Bài 6: Giá trị của công bằng
Lời mở
Ý niệm về công bằng xuất hiện muộn màng trong lịch sử con người. Cho đến hôm nay, nhiều dân tộc vẫn chưa được hưởng sự công bằng. Do bản năng sinh tồn, nhiều loài động vật phải giết nhau, ăn thịt nhau để sống. Mạnh được yếu thua là lẽ sống còn của mọi loài. Câu chuyện chia phần của vua sư tử cho ta thấy công lý của kẻ mạnh. Người ta đối xử bất công với nhau trong mọi lĩnh vực: đối với con người cũng như vạn vật và đối với chính Thiên Chúa! Nhưng nhiều khi người ta lại tưởng rằng mình đang giữ được công bằng. Hậu quả là con người không cảm nhận được bình an và các dân tôc chưa được hưởng hoà bình vì “công lý và hoà bình luôn đi chung với nhau”. Chính vì thế “công lý” hay “công bằng” là giá trị cần được chúng ta tìm hiểu và thể hiện trong đời sống.
1. Công bằng trong các lĩnh vực và mọi mối tương quan
1.1. Giải thích từ ngữ
Từ Justitia theo nghĩa Latinh, (Anh ngữ: Justice), được dịch là “công lý”, “công bằng”, “công chính”.
Từ điển Công Giáo Việt Nam, trong bản in năm 2019, dùng từ “công bình” (từ cũ) thay cho “công bằng”, “công chính”, không dùng từ “công lý” (Bản in năm 2016 lại dùng từ ‘công lý” thay cho “công bình”. Công bằng là việc mỗi người tôn trọng quyền lợi của mình và của tha nhân theo quy định của pháp luật hoặc của quy tắc xã hội. Công chính: không thiên vị, ngay thẳng (x. tr 170-171).
Từ điển Tiếng Việt 2013 dùng từ “công lý”: lẽ phù hợp với đạo lý và ích lợi chung của xã hội; “công bằng”: theo đúng lẽ phải, không thiên vị; “công chính”: ngành chuyên môn về quản lý và xây dựng các công trình công cộng như đường xá, cầu cống…. (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, tr. 282). Nhưng ta đừng hiểu Thánh Giuse là Đấng Công chính theo nghĩa này!
Từ điển Bách khoa Việt Nam nói nhiều đến công bằng: công bằng xã hội, công bằng phân phối. Đó là khái niệm đạo đức và ý thức pháp quyền, chỉ điều chính đáng, tương ứng với bản chất và quyền con người.
- Tóm lược Học thuyết Xã hội Công Giáo dùng từ “công bằng” trong 131/583 số. Docat dùng từ này trong 66/328 câu. Điều đó chứng tỏ đây là một giá trị nền tảng trong đời sống con người.
- Ý kiến hiện nay: ta nên phân biệt từ: “công bằng”: theo đúng lẽ phải, không thiên vị (justitia, aequitas) – công lý( justitia): lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội.
1.2. Công lý, công bằng trong lịch sử và đời sống
Dù con người biết suy tư xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm, ý niệm về công bằng cũng mới chỉ được xã hội biết đến một vài ngàn năm trước công nguyên, khi con người nhận ra giá trị cao quý của mình so với vạn vật.
Người Hy Lạp và sau đó là người Roma đã dùng sức mạnh để chiếm đóng và bắt các dân tộc khác phải phục quyền. Họ xây dựng được ý niệm công bằng và công lý với bộ luật dân sự, nhưng chúng chỉ được áp dụng cho dân tộc cai trị chứ không cho những dân tộc bị đô hộ.
Người Do Thái là một dân tộc đặc biệt nhất, khi họ ấn định Mười điều răn như luật công bằng trong mọi lĩnh vực (x. Đnl 5, 1-21; Xh 20,1-17 ), luật “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19,20), “không được áp bức người cùng khổ, mồ côi, goá bụa” “không được xét xử bất công, thiên vị giữa người giàu và người nghèo, giữa người Do Thái và người ngoại bang”… như luật công bằng xã hội cho dân tộc mình.
Nhìn vào dòng lịch sử dân tộc Việt Nam, giá trị công bằng ít khi thấy thể hiện trong đời sống. Trong hơn 10 thế kỷ sống dưới ách nô lệ của người Trung Quốc (111 TCN-938) , người Việt bị bóc lột nhiều khi đến tận xương tuỷ, nên không được hưởng sự công bằng trong mọi lĩnh vực: buôn bán sản xuất thì chịu sưu cao, thuế nặng; học hành, làm việc thì bị phân biệt đối xử giữa người cai trị và kẻ bị trị, nơi toà án xét xử thì chịu bao nỗi bất công vì không có công bằng pháp lý. Do đó, người Việt có tâm lý phản kháng, chống đối.
Tâm thức coi nhẹ giá trị công bằng đã chuyển hoá thành một bản sắc của người Việt ngay cả khi sống trong thời quân chủ độc lập (938-1945) vì nạn cường hào ác bá, quan lại tham nhũng, vua chúa độc tài, chuyên chế, xung đột với nhau khiến cho “công lý hầu như chỉ nằm trong tay của kẻ mạnh”. Người Việt dễ ăn cắp của công vì nghĩ rằng của công cũng là do tay mình làm ra nên chúng thuộc về mình. Họ thường trốn thuế vì coi thuế là công cụ bóc lột của chính quyền. Họ ra vẻ chăm chỉ làm việc trước mặt người chủ, nhưng khi chủ vừa quay lưng đi là ngồi chơi hay làm việc riêng của mình, đi làm trễ về sớm vì không quan tâm đến công bằng theo đồng lương đã nhận… Đó chỉ là thái độ phản kháng chống lại kẻ mạnh bất công với mình, nhưng họ lại không nghĩ rằng mình cũng đang bất công với người khác.
Kể từ năm 1945 đến nay, tâm thức coi nhẹ công bằng, xem thường công lý này đạt tới đỉnh điểm khi người ta hô hào, cổ vũ cho hệ tư tưởng vô thần, chết là hết, phá đổ niềm tin ngàn đời của dân tộc: “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”. Khi chối bỏ Trời như Đấng Tối Cao, nhìn thấu tất cả và xét xử muôn loài theo lẽ công bằng, nhiều người Việt không ngại ngùng sử dụng mọi thủ đoạn để buôn gian bán dối, dù biết rằng những hàng độc hại, giả tạo đó đang giết chết đồng bào mình. Nạn tham nhũng trong chính quyền lan rộng đến mọi cấp bậc khiến cho nền luân lý đảo điên, suy đồi. Người Việt chúng ta cần phải học lại ý nghĩa của công bằng nếu muốn cho dân tộc được trường tồn và hoà nhập với cộng đồng thế giới.
1.3. Công bằng trong các lĩnh vực và mọi mối tương quan theo Học thuyết Xã hội Công Giáo
Chúng ta đã biết rằng con người trải rộng sinh hoạt của mình trong mọi lĩnh vực và mọi mối tương quan nên giá trị công bằng cũng phải trải rộng như thế.
Trong các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật…mỗi cá nhân, từng chính quyền hay tổ chức xã hội đều phải giữ và làm đúng những điều đã quy định trong luật pháp, trong hợp đồng đã được ký kết để bảo đảm công lý và công bằng cho mọi người dân và các thành phần của xã hội. Vì thế, người ta phân biệt công bằng giao hoán, phân phối, pháp lý, xã hội, kính tế, tham gia…
Trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với con người, với vạn vật và với chính mình, Học thuyết xã hội Công Giáo đã định nghĩa “công bằng là có ước muốn kiên định và vững chắc trả lại những gì mình mắc nợ với Chúa và tha nhân” (x. HTXHCG, số 201, GLHTCG, số 1807).
Công bằng đối với Thiên Chúa là trả cho Ngài sự tôn kính trọn vẹn và biết ơn: đó là đức thờ phượng (số 17, 23, 63, 66, 67) vì Ngài không mắc nợ ai cả trong khi tất cả những gì ta có đều do Ngài ban tặng cho ta. Đức Giêsu cũng xác nhận: “Của Caesar trả về Caesar, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).
Như thế, “Phải yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn” (x. Mt 22,37) cũng chỉ là luật công bằng trong mối tương quan với Chúa. Còn “Phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Mt 22,39) cũng chỉ là luật công bằng trong mối tuơng quan với tha nhân vì người khác là anh chị em của ta trong đại gia đình Thiên Chúa.
Trong tương quan với con người, ta phải giữ công bằng giữa các cá nhân với nhau (số 462, 474); giữa các quốc gia (số 453, 497; Docat, câu 185-207). giữa chính quyền và công dân (số 527, 565). Những nông sản, hải sản không an toàn vì những hoá chất độc hại, những viên thuốc chữa bệnh không đủ liếu lượng hay giả tạo như những viên thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma… là những vi phạm về công bằng trong phạm vi cá nhân. Những chiến tranh thương mại giữa các nước vì dầu hoả, vì đất hiếm, vì những tài nguyên thiên nhiên… cũng vi phạm công bằng trong phạm vi quốc gia. Những cuộc bầu cử gian lận, những cuộc đấu thầu không công khai cho những dự án lớn… cũng vi phạm công bằng giữa chính quyền và công dân.
Trong tương quan với vạn vật, chúng ta cũng phải giữ công bằng để không khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, như tránh đánh bắt cá trong mùa đẻ trứng hay dùng lưới quyét bắt mọi thứ hải sản lớn nhỏ. Trong tương quan với chính mình, ta phải giữ công bằng để không làm việc đến kiệt sức, dành thời giờ nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng để phục hồi sức khoẻ.
1.4. Phân biệt vài dạng công bằng
+ Công bằng giao hoán: quy định sự phân phối hàng hoá khắp thị trường trên thế giới. Nó điều tiết việc trao đổi của cải và dịch vụ theo quy tắc tương xứng về giá trị giữa các cá nhân hay nhóm (số 201, 203; Docat, câu 107).
