai lầm để phá bỏ tôn giáo và hô hào hệ tư tưởng duy vật, vô thần khiến cho nền luân lý, đạo đức của đất nước bị suy đồi. Các nhà lãnh đạo dân tộc Việt Nam cũng hô hào mở những lễ hội tôn giáo, mỗi năm có hơn 5000 lễ hội, thay vì đả phá như trước để phục hồi con người sống đạo đức hơn[19].
Nhưng xây dựng thế nào để có được một nền giáo dục nhân bản thoả mãn được mọi yêu cầu của con người và chứng minh nền nhân bản đó có thật bằng những con người cụ thể như các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu Kitô đã làm trong thời Giáo Hội Công Giáo sơ khai là một công trình đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và quyết tâm thực hiện. Đó cũng là niềm mơ ước của cả nhân loại hôm nay.
3. Tóm lược Giáo huấn Xã hội Công Giáo về con người
3.1. Vài dòng lịch sử
Mặc dù Thánh Kinh nói rõ về nguồn gốc và cùng đích của con người, cũng như Chúa Giêsu và các môn đệ của Người dạy rất cụ thể về tình yêu thương của con người đối với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với vạn vật như là những điểm căn bản của một nền nhân bản tâm linh, người Kitô hữu trong suốt gần 20 thế kỷ qua có vẻ như vẫn giữ thái độ bái thần, nhất là từ khi đạo Công Giáo được vua Constantinus nhìn nhận là tôn giáo hợp pháp trên toàn đế quốc Rôma năm 313.
Trong nhiều thế kỷ trước cho đến thời Trung cổ, người Kitô hữu tập trung nguồn lực vào việc xây dựng các cơ sở vật chất, tổ chức các nghi lễ trang trọng, quản lý các địa phận tôn giáo bằng các quan chức như giám mục, linh mục tạo thành giai cấp tăng lữ. Giai cấp này cộng tác mật thiết với chế độ quân chủ. Hầu hết Kitô hữu giáo dân, do học vấn thấp kém, hiểu đạo, giữ đạo là tôn thờ Chúa qua các lễ nghi, kinh nguyện, bí tích và tuyệt đối vâng phục các người đại diện cho Chúa là vua quan và hàng giáo phẩm, giáo sĩ. Họ quan niệm rằng mọi sự đều quy về Chúa, chịu đựng vì Chúa dù có bị bóc lột, thiệt thòi. Karl Mars, Engel và nhiều nhà hoạt động xã hội đã cho thái độ bái thần ấy làm cho con người vong thân và cho tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng.
Trước những vấn nạn xã hội nghiêm trọng liên quan đến con người, nhất là những con người đang lao động kiệt lực, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã công bố thông điệp Rerum Norarum (Các sự việc mới) năm 1891. Thông điệp này được coi như “học thuyết Công Giáo đầu tiên về lao động, về quyền tư hữu, về nguyên tắc hợp tác thay vì đấu tranh bạo động, về phẩm giá của người nghèo và nghĩa vụ của người giàu…”[20].
Nhiều vị giáo hoàng tiếp theo đã công bố những văn kiện về những vấn đề xã hội liên quan đến con người tạo thành “học thuyết xã hội” Công Giáo. Từ này được Giáo hoàng Piô XI nói đến đầu tiên năm 1941 và được nhiều giáo hoàng nhắc đến[21]. Gọi là học thuyết, vì “đây là toàn thể nói chung những quan niệm có hệ thống dùng để lý giải các hiện tượng và hướng hoạt động của con người” trong lĩnh vực xã hội[22]. Một số người chỉ dùng từ “giáo huấn xã hội” như một tập hợp những lời dạy của Giáo Hội Công Giáo về xã hội.
Công đồng Vaticanô II (1962-1965) với Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes “giới thiệu một Giáo Hội thật sự liên đới sâu xa với loài người và lịch sử nhân loại. Hiến chế trình bày một cách có hệ thống các chủ đề về văn hoá, đời sống kinh tế và xã hội, hôn nhân và gia đình, về cộng đồng chính trị, về hoà bình và cộng đồng các dân tộc, dựa trên quan điểm nhân học Kitô giáo và sứ mạng Giáo Hội”[23].
Sau nhiều năm nghiên cứu và biên soạn, nhất là dưới sự điều hành của vị chủ tịch là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình đã giới thiệu cuốn Tóm lược học thuyết Xã của Giáo Hội Công Giáo vào tháng 4 năm 2004 cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo và mọi người. “Người tín hữu có thể tìm thấy trong học thuyết này những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động là bước đầu để thăng tiến một nền nhân bản toàn diện và liên đới”[24].
Bản tóm lược này tuy xuất hiện hơi muộn, nhưng hết sức cần thiết để có thể giúp người tín hữu vượt qua thái độ “bái thần”, tập trung sự chú ý vào con người và các vấn đề xã hội của con người, trước những thách đố do các hệ tư tưởng và khoa học đặt ra muốn chỉ tập trung vào con người và chối bỏ Thiên Chúa.
