Chúa Giêsu sống lại…Việc đó có làm thay đổi gì?
Câu trả lời của Chantal Reynier, giáo sư chú giải tại các phân khoa Dòng Tên ở Paris.
Chúa Giêsu đã sống lại. Đó là một sự thật mà người Kitô hữu long trọng tuyên bố vào ngày lễ Phục Sinh, ngày lễ trọng nhất của họ. Đây là trọng tâm đức tin Kitô giáo.
Tin vào Đức Kitô đã phục sinh không chỉ là vấn đề đức tin mà còn là vấn đề sự sống. Sự phục sinh của Đức Kitô không chỉ hàm ý sự sống lại của kẻ chết, mà còn mời gọi chúng ta xem xét lại mối tương quan của chúng ta với thế giới, với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa. Sự phục sinh mang lại ý nghĩa cùng đích cho thế giới.
Chúng ta cũng sẽ được sống lại
Nghịch lý là, Đức Kitô, qua sự phục sinh của Ngài, lại trở nên một thực tại của lịch sử chúng ta, giải thoát thế gian khỏi bị giam cầm trong sự chết. Con người, “dễ hư nát như bông hoa ngoài đồng” (x. Is 40,6-7), giờ đây tìm thấy nơi sự phục sinh của Đức Kitô một lý do để hy vọng. Nếu Chúa Giêsu đã sống lại ra khỏi mồ thì điều đó không phải để dành cho Ngài mà là dành cho chúng ta. Sự phục sinh của Ngài là sự bảo đảm rằng chúng ta cũng sẽ được sống lại (x. 1 Cr 15, 20-28). Thực vậy, nhân loại được hứa ban một đời sống mới với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại hiệp nhất với nhau. Trong sự sống này, con người sẽ không bị mất căn tính, nhưng được vinh quang như Chúa Kitô (x. Rm 6, 4; Cl 3, 4). Người ta sẽ được nhận biết những gì thuộc về mình mà họ sẽ gặp lại mãi mãi. Một trạng thái như vậy không tài nào diễn tả được. Tuy nhiên, nó phát sinh từ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng Phục Sinh.
Sự phục sinh kêu gọi niềm hy vọng
Sự phục sinh của Chúa Kitô hứa hẹn sự sống và sự hiệp thông với Thiên Chúa cho hết thảy mọi người. Lời hứa này sẽ ứng nghiệm vào cuối lịch sử khi “Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. (1 Cr 15,26). Bao lâu lịch sử còn tiếp diễn thì bấy lâu sự phục sinh còn mời gọi hy vọng. Chúng ta không chỉ hy vọng vào sự sống đời đời mà ngay cả giữa những khó khăn của kiếp người, chúng ta vẫn luôn kiên tâm niềm hy vọng rằng không có gì vĩnh viễn mất đi. Dù khởi điểm từ sự thù địch của con người hay từ những thử thách liên quan đến sự hữu hạn của chúng ta, không một trở ngại nào có thể “tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô” (x. Rm 8, 38-39). Đức Kitô phục sinh mang lại ý nghĩa cho sự tiếp nối của thời gian như là một sự tái khởi đầu vĩnh cửu. Từ đây, lịch sử quy hướng về Đấng trao cho nó ý nghĩa mà Đấng phục sinh không làm đảo lộn chừng ấy dòng chảy thông thường của thời gian. Ngài để cho các thời đại đi tới điểm tận cùng của chúng.
Mối tương quan mới với người khác và với thế giới
Nếu Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là anh em của loài người, thì những ai tin vào Ngài phải sống như là anh em vì họ được hưởng tình yêu của cùng một Thiên Chúa và cùng một Cha. Họ được mời gọi đào sâu nhân tính lớn lao hơn của mình. Từ nay, mối tương quan với người khác phải được sống trong tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, coi “mọi người như anh em với nhau mà Đức Kitô đã chết thay” (x. Rm 14, 15).
Đức Kitô phục sinh soi sáng ơn gọi của mỗi người để họ hiểu được tình liên đới của mình với công trình sáng tạo. Công trình sáng tạo, đôi khi đổ vỡ, không phải là trở ngại giữa con người và Thiên Chúa. Trái lại, đó là nơi tuyệt vời nhất để thể hiện mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Con người không thể bỏ qua công trình sáng tạo cũng như không thể khai thác nó mà không có thước đo. Con người không chỉ phụ thuộc vào công trình sáng tạo để sống và tồn tại mà còn có trách nhiệm làm cho công trình tạo dựng thêm ý nghĩa.
Một cái nhìn khác về Thiên Chúa
Thiên Chúa không phải là Đấng lên án con người và thờ ơ khi nhìn thấy loài thụ tạo và công trình tạo dựng của Ngài chìm trong sự chết. Vì yêu thương con người cũng như công trình sáng tạo mà Ngài làm nên, Ngài đến tìm gặp con người và can thiệp vào lịch sử để biểu lộ tình yêu của Ngài cho nhân loại. Khi cứu Con của mình khỏi sự chết nhờ quyền năng của Thánh Thần, Ngài kêu gọi mọi người hiệp thông sự sống với Ngài vì Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài mạc khải rằng Ngài yêu thương con người hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng và đến lượt con người có khả năng yêu như Chúa yêu.
Joseph Tạ, chuyển ngữ
Nguồn: https://jesus.catholique.fr/