+ Công bằng phân phối: quy định việc cộng đồng phải thực hiện cho mỗi thành viên của cộng đồng phần xứng hợp với sự đóng góp và nhu cầu của họ (số 201; Docat, câu 206).
+ Công bằng pháp lý: quy định những bổn phận của mỗi thành viên phải đóng góp cho cộng đồng phần thích hợp của mình (thuế) (số 396; Docat, câu 109).
+ Công bằng xã hội: bao gồm các lĩnh vực liên quan tới xã hội, chính trị, kinh tế: phân phối của cải, trả lương lao động… (số 81, 82, 99, 167, 171, 201, 203, 340, 449; GLHTCG, số 1928-1942; Docat, câu 30, 40, 43, 65, 142). Sự chênh lệch giàu nghèo đòi hỏi phải tổ chức lại theo những chuẩn mực về công bằng xã hội (số 167, 171). Món nợ trả theo lẽ công lý xã hội cho người nghèo (số 184) và chính quyền phải can thiệp để thiết lập lại công lý (số 187).
+ Công bằng kinh tế: quy định những hoạt động kinh tế cần phải tôn trọng phẩm giá con người và sự thịnh vượng của toàn xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, một số điều kiện như bệnh hoạn, tật nguyền, nỗi đau khổ, không thể tính theo công lý kinh tế, nhưng được hỗ trợ riêng. Sự phát triển trong công lý đòi nhiều hơn sự tăng trưởng kinh tế: tôn trọng nền văn hoá, quyền sở hữu cá nhân và doanh nghiệp, tôn trọng thị trường tự do khi nó phục vụ toàn thể cộng đồng (số 332; Docat, câu 157-183).
Hầu như mại nước trên thế giới đang tham gia và quan tâm tới các loại Hiệp định Thương mại Tự do (FTA: Free Trade Agrements). Hiện có khoảng hơn 200 hiệp định có hiệu lực. Nổi tiếng là các hiệp định với liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (PTPP). Trong các hiệp định này, các thành viên quan tâm tới sự công bằng và bình đẳng để tất cả các bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, các thành viên cũng không được làm thiệt thòi cho những nước ở ngoài hiệp định. Lý do là “ngay trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và thịnh vượng của toàn thể xã hội cần phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là nguồn gốc, trung tâm và mục đích cuối cùng của tất cả đời sống kinh tế và xã hội” (x. CĐ.Vat II, GS, số 63; Docat, câu 158).
+ Công bằng tham gia: quy định các cá nhân phải tham gia vào đời sống của cộng đồng như quyền bỏ phiếu bầu cử, tham gia vào sinh hoạt của mọi thứ cộng đồng như giáo xứ, đảng phái chính trị: tất cả mọi người đều có quyền tham gia, không được loại trừ ai (Docat, câu 100-101).
2. Can đảm dấn thân hành động cho công bằng xã hội
“Tin Mừng dứt khoát dẫn người ta đến chỗ phải dấn thân cho tình yêu, công lý, tự do và hoà bình. Khi Đức Giêsu tuyên bố Nước Trời đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu mạng một số cá nhân, mà hơn thế nữa, Người thiết lập một hình thức mới của cộng đồng – một vương quốc của hoà bình và công lý” (TLHTXHCG, số 63, 260; Docat, câu 28).
“Bắt chước Đức Giêsu, mỗi tín hữu tiếp tục công trình cứu độ của Người, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: để trả lại công bằng cho người nghèo, giải thoát người bị áp bức, an ủi người phiền muộn, tích cực đi tìm một trật tự xã hội mới, trong đó có những giải pháp thích đáng để giải quyết sự nghèo nàn về vật chất” (x. HTXHCG, số 325).
Tín hữu phải biết hợp tác với mọi người để bảo vệ công bằng (số 448) trong mọi lĩnh vực như giáo dục (số 332), truyền thông (số 562), kinh tế (số 564), chính trị (565).
Vấn đề không phải là đi tìm những công thức mới, kế hoạch mới, nhưng Giáo Hội giới thiệu “Đức Giêsu Kitô như là tâm điểm cho mọi hoạt động xã hội của chúng ta để Người được nhận biết, yêu thương, bắt chước” (HTXHCG, số 577).
3. Tình yêu hoàn thiện những công trình của công bằng
“Chỉ có tình yêu mới có khả năng thay đổi tận gốc những mối quan hệ con người đang có với nhau. Đây chính là viễn cảnh giúp mọi người thiện chí thấy được những chân trời công lý rộng mở, và con người phát triển trong sự thật và sự thiện hảo” (HTXHCG, số 4).
“Tự một mình, có công bằng thôi chưa đủ. Thật vậy, công bằng có thể phản bội chính mình, trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái”). Học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt giá trị của công bằng song song với giá trị liên đới, coi đó là con đường đặc biệt dẫn tới hoà bình (HTXHCG, số 325).
Tình yêu vừa giả thiết có công bằng, vừa vượt lên trên công bằng. “Công bằng phải được hoàn tất trong bác ái”. Nếu công bằng “tự nó thích hợp cho chúng ta dựa vào mà phân xử giữa con người với nhau, mỗi khi đụng chạm đến việc phân phối các thiện ích khách quan sao cho công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả tình yêu nhân hậu mà Chúa Giêsu quen gọi là lòng thương xót) mới có khả năng khôi phục con người trở lại với chính mình (HTXHCG, số 206, 582, 583; ĐTC Gioan Phaolô II, TĐ Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, số 10).
Kết luận
“Lý lẽ của quà tặng không loại trừ công bằng nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, nên sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, nếu muốn thật sự là nhân bản, cần phải dành chỗ cho nguyên tắc cho không như một biểu hiện của tình huynh đệ” (Docat, tr.300; ĐGH Bênêđictô XVI, TĐ. Caritas in Veritate, số 34).
Câu hỏi
1. Con người ngày nay đang quan tâm nhất tới loại công bằng nào?
2. Khi người chủ trả lương không công bằng cho người làm công cho mình, người làm công sẽ hành động thế nào để đòi được công bằng cho mình?
3. Bạn có bao giờ áp dụng nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng trong đời sống xã hội của bạn? Bạn áp dụng như thế nào?
4. Bạn nghĩ sao về những “tác quyền” đang được bảo vệ kỹ lưỡng và rất cao giá trong một số lĩnh vực như công ty tin học, các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông…?
5. Bạn nghĩ sao về tác quyền của những nhà xuất bản Công Giáo ở nước ta khi đòi phải trả phí khá cao cho những bản dịch Thánh Kinh, các bản văn Phụng vụ, các sách tu đức, văn học Công Giáo khiến cho người tín hữu Công Giáo ít có khả năng tiếp cận với các loại sách Công Giáo…?
6. Tại sao không có một hệ thống phân phối văn hoá Công Giáo qua các giáo phận, giáo xứ, dòng tu để bớt trung gian và hạ giá sách xuống? Tại sao ít người Công Giáo tặng sách theo kểu “ấn tống” như các anh em Phật giáo, Tin Lành để phổ biến văn hoá Công Giáo mà chỉ tập trung cho việc xây cất những cơ sở vật chất?
Bài 7 : Vươn tới sự sống dồi dào và sung mãn
Lời mở
“Sự sống, đời sống, những điều kiện sống” là những từ được Học thuyết Xã hội Công Giáo nhắc tới 271 lần trong 583 số của cuốn Tóm lược và là từ thứ ba được dùng nhiều nhất sau từ con người (639 lần) và Thiên Chúa (325 lần). Tất cả 16 văn kiện của Công đồng Vaticanô II đều nhắc đến từ này hàng trăm lần để cho chúng ta thấy trọng tâm của Học thuyết Xã hội cũng như Giáo huấn Giáo Hội là giúp cho con người sống dồi dào, bình an và hạnh phúc như Đức Giêsu đã xác định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là mục tử nhân lành” (Ga 10,10-11).
Tuy nhiên, có nhiều người dù đang sống, mà không biết sống là gì và sống để làm gì? Họ sống đau khổ, tủi nhục, thấp hèn, sống mà không bằng chết, khiến nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940) phải nhắn nhủ: “Sống mà như thế đừng nên sống. Sống tủi làm chi đứng chật trời!”. Thật ra, ai cũng muốn sống hạnh phúc, cao thượng và phát huy những phẩm chất đặc biệt của con người, nhưng làm sao để sống được như thế mới là điều đáng chúng ta quan tâm.
1. Những thách đố và xung đột trong đời sống con người và xã hội hiện nay
1.1. Sống là gì?
Dù sự sống đã có mặt trên trái đất này cách đây một tỉ năm, khởi đầu từ những đơn bào, đa bào, đến thực vật, động vật và con người biết suy tư với hộp sọ phát triển có thể tích 1200-2000cm3, nhiều người vẫn chưa hiểu sống là gì[152]. Người ta thường nghĩ theo giả thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1882): sự sống ngẫu nhiên mà có chứ không bắt nguồn đâu cả, dù khoa học luôn quả quyết có hậu quả thì phải có nguyên nhân!
Tìm trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam (TĐBKVN), bộ từ điển có giá trị nhất hiện nay, chúng ta không tìm được định nghĩa của từ “sống”[153]. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản, lớn lên và chết”[154]. Những lời giải thích này chỉ mô tả một số chức năng chung của các vật thể sống chứ không định nghĩa được sự sống.
Thật ra, sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần minh chứng vì nó đang ở trong ta, trong muôn loài sống động quanh ta. Nó lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, phi lý và dễ dàng biến mất nếu người ta không tìm về được nguồn của sự sống. Vì thế, sự sống là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng[155].
