Chăm sóc mục vụ cho các gia đình Việt Nam nói chung, cách riêng
cho các trẻ em Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi việc di cư ở nông thôn
Lời mở đầu
Từ thập niên 80 của thế kỷ 20, một số lượng lớn người Việt Nam sống ở vùng nông thôn di chuyển tới các khu vực thành thị, hoặc ra nước ngoài để tìm kiếm việc làm.[1] Khi di chuyển chỗ ở như thế, họ thường phải để gia đình và con cái ở lại các miền quê. Bài viết dưới đây góp một phần nhỏ nhằm tìm hiểu về tình trạng di dân tại Việt Nam và tác động tổng thể của nó đối với đời sống xã hội, Giáo Hội, gia đình và từng cá nhân. Đồng thời, bài viết cũng gợi lên những sứ vụ mà Giáo Hội Công Giáo đang thực hiện để ứng phó với vấn đề này. Các hoạt động của Giáo Hội hướng tới bảo vệ phẩm giá của con người bất luận họ là ai, họ đang làm công việc gì và đang ở bất cứ nơi đâu. Trên bình diện lớn hơn, Giáo Hội Công Giáo không biết mệt mỏi chăm sóc mục vụ cho các gia đình và các cộng đoàn đức tin.
Bài viết dựa trên nền tảng Học thuyết Xã hội của Giáo Hội và những tài liệu khác liên hệ tới hoàn cảnh xã hội, những chương trình mục vụ dành cho di dân và những nhu cầu cần thiết cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau sống trong gia đình thiếu ổn định. Bài viết cũng đề cập tới những thách đố và các cách giải quyết khả thi cho việc giáo dục đức tin, đào tạo về nhân bản cho trẻ em mà tạm thời hay vĩnh viễn sống ngoài sự chăm sóc của cha mẹ mình.
- Những hình thức di dân ở Việt Nam
Với chính sách cải cách kinh tế từ năm 1986, dân di cư ở Việt Nam bắt đầu tăng lên nhanh chóng. Những người di cư bao gồm hai nhóm chính; di cư trong nước và di cư ra nước ngoài.[2] Về vấn đề di cư trong nước, theo giáo sư Lương Văn Hy, số lượng lớn người Việt Nam đã chuyển tới những địa bàn mới.[3] Giáo sư đưa ra số liệu khoảng 6,7 triệu người di cư trong nước (xấp xỉ 6.5% trên tổng số 85,847,000 dân Việt Nam) năm 2009.[4] Con số những người di cư trong nước vẫn đang gia tăng rất cao vào những năm sau đó. Ông Nguyễn Đức Hải cũng đưa ra con số di dân nội địa của Việt Nam khoảng 10,2 triệu người năm 2015.[5]
Đa phần di dân đang ở độ tuổi đi học và lao động, vì vậy họ rời bỏ quê hương để theo học tại các trường đại học hoặc tìm kiếm việc làm. Phần lớn họ ở trong độ tuổi từ 15 đến 59. Tỷ lệ những người lao động di dân cao ở nhóm tuổi từ 25 đến 49.[6] Trong số những di dân, sinh viên cũng chiếm phần không nhỏ.[7]
Những di dân xuất thân từ vùng nông thôn thường chuyển tới những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Những thành phố này tiếp nhận khoảng hơn 50% di dân năm 2008.[8] Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam, thống kê con số di dân chuyển tới lên đến gần 30% tổng số di dân của cả nước năm 2008.[9] Đức Cha Giu-se Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Ủy ban Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam vào thời điểm đó, đã cho Vatican News biết về hiện trạng di dân tại Việt Nam. Ngài nói năm 2009, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu dân đang sinh sống trên địa bàn, trong đó có khoảng 5 triệu người là di dân. Con số những người di dân Công Giáo khoảng hơn 300,000 người. Đức Cha cũng lưu ý về số người di cư ở Việt Nam đang gia tăng với tốc độ khá cao. Ngài cũng nêu ra những thách đố và khó khăn nảy sinh cho xã hội cũng như cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam từ tình trạng di dân này.[10]