3.2. Nội dung
Bản Tóm lược giới thiệu nền “nhân bản tâm linh vì lấy con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí làm then chốt cho toàn bộ phần trình bày của mình. Giáo Hội Công Giáo muốn phục vụ con người trong thời đại này qua cuốn Tóm lược theo cung cách đối thoại, mà chính Thiên Chúa đã thực hiện qua Con Một đã làm người của mình, đối thoại như với bạn hữu để làm chứng cho sự thật cũng như để cứu độ con người”[25].
Sách Tóm lược gồm 583 số trình bày thành 12 chương với phần nhập đề và kết luận. Tất cả nội dung trình bày xoay quanh con người và các vấn đề xã hội của con người. Ta có thể nói rằng Học thuyết Xã hội Công Giáo chính là học thuyết của Giáo Hội về con người vì như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô xác định: “Con người là con đường của Giáo Hội” đồng thời cũng là con đường của Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã trở thành người là Đức Giêsu Kitô.
Con người là lý do tồn tại của Giáo Hội vì Giáo Hội được Chúa Giêsu lập nên là để cứu độ con người. Khi Giáo Hội quay lưng lại với con người thì con người cũng bỏ Giáo Hội và cũng đánh mất luôn cả Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu Kitô vì họ không nhận ra Đức Giêsu chính là con người lý tưởng mình mơ ước đạt tới, như cùng đích cho mọi hoạt động của con người. Trong quá khứ, không ít lần nhiều cá nhân và tập thể Kitô hữu đã quay lưng lại với con người hoặc đã bỏ quên con người như một chủ thể sống động để tập trung vào nghi thức, lễ lạc hoặc vào cơ sở vật chất. Kinh nghiệm đó như đang thúc đẩy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến con người và tích cực hành động như Chúa Giêsu và cùng với Giêsu để cứu độ họ.
Chúng ta có thể nêu tên các đề tài của 12 chương sau đây:
Nhập đề: Một nền nhân bản toàn diện và liên đới.
Chương 1: Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Chương 2: Sứ mạng của Giáo Hội và học thuyết xã hội.
Chương 3: Con người và nhân quyền.
Chương 4: Các nguyên tắc của HTXHCG.
Chương 5: Gia đình – tế bào sống của Giáo Hội.
Chương 6: Lao động con người.
Chương 7: Đời sống kinh tế.
Chương 8: Cộng đồng chính trị.
Chương 9: Cộng đồng quốc tế.
Chương 10: Bảo vệ môi trường.
Chương 11: Cổ vũ hoà bình.
Chương 12: Học thuyết xã hội và hoạt động của Giáo Hội.
Kết luận: Vì một nền văn minh tình yêu.
Năm 2016, nhân Ngày Giới trẻ Thế giới tại Cracow, Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trao cho các bạn trẻ cuốn Docat, như là bản tóm lực học thuyết xã hội Công Giáo theo phong cách Youcat năm 2011 để các bạn trẻ hành động như Chúa Giêsu, vì “Chúa Giêsu chính là giáo huấn xã hội của Thiên Chúa”[26]. Cuốn Docat gồm 328 câu hỏi và câu trả lời có thêm phần trích dẫn các văn kiện của Giáo Hội và các giáo hoàng. Sách cũng chia thành 12 chương tương ứng với cuốn Tóm lược HTXHCG.
Kết luận
Nhìn vào Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay, những vấn đề về con người càng thôi thúc chúng ta hơn nữa để mỗi tín hữu Kitô giáo phải trở thành một con người thật sự như Đức Giêsu. Có thế chúng ta mới hy vọng tăng thêm tỉ lệ 7% người tín hữu Công Giáo mà từ 1885 đến nay vẫn giữ nguyên tỉ lệ này là tín hiệu báo động chúng ta cần xét lại thái độ và hành động của mình đối với con người!
Câu hỏi
1. Thách đố đầu tiên mà con người phải đối mặt là tìm được sự thật về con người: Con người là gì? Con người có thể làm được những gì? Con người phải như thế nào để đạt được cùng đích của đời mình? (x. Tóm lược HTXHCG, số 16). Bạn thấy còn thách đố nào khác không?
2. Trong 4 thái độ: bái vật, bái thần, nhân bản và nhân bản tâm linh, bạn có thể xếp loại các tôn giáo và hệ tư tưởng mình biết vào thái độ nào? (ví dụ: Phật giáo, Khổng giáo, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xã hội…).
3. Bạn nghĩ mình hay cộng đồng mình sống đang thuộc loại thái độ nào?
4. Bạn dự tính sẽ có hành động xã hội nào cho những đồng bào nghèo khổ, bệnh tật, dốt nát, yếu kém quanh mình nhân danh tình yêu của Đức Giêsu Kitô?
Nguồn: Vietcatholic (Còn tiếp)