1.2. Những thách đố và xung đột trong đời sống
Chính vì không biết sống là gì nên người ta có những thái độ sống rất khác nhau. Có người thấy sự sống có vẻ như rất mong manh, tạm thời và phi lý. Chỉ cần một cơn gió nóng thổi qua, bông hoa xinh đẹp kia cũng héo tàn. Chỉ cần một hành động như thải nước độc ra đại dương của Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016, hàng triệu tôm cá bị giết chết. Chỉ cần một vài thay đổi trong cơ thể, con người trẻ trung, tài giỏi, xinh đẹp kia cũng biến mất sau một cơn nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Đó là mặt tối của sự sống nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?”[156].
Vì không nhận ra được những giá trị tích cực của sự sống, nên người ta hững hờ với nó, chẳng lo cho mình, chẳng giúp cho đời. Họ phung phí những năm tháng sống để thoả mãn các đòi hỏi của bản năng và dục vọng trong những cuộc vui thâu đêm. Họ tàn phá sự sống của mình bằng đủ thứ nghiện ngập và của người bằng những hành động ác đức như tham nhũng, bất công; buôn bán hàng độc hại; nói lời bất hoà, chia rẽ; bạo hành, gây chiến, phá thai… Họ nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy những tội ác xúc phạm đến sự sống của mình. Nhưng thật ra sự sống nào cũng mang tính vĩnh hằng, nên bất cứ hành động nào, dù tốt hay xấu, cũng đều ghi lại những dấu ấn trong sáng hay bẩn thỉu của nó trên bản chất của con người, khiến họ phải tẩy xoá sạch mọi vết bẩn nếu muốn hạnh phúc trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng.
Trái lại, không ít người nhận thức được sự sống lạ lùng, quý báu, thiêng liêng. Dù chỉ là một ngọn cỏ, một con bướm, nhưng cấu trúc kỳ diệu của hàng tỉ tế bào chuyển động không ngừng trong chúng đã làm kinh ngạc bao nhà bác học. Dù chỉ cần thêm một vài giây phút sống, nhưng người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho người thân được sống, để nghe được lời tha thứ yêu thương, xem được nụ cười mãn nguyện của người thân. Một nụ cười trong sáng kéo dài chỉ một vài giây, nhưng cũng có sức lan toả từ người này sang người khác và tồn tại lâu dài trong suốt dòng lịch sử con người. Một câu nói yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi. Vì thế, ta được mời gọi sống đẹp từng giây phút trong đời!
Sự sống thiêng liêng vì nó được nối kết với giá trị tinh thần mà không máy móc khoa học kỹ thuật nào có thể cân đo đong đếm được. Một nụ hôn đầu đời khiến người ta nhớ mãi về tình yêu. Một dấu bước chân của Neil Amstrong đặt lên mặt trăng ngày 20/7/1969 ghi nhớ mãi sự tiến bộ của loài người trong việc chinh phục không gian. Một nụ cười rạng rỡ ngày cưới làm cho lòng người chứa chan hạnh phúc. Tình yêu, tiến bộ, hạnh phúc là những thứ thuộc về tinh thần, không lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian, nên chúng tồn tại mãi mãi với sự sống. Đó là tính cách thiêng liêng, vĩnh hằng của sự sống mà nhiều khi ta không biết đến hay chẳng quan tâm.
HTXHCG khai triển giáo huấn đã được CĐ. Vat. II trình bày về những thách đố và xung đột trong đời sống con người hiện nay, đặc biệt trong Hiến chế Gaudium et Spes (số 4-11).
Ba thách đố lớn đặt ra cho con người hôm nay: trước hết, đó là sự thật toàn diện về con người: con người là gì, có thể làm được những gì và phải như thế nào. Tiếp theo: trước những tiến bộ và hiểu biết, con người hiện nay có nhiều cách suy nghĩ khác nhau, lựa chọn cách sống khác nhau về văn hoá, tôn giáo, xã hội, vậy làm sao hiểu được và hoà hợp được những khác biệt đó. Thách đố thứ ba là việc toàn cầu hoá: mọi dân tộc đang chịu ảnh hưởng lẫn nhau và đang muốn phát triển trọn vẹn, không phải chỉ về lĩnh vực kinh tế, vậy nhân loại sẽ phát triển theo hướng nào để đạt tới sự thăng hoa toàn diện, thay vì xung đột, chia rẽ dẫn đến sự tận diệt loài người[157].
2. Đường hướng giải quyết theo HTXHCG
2.1. Xét về lĩnh vực sự sống
Có thể nói muôn loài muôn vật đều liên kết và hiệp thông với nhau như các thành phần trong một thân thể nhiệm mầu.
Từng giây phút sống là ta nhận được khí Oxy từ những cây xanh toả ra, là ta ăn bát cơm, miếng thịt, cọng rau rút ra từ lòng đất nước. Vật chất cũng như nhiều loài thực vật, động vật trở thành máu xương của ta. Rồi khí Carbonic và cặn bã ta thải ra, qua sự chuyển hoá của vũ trụ, lại trở thành xương thịt cho muôn loài sống động quanh ta. Trong đời sống vài chục năm, ta thở hàng triệu lít Oxy và uống hàng trăm ngàn lít nước. Tất cả đều chuyển hoá và hoà trộn vào muôn vật muôn loài.
Vì thế, chúng ta đều là anh chị em ruột thịt của nhau xét về phương diện khoa học, chưa cần nói đến khía cạnh tôn giáo tâm linh. Nếu phân tích các gen trong nhiễm sắc thể, ta là con của ông bà này hay ông bà kia để đối xử với nhau theo huyết thống. Nhưng phân tích sâu xa hơn theo khía cạnh sự sống, ta là anh em ruột của mọi người và muôn loài trong vũ trụ này.
Vì thế, ta phải cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì trong thân thể mỗi người đang có những nguyên tử, phân tử Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nên chúng ta là anh chị em ruột của nhau về mặt tâm linh. Đó cũng là ý nghĩa cần hiểu khi Giáo Hội Công Giáo luôn dùng từ anh chị em ruột để nói về những người thân của Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta[158], để chào nhau trong thánh lễ.
Hơn nữa, nếu ta không hiểu sự sống con người là gì, ta cũng không thể nào biết khát vọng sống của mình có thể vươn cao và bay xa đến đâu.
2.2. Đường hướng sự sống
Ngay trong số đầu tiên của cuốn LTHTXHCG, Giáo Hội đã xác định Đấng có thể giải quyết mọi thách đố và xung đột trong đời sống là “Đức Giêsu Kitô, vì Người là Vị Cứu Tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử. Người chính là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 11,6). Chính Người đã phải trả “một giá đắt” (1Cr 6,20) bằng cái chết và sự sống lại của mình để đem đến cho mọi người sự sống mới: đó là ơn cứu độ”.
Sự cứu độ ấy đang thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại của kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc. “Đức Giêsu đến để mang ơn cứu độ toàn diện, một sự cứu độ bao trùm lên mỗi con người và toàn thể nhân loại, đồng thời mở ra một triển vọng rất kỳ diệu, là mọi người được nhận làm con Thiên Chúa”[159].
HTXHCG đã nhờ Đức Giêsu Kitô giải đáp cho con người những vấn đề mà các nền văn hoá, văn minh đã phải đối mặt về nguồn gốc của con người và vũ trụ, về mầu nhiệm hiện hữu, về đau khổ, sự dữ và sự chết, về tương lai của con người[160]. Đồng thời cũng giới thiệu cho con người con đường hướng tới sự sung mãn cho cuộc sống mà con người đang mơ ước để mời gọi con người dấn thân[161].
Chính các môn đệ của Đức Giêsu trong Giáo Hội Công Giáo cũng cùng với mọi người dấn thân vào con đường đi tìm sự thật giải phóng và sự sống thần hoá. Họ đã và đang làm chứng rằng “Thiên Chúa đã tặng ban Con Một của Ngài là Đức Giêsu để giải thoát con người khỏi tội lỗi và chỉ cho mọi người con đường mình phải đi và đích điểm mình phải phấn đấu đạt tới”[162].
Khi gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua, người môn đệ Đức Giêsu chết đi cho con người cũ của mình cùng với những khuynh hướng xấu, để trở thành thụ tạo mới, được ân sủng tăng sức để có thể “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4). Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ai ai cũng được mời gọi hưởng chung một định mệnh duy nhất – một định mệnh thần thánh – nên chúng ta phải tin rằng Thánh Thần sẽ ban cho mọi người khả năng trở thành những người tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách nào chỉ có Chúa biết mà thôi[163].
Sự biến đổi nội tâm con người làm cho chúng ta dần dần trở nên giống Đức Kitô, chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để các mối quan hệ của ta đối với người khác được biến đổi thật sự. Việc biến đổi này sẽ thúc đẩy ta đổi mới những khả năng tâm linh, đời sống luân lý của mình, đồng thời tìm ra những phương dược thích hợp để sửa chữa các tổ chức và điều kiện sống có nguy cơ dẫn đến tội lỗi và sự dữ, phù hợp với những chuẩn mực của công lý, sự thật, bình an và tình yêu[164].
“Người môn đệ của Đức Giêsu sẽ kính trọng và yêu thương mọi người, thật sự chịu trách nhiệm về mọi người, dù họ suy nghĩ và hành động khác với chúng ta về các vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo. Chúng ta có thể thực hiện được điều này nhờ ơn Chúa ban, để vượt qua mọi thứ dối trá và bạo động, với một tinh thần luôn mới mẻ và sẵn sàng, trong một mạng lưới quan hệ trung thực và đúng đắn với anh chị em đồng loại của mình”[165].