Bên cạnh dân di cư trong nước, dân di cư ra nước ngoài cũng ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo Ông Nguyễn Việt Cường và Linh Hoàng Vũ, con số xuất khẩu lao động hằng năm gia tăng 136%, từ 36000 người vào năm 2001 đến 85000 người vào năm 2007.[11] Số di dân vẫn gia tăng rất nhanh từ thời điểm đó cho đến thời điểm hiện tại. Tác giả Lê Văn Thịnh cho biết Việt Nam có khoảng 140000 người tham gia xuất khẩu lao động làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau vào năm 2004.[12]
- Tác động của vấn đề di dân
Việc di dân có thể mang lại những lợi ích cho các gia đình, như việc gửi tiền từ nước ngoài hoặc từ thành thị về quê hương.[13] Mặt khác, việc di dân cũng có thể đẩy các gia đình của họ phải đối diện với những nguy cơ. Hầu hết những người di cư phải bỏ các thành viên khác thuộc gia đình mình ở lại các miền quê. Rất nhiều gia đình cả vợ và chồng đều làm việc xa nhà,[14] và nhiều gia đình vợ và chồng làm việc ở những nơi khác nhau. Bởi thế, thật khó để họ duy trì mối dây hôn nhân của mình cách chung thuỷ bền vững. Như thế, tỷ lệ các gia đình di dân gặp trục trặc thường cao hơn các gia đình khác.[15]
Trên bình diện siêu nhiên, việc di cư cũng dẫn đến những mối nguy hại nhất định cho đời sống đức tin. Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau trong một nhà. Đức tin cũng thường được ươm trồng và lớn lên trong môi trường ấy. Tuy nhiên, người di cư không thể sống giữa những thành viên gia đình họ, bởi thế, đức tin có khunh hướng trở nên phai nhạt nếu họ không được sống trong môi trường thuận lợi. Hơn nữa, hầu hết những sinh hoạt đức tin thường diễn ra trong cộng đoàn giáo xứ. Khi họ sống ở các thành phố, việc họ tham gia vào các sinh hoạt này bị suy giảm đáng kể. Thế nên, di dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng và tăng trưởng đời sống đức tin của mình cũng như các thành viên khác trong gia đình.[16]
Thêm vào đó, hầu hết những người di cư phổ thông là những công nhân chưa có kỹ năng và kinh nghiệm thực sự tốt, vì thế họ chỉ có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.[17] Họ không thể kiếm đủ tiền để mua nhà ở thành phố. Họ thường phải chấp nhận điều kiện sống khá thiếu thốn, thậm chí là tồi tệ. Có thể, họ sống trong những khu nhà trọ chật hẹp, rẻ tiền hoặc ngay cả trong những khu nhà ổ chuột.[18] Đây là lý do tại sao họ dễ bị sa vào những tệ nạn xã hội hơn các thành phần khác. Đời sống luân lý cũng bị đe dọa nơi các thành phần và gia đình di dân.[19]
- Tác động cụ thể của việc di dân đối với trẻ em bị bỏ lại các vùng nông thôn
Trong nghiên cứu của mình, tác giả Lương Văn Hy đã nhấn mạnh đến thu nhập thấp của phần lớn di dân đang sống nơi các thành phố. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái, họ không thể kham nổi các chi phí đắt đỏ cho việc mua thực phẩm, chi phí nhà ở và dịch vụ chăm sóc trẻ em tại các thành phố. Vì vậy, một giải pháp phổ biến là họ để con cái ở quê nhà và nhờ ông bà hoặc những người thân thuộc trông nom.[20] Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, toàn quốc có khoảng 10% trẻ em thiếu vắng cha mẹ tạm thời, riêng ở đồng bằng Sông Hồng khoảng 14% trẻ em có cha mẹ làm việc xa nhà.[21]
Sự vắng mặt của cha mẹ ảnh hưởng khá lớn đến việc giáo dục con cái. Ông Nguyễn Việt Cường khẳng định trẻ em thiếu vắng cha mẹ có thể dành ít thời gian cho việc học hành nhưng dành nhiều thời gian cho việc nhà hơn những trẻ em khác.[22] Tỷ lệ đăng ký theo học các bậc học chuyên sâu của các em thuộc gia đình di dân thấp hơn so với gia đình không di dân.[23] Hội Đồng Giám mục Việt Nam chỉ ra tác động của việc di dân trong lãnh vực giáo dục trẻ em. Sống ngoài sự chăm sóc của cha mẹ, trẻ em thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng những đòi hỏi giáo dục cần thiết.[24] Nhiều người trẻ di cư tới những thành phố lớn, vì thế xã hội không có đủ lao động tại các vùng quê. Do đó, những người lớn tuổi và trẻ em phải làm công việc nhà, nhất là trong mùa vụ thu hoạch. Gánh nặng của công việc đồng áng có thể đè nặng trên vai của những đứa trẻ khi mà cha mẹ chúng vắng nhà.[25]
Thật khó để trẻ em phát triển bình thường về đời sống đạo đức mà không có sự chăm sóc của cha mẹ. Có hai lý do trả lời cho câu hỏi tại sao những đứa trẻ này gặp rắc rối về sự phát triển đạo đức của mình. Thứ nhất, ở các trường học, điều quan trọng thường được chú nhắm là việc truyền thụ kiến thức, tuy nhiên chiều kích luân lý đạo đức hay bị xem nhẹ. Thứ hai, những bậc ông bà chăm sóc trẻ em phần lớn là những người lớn tuổi. Trong hầu hết trường hợp, ông bà không thể biết trẻ làm gì với những thiết bị điện tử. Ví dụ, trẻ em có thể dành nhiều thời gian vào các trang mạng xấu hay những trò chơi điện tử vô bổ hay thậm chí là bao lực. Theo truyền thống, đời sống đạo đức của trẻ em Việt Nam được hình thành trong môi trường gia đình, nhất là bởi cha mẹ của chúng. Sự vắng mặt thường xuyên của cha mẹ có thể làm trẻ em trở nên yếu kém trong đời sống đạo đức.[26] Cũng thế, những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc phát triển đức tin. Vì ở Việt Nam, đức tin được lưu truyền và dạy dỗ cách chính yếu trong các gia đình. Các bậc cha mẹ chịu trách nhiệm chính trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Sự trưởng thành về phương diện đức tin vốn đã khó đạt được lại càng khó hơn khi thiếu đi sự hướng dẫn của các bậc sinh thành.[27] Sự non nớt về đức tin rất dễ dẫn tới sự sa sút về đời sống luân lý. Cụ thể, năm 2011 có khoảng 33000 thanh thiếu niên phạm tội liên quan đến việc trộm cắp và nghiện ma túy. Phần lớn, những trẻ em trở thành tội phạm bởi chúng thiếu sự chăm sóc và giáo dục trực tiếp và cần thiết của cha mẹ.[28]
D. Vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc chăm sóc cho các trẻ em bị bỏ lại phía sau do tình trạng di dân
- Giáo Hội luôn bảo vệ phẩm giá con người
Giáo huấn của Giáo hội liên quan đến phẩm giá con người thể hiện qua xác quyết căn bản: Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.[29] Vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, phẩm giá con người luôn phải được bảo vệ. Do đó, phẩm giá của những di dân không thể bị loại trừ, nhất là phẩm giá của các trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc di cư. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nhận định: Phẩm giá của những người di cư phải được bảo vệ và các trẻ em bị ảnh hưởng bởi di cư phải nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành phần trong Giáo Hội.[30]
Đề cập đến nhân quyền, Giáo Hội luôn ghi nhận quyền căn bản của con người là do chính Thiên Chúa ban chứ không phải bởi quyền bính nhân loại. Con người có quyền tự do di trú hay định cư trong phạm vi cho phép của mình.[31] Trên tất cả, chính quyền dân sự được mời gọi bảo vệ công ích cho toàn bộ gia đình nhân loại bao gồm cả người ra đi và người ở lại.[32]
Cũng thế, các chính sách kinh tế cần tránh làm tổn thương đến phẩm giá con người. Giáo Hội Công Giáo không đồng tình với những ai đặt giá trị kinh tế lên trên phẩm giá con người. Phẩm giá con người phải được đặt ở nấc thang giá trị cao hơn kinh tế. Giá trị kinh tế chỉ là phương thế giúp gìn giữ và cải thiện phẩm giá con người.[33] Những gì đe dọa đến phẩm giá con người cần được loại bỏ hoàn toàn.[34]