Trong mối quan hệ với vũ trụ được tạo dựng, người môn đệ Đức Giêsu có khả năng và bổn phận yêu thương mọi loài, tiếp nhận chúng từ Thiên Chúa, ngắm nhìn và tôn trọng chúng, sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần nghèo khó và tự do. Bằng cách đó, con người thật sự làm chủ thế giới như thể không có gì hết; nhưng lại có tất cả: “Mọi sự là của anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (HTXHCG, số 44; 1Cr 3,22-23).
Đức Giêsu là con Thiên Chúa làm người, trong Người và nhờ Người, thế giới và con người đạt tới được sự thật đích thực và trọn vẹn của mình: đó là được chia sẻ đời sống làm con cùng với Đức Kitô, nhờ cuộc nhập thể và nhờ quà tặng của Thánh Thần trong mầu nhiệm Vượt Qua (HTXHCG, số 45).
Cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc hồi sinh của con gái ông Giairô (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), Ladarô (x. Ga 11,1-41), Euticô (x. Cv 20,9-12), Tabitha (x. Cv 9,36-41). Chúa Giêsu không phải chỉ trở lại cuộc sống bình thường trong không gian và thời gian với các điều kiện vật chất như mọi người mà Người sống một cách thức mới trong chiều hướng của Thiên Chúa hằng sống.
Chúa Giêsu sống lại là Người giới thiệu cho con người chúng ta một sự sống mới, một sự hiện hữu mới để chúng ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện trong mọi thời. Do đó, dù cửa nhà các môn đệ đóng kín, Chúa Giêsu vẫn hiện ra đứng giữa mọi người. Người ăn uống với họ để họ thấy vật chất được thâu nhận và biến đổi trong đời sống mới này. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn bị đâm thủng của Người và yêu cầu Tôma kiểm chứng để thấy Người chính là con người trước đây đã bị đóng đinh, bị chết nay sống lại.
Đó cũng là sự sống mới mẻ khởi đầu từ một cuộc sáng tạo mới: Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của Người cho họ. Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, Chúa dựng nên con người từ bùn đất, khi Chúa thổi hơi vào thì trở thành con người sống động. Bây giờ, Ngôi Lời Thiên Chúa là Chúa Giêsu sống lại cũng thổi hơi trên các môn đệ để tạo dựng nên những con người mới, những con người được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Đấng Phục Sinh nhờ Thần Khí của Người. Thánh Phaolô sẽ khai triển nhiều về đề tài này trong các thư của ngài khi xác tín Đức Giêsu là một Ađam mới ngay trong cái chết của Người khi “Người gục đầu xuống và trao ban Thần Khí” (Ga 19,30).
3. Sống đẹp và yêu đến cùng như Đức Giêsu Kitô
3.1. Sự sống tinh thần
Con người chỉ được nâng lên một bậc sống mới nhờ "tinh thần" khi con người biết vượt qua chính mình, vượt qua vật chất, không gian và thời gian để đưa những suy tư và cảm xúc tự nhiên của mình vào một tầng cao mới, một thế giới mới: thế giới của tinh thần với các giá trị phi thường, siêu việt.
Nhờ khả năng biết suy tư, con người nhận biết có một sự sống mới mà mình có thể tham dự: sự sống tinh thần. Sự sống này bao gồm những giá trị tích cực mà con người có thể cảm nhận được ngay trong đời sống tạm bợ, nhất thời, phi lý của mình: đó là giá trị của tình yêu, tự do, niềm vui, hạnh phúc, hoà bình, cái đúng, cái tốt, cái đẹp… Con người muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, tốt mãi, vui sướng trọn vẹn, hạnh phúc sung mãn, tự do hoàn toàn, hoàn thiện vô biên. Khát vọng này đưa con người vượt ra ngoài vũ trụ vật chất, đang bị lệ thuộc vào thời gian và không gian ba chiều, để bước vào thế giới linh thiêng chỉ dành cho loài có tinh thần. Đó cũng là khát vọng trở thành thần linh, kết hợp với Thiên Chúa mà tôn giáo gọi là “được giải thoát”, “cứu độ”, được “vào thiên đàng”, “vào Niết Bàn”, …
Trong suốt dòng lịch sử, con người đã thể hiện khát vọng kéo dài sự sống bằng cách tìm ăn các củ nhân sâm ngàn năm, tạo ra các mỹ phẩm để làm cho mình đẹp hơn, trẻ hơn, thay đổi gen để kéo dài tuổi thọ… Thất vọng về các giải pháp vật chất, con người tìm đến tôn giáo vì hy vọng tìm ra các giải pháp tinh thần thoả mãn được khát vọng của mình. Quả thật, một số người đã tiếp xúc được với thần linh, đã tham dự vào đời sống tinh thần và chứng minh cho những người khác thực tại của đời sống này. Vì thế, hầu hết 7 tỉ con người đang sống trên trái đất đang theo một tôn giáo nào đó. Đây chỉ là một dấu hiệu nhắc nhở ta quan tâm đến sự sống tinh thần.
Như thế, tôn giáo không phải là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng như người Cộng sản lên án, cũng chẳng phải là thứ thuốc mê làm tha hoá con người như người Hiện sinh Vô thần đã nêu ra. Tôn giáo là một trong những phương tiện đưa con người vào đời sống tinh thần, khi cổ vũ nền văn hoá sự sống, mà chỉ con người mới có thể xây dựng để vũ trụ đạt tới cùng đích của nó trên con đường tiến hoá. Vì thế phải trân trọng tôn giáo vì đó là hình thái cao nhất của nền văn hoá sự sống khi cổ vũ một sự sống tinh thần hoàn hảo và vô biên. Tôn giáo sẽ giúp con người được tự do hoàn toàn và phát triển trọn vẹn khả năng tinh thần của mình. Lúc đó ta mới thật sự là người có thể xác và tinh thần, được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng là Cội Nguồn Sự Sống, với tinh thần luôn mở ra cho siêu việt và hướng tới vô biên[166].
3.2. Sự sống thần hoá của Đức Giêsu
Đức Giêsu không dài lời giải thích về sự sống bằng những ý niệm trừu tượng, nhưng Người dạy ta tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài quanh ta vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa hằng sống.
Người mời gọi ta hãy nhìn xem vạn vật như hoa huệ ngoài đồng, những chú chim sẻ ríu rít quanh ta để nhận ra quyền năng và tình yêu của Cha Trên Trời đối với tất cả (x. Mt 6,26-32). Người yêu cầu ta thu nhặt từng mẩu bánh nhỏ, dù phép lạ Người làm cho mọi người no nê, để tiết kiệm, dành dụm cho những bữa sau (x. Ga 6,12).
Người quý trọng sự sống thể lý của con người nên đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Mc 1,32-33; 3,10-12; 6,55-56; Mt 8,16; Lc 4,40…). Người cổ vũ sự sống tâm lý khi nhắc nhở con người giữ tinh thần cho trong sáng, quảng đại vì không phải những đồ ăn đưa vào bụng con người làm cho họ ra nhơ uế, nhưng những gì là tham lam, ghen tuông, giận dữ, dối trá… từ lòng con người xuất ra mới làm cho họ bẩn thỉu, nhuốc nhơ (x. Mt 14,10-20; Mc 7,14-23). Người đề cao sự sống tâm linh khi nhắc nhở con người “không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Người chia sẻ sự sống của Thiên Chúa cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 1,4; 3,16; 3,36; 5,24.26; 6,47; 10,10; 11,25; 17,3…).
Người xua đuổi ma quỷ vì đó là những thụ tạo gây hại cho đời sống con người “cả thể xác lẫn tinh thần” nên khi xua đuổi ma quỷ khỏi người câm điếc, thì họ nói được, nghe được, thấy được (x. Mc 1,21-28; 5,1-20; 7,24-30; 9,14-29; Mt 9,32-34; Lc 4,31-37).
Người đã làm nhiều phép lạ cho người chết sống lại để chứng tỏ rằng sự sống ở đời này chỉ là một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi so với đời sống vĩnh hằng. Người cho con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), con gái ông Giairô (x. Mc 5,21-43) và Lazarô chết 4 ngày sống lại (x. Ga 11,1-44) để chứng tỏ Người là chủ sự sống, Người là Sự Sống toàn diện, siêu việt, hoàn hảo “Tôi là Sự Sống…” (x. Ga 14,6): Người ban sự sống đó cho tất cả những ai tin vào Người “Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời” (Ga 11,25-26).
Cuối cùng, chính Người đã chết và sống lại để chứng tỏ con người có thể tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, cùng ăn uống với họ để chứng tỏ Người đang sống và chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa cho họ. Thân thể phục sinh của Đức Giêsu có thể hiện ra ở trong phòng đóng kín cửa (x. Ga 20,19) ở bất cứ nơi nào (bên ngôi mộ, nơi phòng Tiệc Ly), bất cứ lúc nào (trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-25). Đó là cuộc sáng tạo mới của Thiên Chúa.
3.3. Con đường thần hoá
Người còn cho các tông đồ được chia sẻ quyền năng của Người để làm các phép lạ minh chứng con đường sự sống kỳ diệu đó: (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 9,6). Phêrô chữa người què (x. Cv 3,1-10) hoặc bị tê bại tên Ênê (x. Cv 9,32-35), cho chị Tabitha sống lại (x. Cv 9,36-42). Phaolô chữa lành người bại chân ở Lystra (x. Cv 14,8-18), trừ khử ma quỷ (x. Cv 19,11-20), cho cậu bé Eutichô sống lại (x. Cv 20,7-12). Điều này chứng tỏ con người đã được thần hoá chứ không phải “những vị thần mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta” (Cv 14,11).