Để tôn trọng phẩm giá con người đòi hỏi mọi người phải tuân theo nguyên tắc đối xử với nhau như những người thân cận kể cả những người di cư hay những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau, thậm chí coi anh chị em của mình như “một cái ngã thứ hai của mình.”[35] Bổn phận giúp đỡ người thân cận càng trở nên cấp thiết hơn khi họ đang trong hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn.[36] Lời Chúa hằng nhắc nhớ chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” ( Mt 25,40)[37]
II. Giáo Hội luôn bảo vệ giá trị của gia đình
Giáo lý Giáo Hội dạy rằng: Tự bản chất gia đình được thiết định nhắm tới “thiện ích của vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái”.[38] Người nam và nữ được kết hợp với nhau bởi mối dây hôn phối và cùng với con cái tạo nên khuôn mẫu cho một gia đình hạnh phúc. Gia đình được đánh giá bởi các mối tương quan nội tại giữa các thành viên trong gia đình. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em.[39] Gia đình chính là trường học đầu tiên cho chúng. “Gia đình là một cộng đoàn, trong đó, từ thời thơ ấu, con người có thể hấp thụ những giá trị đạo đức, tâm tình thờ phượng Thiên Chúa và sử dụng sự tự do một cách đúng đắn. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội”.[40] Thực tế, sự chia tách giữa các thành viên trong gia đình bởi việc di cư hiển nhiên ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái. Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ ra rằng việc chia tách này là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ luỵ cho các trẻ em. Rất nhiều thư mục vụ đã cung cấp những chỉ dẫn nhằm cải thiện những mối tương quan trong gia đình, cách cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái khi họ vắng nhà.[41] Vậy nên, Giáo Hội Công Giáo không ngừng cộng tác tích cực với chính quyền dân sự nhằm bảo vệ sự ổn định cho các gia đình, cổ võ các giá trị đạo đức và nuôi dưỡng hạnh phúc cho tất cả thành viên trong gia đình, cách riêng là các trẻ em.[42] Những giá trị cao quý trong gia đình được truyền lại cho con cái là bảo đảm cho tương lai cho Giáo Hội cũng như xã hội.[43]
Hơn nữa, Giáo Hội nhìn nhận các gia đình Kitô Giáo như một dấu chỉ và hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[44] Gia đình Kitô Giáo tạo thành cộng đoàn Giáo Hội. Vì lý do này, gia đình được gọi là Hội Thánh tại gia, một cộng đoàn đức tin.[45] Như thế, con cái có thể lớn lên trong đức tin mạnh mẽ nếu chúng sống trong một gia đình ổn định có đầy đủ các thành phần.
III. Những việc làm cụ thể của Giáo Hội Việt Nam nhằm giúp đỡ những người di cư, đặc biệt các trẻ em sống thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ
Để ứng phó với vấn đề di dân, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội Việt Nam đã định liệu những hướng giải quyết khả thi nhằm giúp người di cư, cách riêng là các trẻ em. Với nỗ lực này, các em sẽ được lớn lên trong môi trường đức tin, đồng thời phát triển về đời sống luân lý, góp phần loan báo Tin Mừng.
- Những cuộc họp mặt di dân nhằm gia tăng đức tin và đời sống luân lý
Những buổi gặp gỡ dành cho những người di cư diễn ra khá thường xuyên, có thể là hàng tuần, hàng tháng cho các nhóm nhỏ, hàng năm cho các nhóm lớn. Tham gia vào các sự kiện gặp gỡ này là cơ hội tốt giúp các tham dự viên tăng trưởng hơn về đời sống đức tin. Trong những cuộc họp mặt di dân, những người phụ trách, các chuyên viên về mục vụ di dân và chuyên viên tư vấn về đời sống hôn nhân gia đình có dịp chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm và những chỉ dẫn cần thiết liên quan đến đời sống của những người xa quê. Dĩ nhiên, các gia đình gặp khó khăn trong việc giáo dục con cái hoặc đang có những vấn đề về hôn nhân có thể nhận được giúp đỡ cách đặc biệt.
- Phong trào thiếu nhi Thánh Thể tại Việt Nam
Phong trào thiếu nhi Thánh Thể tại Việt Nam là một tổ chức Công Giáo tiến hành với qui mô toàn quốc. Phong trào này giúp củng cố đức tin và nhân cách cho thiếu nhi. Thiếu nhi được giáo dục về cả khía cạnh tự nhiên và siêu nhiên hầu có thể trở nên những Kitô hữu thánh thiện và công dân tốt lành. Về bình diện tự nhiên, thiếu nhi được đào tạo để trở nên những người trưởng thành về thể lý, kiện toàn các mối tương quan trong gia đình, trường học và xã hội. Về bình diện siêu nhiên, thiếu nhi được huấn luyện để được lớn lên trong đời sống đức tin và có lương tâm ngay thẳng. Khi tham gia vào những hoạt động của phong trào này, thiếu nhi được rèn tập lòng đạo đức, nền tảng đức tin và cuộc sống có kỉ luật. Rõ ràng, tổ chức này thực sự hữu ích cho những đứa trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa. Ngày nay, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể được thiết lập rộng khắp tại các giáo xứ trên cả nước. Sau hơn một thập kỷ, phong trào này đã mang lại những hoa trái tốt đẹp cho các em thiếu nhi. Những hoạt động của tổ chức này phần nào bù lại những khuyết thiếu của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái.[46]
- Lưu xá cho trẻ em
Để giúp nhiều em nhỏ sống ở vùng nông thôn thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, một số vị mục tử đã xây dựng những ngôi nhà chung để nuôi nấng và chăm sóc chúng. Những đứa trẻ bị bỏ lại quê nhà, bao gồm cả những em ngoài Công Giáo được đón tới những ngôi nhà này. Có hai sự sắp xếp trong việc dưỡng dục chúng. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ có cha mẹ làm việc xa nhà với thời gian dài sẽ nội trú trong các lưu xá đó. Nếu những đứa trẻ chỉ thiếu vắng cha mẹ khoảng thời gian trong ngày, chúng có thể trở về nhà mình khi cha mẹ đi làm về. Những đứa trẻ được sống trong những lưu xá khi cha mẹ chúng vắng nhà. Khi cha mẹ chúng trở về, chúng được đoàn tụ với gia đình để chung sống trong bầu khí gia đình. Chúng được giáo dục cách cẩn thận bởi những người có tâm huyết và kỹ năng đầy đủ. Trọng tâm của mô hình này là huấn luyện những đứa trẻ lớn lên trong đức tin và nhân bản. Chúng thường xuyên tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện chung và thực hiện những giờ thiêng liêng mỗi ngày. Mô hình này giúp đỡ đáng kể các trẻ em phát triển cách hoàn bị về tính cách và sự thánh thiện.[47]
Vì thành quả của mô hình này, những vị hữu trách đã khuyến khích nhân rộng nơi các giáo xứ có nhiều người di cư. Qua đó, những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau có thể xây dựng đời sống đức tin mạnh mẽ và đời sống luân lý lành mạnh.[48]
- Những đề xuất chương trình mục vụ cho tương lai
- Mỗi giáo phận nên thành lập một tiểu ban đảm nhận nhiệm vụ giúp đỡ các trẻ em thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ
Như đã đề cập ở trên, rất nhiều chương trình mục vụ đã được đưa ra dành cho những người di cư. Tuy nhiên, một tiểu ban chuyên biệt để giúp những đứa trẻ có cha mẹ làm việc xa nhà vẫn chưa được thành lập. Như thế, mỗi giáo phận ở vùng nông thôn nên thiết lập một ban chuyên tư vấn và giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ lại quê nhà. Tiểu ban này xem xét trong giáo phận có những trường hợp nào đang phải sống thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ. Tiểu ban này có thể đưa ra cách thức tối ưu cho những hướng giải quyết lâu dài trong toàn giáo phận đối với những trường hợp ấy.