Chúng ta có nhiều thí dụ trong Thánh Kinh cũng như trong đời sống của các thánh nhân về những đặc tính của đời sống mới. Chẳng hạn trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Philipphê đang giảng dạy ở miền Samari, Thánh Thần bốc ngài đi gặp viên hoạn quan đang đi trên đường từ Giêrusalem về Gaza để nói cho ông về Chúa Giêsu, rồi sau khi rửa tội cho ông, Thánh Thần lại cất ông đi ngay trước mắt viên quan ấy và đặt ông xuống miền Asđôt, cách xa hàng trăm cây số (x. Cv 8,4-40). Hoặc thánh Martinô Pores sống ở Nam Mỹ nhưng được Chúa cho vượt Đại Tây Dương trong nháy mắt, đưa vào ngục tù để chữa cho một tù nhân ở châu Âu. Khi ngài dẫn đoàn học sinh đi chơi, thầy trò vui vẻ đến quên giờ về đọc kinh chiều trong khi đường còn rất xa, thánh nhân xin tất cả nhắm mắt lại cầu nguyện, mở mắt ra đã thấy mình ở trước cổng tu viện. Những thí dụ đó cho ta hiểu về sự sống mới mà Đấng Phục Sinh có thể chia sẻ cho các môn đệ của Người.
Khi gắn bó với Đấng Phục Sinh, Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và quyền năng kỳ diệu của Người để chúng ta hiểu rằng Người đang hiện diện sống động bên ta, chia sẻ sự sống kỳ diệu cho ta để ta không còn lệ thuộc vào vật chất, vào không gian, thời gian và định luật của thể xác, để tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho mọi người, mọi vật quanh mình[167].
Như thế, con đường Giêsu dẫn loài người và vạn vật đến một điểm xa nhất và cũng cao nhất, đó là được thần hoá để chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Ước mơ của con người đã biến thành sự thật!
Kết luận
Con đường sự sống của Đức Giêsu mở ra đến vô tận. Nó giúp ta từ nay nhìn ra muôn loài ẩn chứa một sự sống lạ lùng của Thiên Chúa để ta tôn trọng và yêu quý tất cả. Nó cũng giúp ta luôn sống trong niềm vui và hy vọng vì cánh cửa tử sinh chỉ còn là một bước ngắn ngủi phải qua để đi vào cuộc thần hoá diệu kỳ.
Câu hỏi gợi ý
1. Bạn đang cảm nghiệm gì về cuộc sống của mình: chán chường, mệt mỏi, vô nghĩa, có ích, trân trọng, hối hả, lo sợ, tin tưởng, thích thú?
2. Bạn có coi thường và đánh giá thấp đời sống thể lý với các hoạt động như ăn uống điều độ, ngủ nghỉ, giải trí, vui chơi, thể dục thể thao? Hoặc bạn quá chú tâm đến chúng?
3. Bạn có kinh nghiệm gì về một phép lạ của Chúa, một sự can thiệp lạ lùng của Chúa trong đời bạn? Bạn nghĩ mình có thể làm phép lạ không?
Bài 8 Các nguyên tắc căn bản hướng dẫn hành động xã hội
Lời mở
Khi cổ vũ nền văn hoá nhân bản tâm linh, Học thuyết Xã hội Công Giáo (HTXHCG) để cao những giá trị căn bản là sự thật, tình yêu, tự do, công bằng và sự sống. Chúng được xem như những viên gạch để xây dựng nền văn minh tình yêu. Nhưng để làm thành được toà nhà văn minh tình yêu, ta cần những người thợ biết xây dựng theo đúng sơ đồ kiến trúc và những nguyên lý xây dựng cơ bản.
Chính vì thế, HTXHCG giới thiệu 4 nguyên tắc căn bản để hướng dẫn mọi hành động xã hội của con người. Đó nguyên tắc nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới. Chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao lại có những nguyên tắc ấy, nội dung của chúng là gì và chúng có liên hệ với nhau như thế nào.
1. Phân biệt từ ngữ
Trong phạm vi bài này, ta nên hiểu rõ và phân biệt:
1.1. Hành động, hay hành vi,
Tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác rất phong phú. Cùng một từ act, action của tiếng Anh, hay acte, action của tiếng Pháp, actus của tiếng Latinh, tiếng Việt có thể dịch thành: hành vi, hành động, tác động, việc làm và nhiều ý nghĩa khác.
- Hành động: là việc làm cụ thể của con người nhằm một mục đích nhất định[168]. Thí dụ: ăn một bữa cơm; uống một ly nước; nói chuyện với bạn bè, mua một đồ vật…
- Hành vi: toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể. Thí dụ: hành vi ăn: từ cách gắp thức ăn, nhai nuốt, bộ mặt biểu lộ cảm xúc khi ăn, đến cách ngồi ở bàn ăn trong một nhà hàng sang trọng…
Trong thực tế, nhiều người cũng như nhiều từ điển dùng lẫn lộn từ “hành động” với “hành vi”.
1.2. Phân biệt hành vi nhân sinh và hành vi nhân linh theo luân lý
Hành vi nhân sinh là hành vi của con người, nhưng không do lý trí con người điều khiển, cũng không được ý chí con người kiểm soát. Thí dụ: nói mê, nói sảng, té ngã[169].
Hành vi nhân linh là việc làm đã được lựa chọn cách có ý thức và tự do theo phán đoán của lương tâm nên mang tính trách nhiệm luân lý[170].
Tính cách luân lý của các hành vi nhân linh tuỳ thuộc vào 3 yếu tố sau đây: trước hết, đối tượng được chọn lựa là điều thiện chủ ý nhắm tới; tiếp theo là ý hướng hay mục đích mà chủ thể hành động muốn thể hiện; thứ ba là các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả những hậu quả. Thí dụ: hành động cho tiền một người nghèo, nhưng làm với ý hướng khoe khoang để mua chuộc lòng tin của người khác và lừa bịp họ vào trong những hành động xấu xa khác[171].
Như thế, một hành vi tốt về mặt luân lý đồng thời giả thiết phải có cả 3 yếu tố đều tốt. Mục đích không biện minh cho các phương tiện. Thí dụ: không thể lấy lý do giúp người nghèo để cướp đất, cướp của người khác. Không được phép làm điều xấu để từ đó đạt được điều tốt. Thí dụ: thúc đẩy kế hoạch giảm gia tăng dân số và phát triển kinh tế bằng cách buộc phá thai. Không thể ngoại tình để an ủi một người bạn đang đau khổ tuyệt vọng (số 1756-1761)[172].
1.3. Phân biệt các hành vi theo quan điểm xã hội
Người ta phân biệt thành hành động trí óc, hành động (vi) ý chí, hành động (vi) xã hội, hành vi bản năng, hành vi hành chính, hành vi pháp luật và trái pháp luật. Đây là những mục từ theo Từ điển bách khoa Việt Nam [173]:
+ Hành động trí óc: hành động chỉ thực hiện trong tâm trí (bộ não) con người dành cho việc suy tư, nhận thức, ước muốn, cảm xúc, nhớ nhung… nhưng không dựa vào một phương tiện bên ngoài nào như tay chân, máy tính, ngôn ngữ, chữ viết. Thí dụ: Nhớ về một kỷ niệm trong quá khứ, nghĩ về một khó khăn đang gặp phải.
+ Hành động ý chí ( tương đương với “hành vi nhân linh”): là hành động đặc thù của con người, có mục đích đề ra từ trước một cách có ý thức, có lựa chọn phương tiện, biện pháp để thể hiện mục đích, có theo dõi kiểm tra, điều khiển, nỗ lực khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện mục đích.
+ Hành động (vi) xã hội: là hoạt động của con người trong xã hội, có quan hệ đến người khác, đến một tổ chức, một tập thể trong xã hội. Hoạt động này hướng tới các giá trị, do cá nhân, hoặc do các nhóm, các tổ chức gây ra, nó là sự thể hiện một hệ thống xã hội và nói lên thực chất của hệ thống xã hội đó. Khi hành động nói lên phản ứng một xung đột bên ngoài hay bên trong của hệ thống thì hoạt động xã hội này là dấu hiệu nói lên một mâu thuẫn hay một chỗ nứt rạn của hệ thống. Thí dụ: vụ buôn bán thuốc ung thư giả H-Capita của Công ty VN Pharma cho thấy việc quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc tại Việt Nam của Bộ Y tế Việt Nam có nhiều thiếu sót[174].
+ Hành vi bản năng: là các hành vi bẩm sinh, giống như ở tất cả các cá thể cùng loại, bảo đảm những chức năng cơ bản nhất cho sự sinh tồn của cá thể và phát triển của giống loài như bản năng ăn uống, tự vệ, tính dục, bầy đàn, di cư… Nơi con người, những bản năng không còn y nguyên như lúc mới sinh, mà phần lớn đều ghi dấu ấn của văn hoá xã hội, nghĩa là bản năng được ý thức hoá.
+ Hành vi hành chính: toàn bộ những hoạt động nhằm phục vụ công dân thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình, thông qua sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước.
+ Hành vi pháp luật: những hành vi do pháp luật quy định, xuất phát từ pháp luật. Thí dụ: khai báo tài sản các viên chức; xin phép nhận khẩu hàng tiêu dùng nước ngoài. Việc xem phim đồi truỵ là một hành động luân lý xấu nhưng không phải bị pháp luật quy định và lên án, nhưng sản xuất phim đồi truỵ là hành vi trái pháp luật.
2. Hành động con người trong xã hội
Mỗi ngày, con người chúng ta sống và bày tỏ chính mình qua những hành động, hành vi thuộc đủ loại khác nhau. Một số hành động được làm theo bản năng sinh tồn mà nhiều khi ta không ý thức việc mình làm và cũng không chủ ý làm, trái lại một số hành động được làm với ý thức và ý chí rõ rệt. Thí dụ như có người ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc, vui chơi, giải trí theo thói quen, theo bản năng… nhưng cũng có người làm những hành động đó vì biết chúng có ích, làm vì tình yêu Chúa và tha nhân thúc đẩy….
Có những hành động chỉ diễn ra trong tâm trí con người, như suy nghĩ, ước mơ, tưởng tượng… Chúng không trực tiếp tác động đến người nào hay vật nào, nhưng chúng vẫn là những hành động đặc thù của con người, nên chúng cũng có tính cách và giá trị luân lý. Vì thế, con người không được có những tư tưởng tiêu cực, những nhận thức sai trái, những ước muốn xấu xa, dâm đãng, những tưởng tượng điên rồ… Khi con người cố ý có những hành động như thế là đi ngược hay hạ thấp phẩm giá cao quý của mình, vì con người là con cái Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người theo hình ảnh của mình và ban cho con người những giá trị tích cực vô biên[175].
Tuy nhiên, vì con người được ban tặng tự do để vâng phục Thiên Chúa và yêu thương, nên con người cũng có thể chống lại Thiên Chúa, không vâng phục Ngài và từ chối yêu thương. Con người đã chiều theo tên cám dỗ[176] cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sự sống và giá trị, phá vỡ giới hạn thụ tạo của mình. Tội nguyên tổ của Adam và Eva đã ảnh hưởng tới bản tính nhân loại, làm cho mọi người mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ[177]. Từ đó mọi hành động của con người cũng bị ảnh hưởng.
Khi xa rời Chúa là nguồn của chân thiện mỹ, con người đưa vào tâm trí mình những điều sai lầm, ác đức, xấu xa. “Khi xa rời Chúa, con người cũng xa rời chính mình (để làm những điều mình không muốn và không làm được những điều mình muốn), xa rời với người khác (coi họ chỉ là vật dụng để khai thác, không còn là cùng con cái với cha trên trời, là xương thịt của nhau), xa rời với thế giới chung quanh (khai thác vạn vật như một ông chủ ích kỷ)”[178].
Hành động của con người từ đó mang chiều kích hai mặt: vừa thể hiện những gì của cá nhân người hành động, nhưng cũng thể hiện mối quan hệ với người thân cận. Thật ra, bất cứ một hành động nào của con người dù ở trong trí óc, ý chí của một cá nhân, đều có thể tác động ít nhiều đến xã hội hay cộng đồng mình sống. Thí dụ: ta đến ăn tại một nhà hàng, ngủ trên một chiếc giường. Những hành động này dù rất riêng tư, nhưng vẫn có thể tạo nên một số hậu quả như: việc ăn uống hay ngủ nghỉ tác động đến người phục vụ, người cung cấp các món hàng, người thuê cửa hàng…
Vì thế, khi một hành động bị coi là đi ngược với luân lý, bị coi là tội, thì “tội nào cũng là một tội cá nhân, xét về một phương diện nào đó, nhưng xét về một phương diện khác, tội nào cũng là tội xã hội trong mức độ nó cũng gây ra những hậu quả trong xã hội”[179]. Như thế, những hành vi nhân linh đều là những hành vi xã hội. Tuy nhiên, chúng ta muốn xác định ở đây hành động xã hội là làm những việc cụ thể nào đó, có ít nhiều quan trọng, một cách có ý thức, có mục đích rõ rệt và tạo nên mối liên kết với một người hay nhiều người trong cộng đồng xã hội[180].
Muốn cho những hành động thực sự tạo nên những giá trị tích cực, ta phải theo những nguyên tắc căn bản được HTXHCG giới thiệu sau đây. Tuy nhiên, trước khi trình bày những nguyên tắc đó, ta nên tìm hiểu những hoàn cảnh, nguyên nhân hình thành nên chúng trong lịch sử nhận thức của con người.
3. Lịch sử hình thành nhận thức về hành động xã hội
Dù con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm, nhưng việc con người nhận thức được hành động của mình, phân biệt các loại hành động, nêu được giá trị luân lý của hành động chỉ mới bắt đầu từ vài ngàn năm nay, khởi đầu với nền văn minh của Hy Lạp, của La Mã và nhận thức của một số tôn giáo như Do Thái giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…
3.1. Trước hết, con người hành động theo bản năng sinh tồn giống như những loài vật khác. Nhiều loài vật giết hại loài khác để sống, thậm chí sát hại cả chủng loại của mình để bảo đảm sự sống còn, như loài chim đại bàng.
Giai đoạn hành động theo bản năng kéo dài vì tâm trí con người chưa được mở mang, sống theo bầy đàn và hành động theo bầy đàn.
Khi con người vượt qua tâm thức bái vật, khám phá ra các thần linh cao quý và bất tử, con người lại dồn mọi hoạt động để phục vụ thần linh, thậm chí hiến dâng cả mạng sống con người làm lễ vật cúng thần như ta thấy trong rất nhiều tôn giáo nguyên thuỷ cách đây vài ngàn năm như tôn giáo thờ cúng của bộ lạc, tôn giáo bái vật nơi người Inca… Chỉ từ khi Do Thái giáo xuất hiện, cách đây khoảng 3000 năm, việc hiến tế người sống cho thần linh mới bị ngăn cấm và con người mới nhận ra giá trị cao cả của mình để tôn trọng sự sống của đồng loại. Nguyên tắc tôn trọng nhân vị, có thể nói, đã bắt đầu từ đó.
Khi con người vượt qua giai đoạn thị tộc để bước vào giai đoạn dân tộc, quốc gia, người ta hành động với ý hướng để phục vụ lợi ích chung của dân tộc, quốc gia và sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng tư. Những chủ nghĩa ái quốc cực đoan còn hô hào đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết và làm bất cứ hành động nào, dù bất công, bất chính, để phục vụ dân tộc. Chẳng hạn như ăn cắp thông tin, bí mật quân sự, kinh tế, khoa học của người khác, của nước khác để phục vụ đất nước. Thí dụ điển hình như việc Trung Quốc dùng những đoàn thuyền đánh cá dân sự đông đảo để xâm phạm lãnh hải của nước khác. Người ta còn nhân danh cả tôn giáo quốc gia để bắt các dân tộc khác phải tôn thờ những thần linh của mình, như vua Antiochus bắt dân Do Thái và các dân tộc thờ lạy các thần linh Hy Lạp (x. 1Mac 1,1-62). Vấn đề đặt ra ở đây là nguyên tắc công ích: đó là ích lợi chung của phe nhóm, đảng phái, dân tộc hay toàn thể nhân loại được xác định như thế nào?
Trong dòng lịch sử nhân loại, khi người ta đồng hoá ích lợi chung của một quốc gia, dân tộc với quyền lợi của người nắm quyền điều hành quốc gia đó, thì rất nhiều khi những hành động con người bị chuyển hướng, không còn thật sự phục vụ công ích mà chỉ phục vụ theo ý muốn độc tài của một con người, một dòng họ hay một tập thể nào đó. Chúng ta thấy điều này thường xuyên xảy ra trong các nước theo chế độ quân chủ chuyên chế thời xưa cũng như thời nay. Quyền lực hành động của cá nhân hay tập thể có khi còn được củng cố bởi thần quyền của tôn giáo. Thí dụ: vua là thiên tử, là con Trời, thay Trời hành đạo, có toàn quyền sinh sát trong tay, vua bắt thần dân chết mà thần dân không chết là thần dân đó bất trung. Vì thế, trong nguyên tắc công ích người ta phải xác định công ích thật sự là gì, bao gồm những phạm vi nào, nó được mở rộng đến quốc gia hay cho toàn thể nhân loại và vũ trụ.
Một vấn đề liên quan đến công ích là những của cải vật chất và tài nguyên thiên nhiên. Trước đây chúng là nguyên nhân chính cho những can thiệp của người cầm quyền với dân chúng cũng như gây nên những cuộc xung đột và chiến tranh giữa các dân tộc. Lòng tham của con người hầu như vô đáy nên ai cũng muốn có thật nhiều của cải và tìm mọi cách chiếm đoạt cho mình. Vì thế, mục tiêu phổ quát của của cải và quyền tư hữu được đặt ra để xác định công ích có những giới hạn nào[181].
Khi hành động, con người thường muốn thấy ngay hiệu quả của công việc, không muốn bị trì trệ, bị thiếu sót, hư hỏng các phương tiện, nên thường tự mình muốn hành động và thậm chí làm thay cả những người khác vì thấy họ yếu kém về năng lực hơn mình. Điều này xảy ra trong các chế độ bao cấp thuộc đủ loại lĩnh vực khác nhau, dẫn đến các hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ trong việc cứu trợ an sinh và sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trong lĩnh vực an ninh trật tự công cộng. Tình trạng này đã xảy ra trên đất nước chúng ta trong nhiều năm sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế (938-1945) với tổ chức các làng nghề chặt chẽ hay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với những hợp tác xã nông nghiệp, chế độ tem phiếu hàng hoá, nhu yếu phẩm (1954-1986). Vì thế, nguyên tắc bổ trợ thúc đẩy và để cho các cá nhân tập thể ở trật tự thấp hơn được tự do hành động với sự trợ giúp ở cấp cao hơn.
Bắt đầu từ thế kỷ XIX, hình thành một phong trào chính trị rộng lớn, gọi là chủ nghĩa Cộng sản, nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Trong xã hội này mọi người đều bình đẳng, không có hiện tượng người bóc lột người và tiến tới xoá bỏ chính quyền, nhà nước trong một thế giới đại đồng không có biên giới quốc gia khi người với người đều là bạn, thương yêu lẫn nhau. Trong xã hội Cộng sản này mỗi cá nhân được tự do phát huy mọi khả năng của mình, năng suất lao động tăng lên rất cao và của cải làm ra dồi dào.
Lý tưởng Cộng sản này đã được K. Marx và Engel cùng nhiều người đã tích cực xây dựng, cổ vũ và cuốn hút được khá nhiều người theo đuổi các phong trào Cộng sản quốc tế, nhất là tại các nước kém phát triển và đang phát triển của thế giới thứ ba. Nhưng chủ nghĩa Cộng sản này đã suy thoái vào cuối thế kỷ XX, nhất là sau khi khối Liên Xô tan rã và bức tường Berlin ở Đức sụp đổ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của chủ nghĩa Cộng sản[182]. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa hai chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản lại dẫn con người đến một nguyên tắc mới trong hành động. Đó là nguyên tắc liên đới.