- Các giáo xứ quê nhà nên mở những lớp bồi dưỡng dành cho ông bà và những người chăm sóc các trẻ em khi cha mẹ chúng vắng nhà
Giáo dục con người là quá trình trường kỳ và cần đến những nhà đào tạo cùng với những người có trách nhiệm coi sóc các em. Những người này cần được trang bị đầy đủ để biết cách đảm nhận và thực thi công việc ấy đúng phương pháp. Vậy nên, những người giám hộ các em nhỏ cũng phải có kiến thức và sư phạm để giáo dục chúng cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, ông bà nội ngoại ở các vùng thôn quê thường lớn lên trong những hoàn cảnh khá khó khăn và vì thế họ không được lĩnh hội nền giáo dục đầy đủ. Vì lý do này, họ không thể có đủ khả năng giúp các trẻ em lớn lên cách toàn vẹn. Giáo Hội địa phương nên mở những khóa học để cập nhật những kiến thức và kĩ năng cần thiết dành cho các bậc ông bà hầu có thể giúp cho con cháu họ cách tốt hơn.
c. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Theo thống kê gần đây nhất, khoảng 70,72 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội.[49] Nhiều bậc cha mẹ đi làm xa để lại cho con cái mình một chiếc điện thoại thông minh để thuận tiện cho việc liên lạc. Họ cũng thường xuyên liên lạc với con cái mình qua các nền tảng mạng xã hội. Trung bình một người sử dụng điện thoại thông minh dành khoảng hai tiếng một ngày cho mạng truyền thông xã hội.[50] Giáo hội nên thiết kế những ứng dụng và trang web để truyền đạt những bài học đạo đức và đức tin. Đây thực sự là cách hữu hiệu cho những trẻ em bị bỏ lại quê nhà. Chúng có thể dễ dàng truy cập vào những ứng dụng và trang web hữu ích thay vì những tiếp cận những cái thiếu lành mạnh trên internet.
Kết luận
Như đã trình bày ở trên, vấn đề dân di cư đã trở nên cấp bách tại Việt Nam. Việc dân di cư có tác động rất lớn tới gia đình, xã hội, và Giáo Hội. Di cư có thể là nguyên nhân chia rẽ trong gia đình. Đời sống đạo đức cũng như nền tảng đức tin có thể bị suy giảm trong những gia đình di cư. Số lượng lớn trẻ em đang sống ngoài sự chăm sóc của cha mẹ, thiếu thốn sự dạy dỗ về đức tin cũng như nhân bản bởi vì cha mẹ chúng phải làm việc xa nhà.
Đáp lại thực trạng này, Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra những mô hình mục vụ dành cho những người di cư nói chung, cách riêng là những trẻ em bị bỏ lại quê nhà. Giáo hội không ngừng bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của những người xuất cư và những người nhập cư.[51] Đồng thời, Giáo Hội Công Giáo luôn bảo vệ những giá trị của gia đình. Cách cụ thể, Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra những giải pháp dành cho các gia đình di dân, nhất là những trẻ em có cha mẹ làm việc xa nhà. Với sự hướng dẫn của Giáo Hội Công Giáo cùng với sự cộng tác đắc lực của mọi thành phần trong xã hội, giá trị gia đình được gìn giữ, những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng di cư có thể phát triển đầy đủ về phương diện thể lý, tinh thần và đức tin.
TMT
[1] Điều Tra Di Cư Nội Địa Quốc Gia, 2015, 9.
[2] Phạm Quang Minh, Việt Nam sau Ba Mươi Năm Cải Cách, Đại Học Hà Nội, 2016, 26-40.
[3] Lương Văn Hy, The Changing Configuration of Rural-Urban Migration and Remittances Flows in Vietnam, Journal of Social Issues in Southeast Asia 3, no. 33, 2018, 603.