Một hành động của con người hay của một tập thể có thể tạo ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp, tác động đến nhiều người, nhiều dân tộc. Thí dụ: những trận cháy rừng ở vùng Amazone vào tháng 9/2019 vừa qua ảnh hưởng đến lượng khí Oxy của toàn trái đất; một vụ buôn bán công thức chế tạo bom nguyên tử, bom khinh khí của tổ chức thù địch có thể ảnh hưởng toàn cầu. Sự liên đới này thúc đẩy con người phải cẩn trọng và khôn ngoan hơn để tránh những thiệt hại do sự bất cẩn, để khắc phục những cấu trúc tội lỗi như những tổ chức buôn bán vũ khí, buôn bán ma tuý, buôn người, sự lũng đoạn về kinh tế, chính trị, luân lý xã hội của các tập đoàn đa quốc gia. Chính nhờ ý thức về sự liên đới này, các dân tộc mới củng cố và tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Toà án Quốc tế, Tổ chức Thương mại Quốc tế… tác động vào những hoạt động của cá nhân và tập thể để giúp họ vươn tới công ích toàn cầu.
Khi bàn đến hành động của con người và mối liên đới, ta không thể không nhắc đến quan niệm của Phật giáo về hành động theo luật nhân quả: hành động của kiếp này là hậu quả của kiếp trước và trở thành nguyên nhân cho kiếp sau. Nếu kiếp này làm người có những hành động sai trái, kiếp sau có thể phải làm trâu bò, chó ngựa. Nếu kiếp trâu ngựa ấy làm tốt, thì sau đó lại có thể trở về kiếp người. Điều này khiến cho người ta hiểu rằng Phật giáo quan niệm những con vật khi hành động đều có ý thức và ý chí tự do của mình thì chúng mới chịu trách nhiệm luân lý cho các hành động của chúng. Theo giáo huấn của HTXHCG, chỉ có con người mới chịu trách nhiệm luân lý về các hành động của mình, nhờ ý chí và tự do được Thiên Chúa ban cho khi dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, nguyên tắc liên đới cũng gắn kết chặt chẽ với nguyên tắc nhân vị.
Thật ra, cả 4 nguyên tắc: nhân vị - công ích - bổ trợ - liên đới gắn bó chặt chẽ với nhau và hình thành nên một thể thống nhất qua các mối quan hệ và liên kết mạch lạc của chúng[183]. Một hành động nhân linh của con người tác động đến xã hội phải theo các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc nhân vị nhắm đến chủ thể hành động và đối tượng nhận hành động đều là những con người thật sự, có nhân vị cao quý chứ không phải là những sinh vật hay đồ vật bị khai thác và sử dụng.
- Nguyên tắc công ích nhắm đến đối tượng là việc làm được chủ thể hướng tới. Việc làm đó phải là mang lại ích lợi tốt đẹp không phải chỉ dành cho một cá nhân, tập thể, dân tộc mà còn phải là ích lợi chung cho tất cả mọi người và vạn vật có liên quan.
- Nguyên tắc bổ trợ nhắc nhở chủ thể hành động không được trực tiếp làm thay cho cấp dưới mà chỉ hỗ trợ sự giúp đỡ cần thiết để cấp dưới có thể tự làm.
- Nguyên tắc liên đới đòi hỏi công ích mà hành động nhắm tới phải là dịp để chủ thể hành động nói lên sự gắn kết sâu rộng của mình với mọi người, mọi vật quanh mình.
Những nguyên tắc hướng dẫn hành động này thật khá mới mẻ và còn xa lạ với nhiều tín hữu Kitô vì nhiều người chưa biết đến chúng và chưa biết áp dụng chúng vào đời sống thường ngày của mình như thế nào.
4. Bốn nguyên tắc căn bản để xây dựng xã hội
Các nhà xã hội, các nhà quản lý kinh tế, ngay cả các tôn giáo, đã đề ra một số những nguyên tắc sống và hành động. Thí dụ: “12 nguyên tắc sống bạn bên đọc ít là một lần trong đời”[184]; “20 nguyên tắc sống bạn cần nhớ để sống một đời không hối tiếc”[185]; “13 nguyên tắc của cuộc sống”[186]; “12 quy tắc quan trọng để sống như thiền sư”[187]; “12 quy tắc căn bản để sống an lạc như một thiền sư”[188]… Rất nhiều bài viết tương tự như thế để hướng dẫn con người làm chủ hành động của mình nhằm phát triển cộng đồng xã hội và giúp cho con người được bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, chưa có tôn giáo nào, hay khoa học quản lý nhân sự nào dạy về 4 nguyên tắc căn bản của HTXHCG. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chúng với những thí dụ cụ thể để minh hoạ cho dễ tiếp thu.
4.1. Nguyên tắc nhân vị[189]
Nguyên tắc này là “nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác, đồng thời cũng là nội dung của HTXHCG”[190]. Trong mọi hành động, “con người, nam cũng như nữ, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn, nơi mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người”[191]. Vì thế, mọi chủ thể hành động được mời gọi nhìn nhận mỗi người, như đối tượng của hành động, dù gần hay xa, quen hay lạ, nhất là những người nghèo và đau khổ, là anh chị em của mình, những người “mà Đức Giêsu Kitô đã chết cho họ”[192].
Nguyên tắc nhân vị này đòi hỏi chúng ta nhận ra Thiên Chúa là nguồn mọi hiện hữu của con người, để con người gắn bó với chính Thiên Chúa như một quan hệ “tự thân”[193], cũng như diễn tả sự gắn bó trong các mối quan hệ với người khác và vũ trụ vạn vật. Vì được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, nên con người không thể cho phép mình có những hành động bất xứng với Thiên Chúa, Đấng đang ở trong họ, như suy nghĩ những điều dâm đãng, có những ước muốn dâm đãng, tham lam, xấu xa, những cảm xúc, cảm tình tiêu cực… dù đó chỉ là hành động trong tâm trí chứ chưa thể hiện ra bên ngoài.
Do đó, chúng ta hiểu Đức Giêsu yêu cầu sự trong sạch cả trong tâm trí khi dạy: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28). Con người cũng không thể nhân danh bản năng để thực hiện những hành động gây thiệt hại cho mình hay cho người khác. Thí dụ: thủ dâm để tự thoả mãn những dồn nén sinh lý, uống bia rượu quá mức, sử dụng ma tuý và các chất kích thích khác, xem những phim ảnh đồi truỵ… vì những bản năng này của con người phải được điều khiển bởi lý trí và ý chí con người qua lương tâm mách bảo và cả ơn Chúa giúp đỡ[194]. Vì thế, con người không thể biện minh cho những hành động chiều theo bản năng của mình.
Vì mối quan hệt thân tình với người khác như anh chị em ruột có chung một người Cha Trên Trời, nên con người phải tôn trọng người khác: sự sống, danh dự và mọi thứ thuộc quyền sở hữu của họ[195], nhất là “mạng sống con người là linh thiêng và bất khả xâm phạm” vì chỉ Thiên Chúa mới là chủ tể sự sống và sự chết[196]. Do đó, con người không phải chỉ không được giết người (x. Xh 20,13; Đnl 5,17) nhưng còn phải yêu thương người thân cận như chính mình (Lv 19,18) và Đức Giêsu còn đòi buộc phải chăm lo các nhu cầu của người khác (x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28) vì khi làm những hành động tốt đẹp cho những người hèn kém nhất là ta làm cho chính Đức Kitô (x. Mt 25,40).
Trong mối quan hệ với vũ trụ vạn vật như một nhân vị, con người cũng thấy mình hiện diện với tất cả các thụ tạo khác được Chúa giao phó cho con người. Con người được quyền hưởng dùng chúng nhưng không được tuỳ tiện khai thác thế giới cách ích kỷ[197].
Thí dụ cụ thể về nguyên tắc nhân vị: một người bán dưa muối ở một chợ hiểu rằng họ phải muối dưa bằng cách nào đó cho an toàn. Một người đánh cá không được phép dùng những hoá chất độc hại ướp vào cá hoặc một nhà chăn nuôi không được dùng các hoá chất tăng trưởng độc hại. Nếu họ biết hàng hoá mình không an toàn mà vẫn cứ bán ra thị trường là họ đã phạm tội nặng nề với Chúa, với anh em, với vạn vật, dù pháp luật chưa hay không biết để truy tố họ. Những nhà sản xuất các phim ảnh đồi truỵ, những người thông tin sai lạc cũng vi phạm nguyên tắc nhân vị khi làm thiệt hại tinh thần của con người. Mức độ tội lỗi nặng nề hơn khi có nhiều người bị ảnh hưởng bởi hành động của họ.
4.2. Nguyên tắc công ích[198]
Nguyên tắc này liên quan đến mục đích hay ý hướng của chủ thể nhắm đến khi thực hiện một hành động xã hội. Thí dụ: việc bán dưa muối nhắm mục đích kiếm tiền lời để nuôi sống bản thân, phục vụ những người thích ăn món dưa muối, tạo nên sự ngon miệng và sức khoẻ thể lý cho người tiêu dùng; việc Nhà nước xuất khẩu gạo sang nước khác để tạo công ăn việc làm cho nông dân, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, giao hảo với dân tộc mua gạo…
Như thế, một hành động có thể có nhiều ý hướng và mục đích. Ý hướng càng rộng, mục đích càng cao, thì hành động xã hội càng có giá trị, và ngược lại. Thí dụ: một người bán dưa muối chỉ để kiếm tiền nuôi sống, không cần biết đến những điều gì khác do tầm nhận thức của họ hẹp hòi. Vì thế cần phải giáo dục, tuyên truyền sao cho người dân mở mang tâm trí thì họ mới những hành động tốt đẹp, liêm chính nhắm tới ích lợi chung, hay công ích.
Vậy công ích là gì?
Công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển của mình cách đầy đủ và dễ dàng hơn[199]. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu con người không nhận ra mình hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác. Sự thật này thúc đẩy con người đi tìm, không phải chỉ trong ý tưởng mà còn trong thực tế của đời sống, điều tốt hay ích lợi cho chính mình hay cho tổ chức xã hội, từ cấp địa phương đến cấp quốc gia và quốc tế[200].
Những yêu cầu của công ích tuỳ thuộc vào điều kiện xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử và liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng và thăng tiến con người toàn diện cũng như các quyền căn bản của con người[201]. Thí dụ: dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ quan quyền lực quốc gia, xây dựng hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường sống cho trong sạch, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người: lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, văn hoá, nhân quyền, sức khoẻ, tự do tôn giáo… Nếu một hành động nhằm đạt nhiều yêu cầu của công ích thì hành động đó càng có giá trị. Thí dụ: sáng tác một tiểu thuyết cổ vũ hoà bình, bình đẳng giới, xây dựng hạnh phúc gia đình, chống lại các bất công trong xã hội…
Tuy nhiên, người ta không thể nhân danh một số công ích này để loại bỏ một số công ích khác, ủng hộ lợi ích của một số người giàu và chối bỏ lợi ích của đa số người nghèo (như chủ trương hành động của một số đảng phái trong các nước dân chủ hiện nay). Nhiều người đồng hoá ích lợi riêng tư của phe nhóm, đảng phái hay của chính quốc gia mình với công ích.
Công ích của xã hội không phải là một mục tiêu tự thân. Nó chỉ có giá trị khi có liên quan tới việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và ích lợi chung của toàn thể thụ tạo - Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của các thụ tạo do Ngài dựng nên. Vì thế, không thể vì bất cứ lý do gì mà công ích mất đi chiều hướng siêu việt, tức là chiều hướng vừa vượt lên trên lịch sử vừa hoàn thành lịch sử của mình[202]. Lịch sử của chúng ta, nghĩa là mọi nỗ lực hành động của cá nhân và tập thể để nâng cao thân phận con người đều bắt đầu và kết thúc với Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Người, chúng ta đạt tới sự thiện tối thượng, tới mức thành toàn của công ích là trở thành con cái Thiên Chúa, thành Thiên Chúa giống như Người. Vì thế không thể nhân danh những công ích mà chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ quyền tự do tôn giáo của con người.
Trong cuộc chạy đua đi tìm công ích, nhiều thể xã hội, nhiều quốc gia hay những tập đoàn đa quốc gia đang cố chiếm giữ cho mình thật nhiều của cải vật chất, những tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, đất hiếm), mở rộng lãnh thổ (trên biển, trên các vùng Bắc cực, Nam cực và cả trong không gian với các vũ khí bắn hạ các vệ tinh...). Những tham vọng này, tuy nhân danh công ích của quốc gia hay toàn cầu, nhưng chỉ đem lại những hứa hẹn hão huyền, thúc đẩy và cám dỗ nhiều người đi vào con đường lầm lạc, đánh mất sự phát triển toàn diện cũng như dẫn nhiều dân tộc đến các xung đột và chiến tranh..
Vì thế, HTXHCG giới thiệu nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải và sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo[203]. Lý do là vì Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng để ban chung cho mọi người và mọi dân tộc chứ không ban riêng cho ai. Vì thế, nguồn lợi của trái đất phải được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người và được điều tiết bởi bác ái[204]. Do đó, nếu một số người có nhiều hơn mức tài sản cần để sinh sống trong khi những người khác thiếu cả những thứ cơ bản để duy trì sự sống, thì những người có của không phải chỉ tỏ lòng bác ái mà buộc phải giúp đỡ những người nghèo theo lẽ công bằng[205].
4.3. Nguyên tắc bổ trợ[206]
Bổ trợ là một trong những nguyên tắc bền vững và đặc thù nhất của HTXHCG và đã có mặt ngay từ trong văn kiện xã hội đầu tiên[207] và được hình thành trong thông điệp Quadragesimo Anno của ĐGH Piô XI. Nhờ có sáng kiến và sự chuyện cần, các cá nhân đã kết hợp thành những tập thể dân sự như gia đình, đoàn thể, hiệp hội thuộc đủ mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, nghề nghiệp, xã hội, văn hoá, thể thao, giải trí để giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội. Tuy nhiên, một số chính quyền đã muốn tập trung quyền hành về trung ương và làm thay tất cả những công việc mà những cá nhân và tổ chức xã hội cấp nhỏ hơn có thể làm được.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ, nhờ có số vốn lớn, nhờ có nhiều tư liệu sản xuất, nhờ quảng cáo rộng rãi và có khi nhờ liên kết với các thế lực và cả chính quyền, nhiều tập đoàn càng ngày càng mạnh, thâu tóm các thị trường khiến cho các công ty và những nhà sản xuất nhỏ không thể cạnh tranh. Các tập đoàn nàytrở thành các tập đoàn độc quyền dẫn đến sự thao túng về giá cả, làm thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vì thế HTXHCG nêu lên nguyên tắc bổ trợ sau đây: mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ - tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển - các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn, chủ động tham gia vào mọi lĩnh vực một cách sáng tạo và thích ứng với những đòi hỏi của hoàn cảnh địa phương. Muốn cho có sự tham gia tích cực của tư nhân, cần phải gây ý thức, khuyến khích các sáng kiến, cổ vũ các tổ chức tư nhân phục vụ công ích, bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của các nhóm thiểu số, dẹp bỏ tình trạng trung ương tập quyền về hành chính và bàn giấy, tạo thế cân bằng giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân.
4.4. Nguyên tắc liên đới[208]
Nhờ các phương tiện truyền thông xã hội và các mạng xã hội toàn cầu, con người ngày nay càng ngày càng ý thức mình liên đới với mọi người, bình đẳng với mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cùng đi chung với nhau trên con đường ý thức về sự phát triển bền vững và hạnh phúc viên mãn. Thí dụ: một trận bóng đá cúp thế giới có hàng tỉ người cùng xem. Một sự kiện như 39 người Việt chết trong thùng container được tìm thấy ở Gray, hạt Essex, Anh quốc, ngày 23/10/2019 làm rúng động thế giới. Sự liên kết này làm nổi bật bản tính xã hội nội tại của con người.
Tuy nhiên, trước hiện tượng lệ thuộc vào nhau và bành trướng các phương tiện truyền thông, khắp nơi trên thế giới người ta vẫn còn thấy sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, những hình thức bất công, bóc lột, tham nhũng, đàn áp của những tập đoàn đa quốc gia, những tổ chức xã hội đen chuyên buôn người, buôn bán ma tuý, buôn bán nội tạng. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố tôn giáo cực đoan, những hành động của vài nước cậy mạnh đàn áp công khai các nước yếu kém, mà các nước khác vì quyền lợi ăn chia, chỉ phản đối bằng những lời nói suông bên ngoài, chứ không thể hiện thật sự tình liên đới bằng những hành động cụ thể, vẫn còn diễn ra hằng ngày.
Vì thế, sự liên đới cần phải trở thành một thực tế trong lĩnh vực đời sống cộng đồng như một nguyên tắc xã hội phải tuân theo, mà hơn thế nữa còn là nhân đức luân lý thật sự chi phối đời sống con người.
Liên đới là nguyên tắc xã hội[209]. Nó không phải là một cảm xúc mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước nỗi bất hạnh mà một số người gần xa phải chịu, nhưng là một quyết tâm chắc chắn và kiên định muốn dấn thân lo cho công ích, nghĩa là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người[210].
Liên đới còn là một đức tính luân lý nằm trong phạm vi công bằng vì thúc đẩy con người phải dấn thân lo cho ích lợi của người thân cận tới mức sẵn sàng liều mất bản thân mình như Đức Giêsu Kitô, thay vì khai thác, áp bức người khác vì ích lợi riêng[211]. Đây là điểm tột cùng của tình yêu và tình liên đới để có thể xây dựng được nền văn minh tình yêu. Sự hy sinh của ta được Thiên Chúa là nguồn sống nhìn thấu để ban cho ta sự sống kỳ diệu của Ngài.
Lời kết
Bốn nguyên tắc căn bản hướng dẫn hành động không phải là những quy tắc ứng xử để chúng ta thỉnh thoảng lôi ra ôn lại và áp dụng trong đời sống khi cần giải quyết một vài trường hợp khó khăn điển hình nào đó. Nhưng đây là những nguyên tắc sống áp dụng hằng ngày cho bất cứ hành vi nào của con người. Càng áp dụng nhuần nhuyễn, chúng ta càng biết rõ mình đang hành động theo đúng lương tâm ngay chính, phù hợp với chân thiện mỹ và xây dựng được một xã hội công bằng, tốt đẹp, yêu thương và hạnh phúc.
Câu hỏi
1. Bạn đã phân biệt những loại hành động, hành vi nào khiến con người phải chịu trách nhiệm luân lý?
2. Trong 4 nguyên tắc hướng dẫn hành động, bạn nghĩ người Việt Nam ít quan tâm đến nguyên tắc nào? Tại sao?
3. Liên đới là một nhân đức xã hội cần phải luyện tập để có được nó, nhưng bạn đã luyện tập như thế nào?
4. Tại sao ta lại phải hy sinh mạng sống cho một người không quen biết như thánh Maximilianô Kolbe?
(Đón đọc tiếp PHẦN II: CUỘC HỘI NHẬP VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI Công Giáo VIỆT NAM)