[4] Tổng Cục Thống Kê, 2010, 25.
[5] Nguyễn Đức Hải, Challenges of Rural-Urban Migrants in Vietnam, 2018, 12.
[6] Điều Tra Di Cư Nội Địa Quốc Gia, 9.
[7] Điều Tra Di Cư Nội Địa Quốc Gia, 3.
[8] Yoko Niimi, Phạm Hùng Thái, and Barry Reilly, Determinants of Remittances: Recent Evidence Using Data on Internal Migrants in Vietnam, Policy Research Working Paper 4586, (2008), 4.
[9] Yoko Niimi, Phạm Hùng Thái, and Barry Reilly, Determinants of Remittances, 4.
[11] Nguyễn Việt Cường and Linh Hoàng Vũ, Should Parents Work away from or Close to Home? The Effect of Parental Absence on Children’s Time Use in Vietnam, Journal of Human Development and Capabilities 17, 2015, 3.
[12] Lê Văn Thịnh, Psychological Adaptation of Rural Children with Parents Working away, 2017, at https://daophuongthaoblog.wordpress.com.
[13] Điều Tra Di Cư Nội Địa Quốc Gia, 6.
[14] Nguyễn Việt Cường and Linh Hoàng Vũ, Should Parents Work Away, 5.
[15] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ năm 2008, No.10-11.
[16] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ năm 2008, No.11
[17] Điều Tra Di Cư Nội Địa Quốc Gia, 3.
[18] Hội Đồng Giám Mục Việt nam, Thư Mục Vụ dịp Giáng Sinh năm 2018, No.2.
[20] Lương Văn Hy, The Changing Configuration of Rural-Urban, 605-606.
[21] Nguyễn Việt Cường and Linh Hoàng Vũ, Should Parents Work Away, 9.
[22] Nguyễn Việt Cường and Linh Hoàng Vũ, Should Parents Work Away, 12-13.
[23] Nguyễn Việt Cường, Determinants of Children’s Education in Vietnam: Evidence from the 2014 Population and Housing Survey, MPRA Munich Personal RePEc Archive, no. 81828, 2017, 11.
[24] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ năm 2008, No.12.
[25] Điều Tra Di Cư Nội Địa Quốc Gia, 6.
[26] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ năm 2008, No.12.
[27] Đức Tổng Giu-se Nguyễn Năng, Thư Mục Vụ dịp Giáng Sinh năm 2018.
[28] Hương Lan, When Parents Neglect Their Children, 2017, at https://www.rfa.org.
[29] Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, Washington: United States Conference of Catholic Bishops, 2006, 144.
[30] Pope Francis, Addressed in the International Forum for Migration and Peace, 2017, No.3.
[31] Pope John XXIII, Encyclical on Christianity and Social Progress Mater et magistra, 1961, No.83.
[32] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.1929.
[33] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.1931.
[34] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.1932.
[35] Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, Washington: United States Conference of Catholic Bishops, 2006, No.146.
[36] Pope John XXIII, Encyclical on Establishing Universal Peace in Truth, Justice, Charity, and Liberty Pacem in terris, 1963, No.25.
[37] Pope John XXIII, Encyclical on Establishing Universal Peace in Truth, Justice, Charity, and Liberty Pacem in terris, 1963, No.98.
[38] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2201.
[39] X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2202.
[40] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2207.
[41] Đức Tổng Giu-se Nguyễn Năng, Thư Mục Vụ dịp Giáng Sinh năm 2018.
[42] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2210-2211.
[43] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2212.
[44] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2205.
[45] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, No.2204.
[47] Lm. Giu-se Nguyễn Cao Hoàn, bài phỏng vấn năm 2023.
[48] Lm. Giu-se Nguyễn Cao Hoàn, bài phỏng vấn năm 2023.
[49] Thống Kê Việt Nam, 2024, at https://vecom.vn/nhung-con-so-ve-digital-tai-viet-nam-2024-ma-ban-phai-biet.
[51] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 2025, No.4.