.jpg)
LỄ HIỂN LINH
Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a.5-6; Mt 2, 1-12
CHÚA TỎ MÌNH CHO MUÔN DÂN
I – HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 60,1-6)
- Bài đọc I trích từ phần III của sách ngôn sứ Isaia (56 – 66). Isaia là một ngôn sứ lớn của Cựu Ước. Ông được Thiên Chúa kêu gọi làm ngôn sứ để rao giảng và loan báo trước sự sụp đổ của Israel và Giuđa như là hình phạt cho sự bất trung của họ đối với Giao ước.
- Bản văn Is 60,1-6 được đặt trong bối cảnh thời hậu lưu đầy. Những người Do thái trở về từ Babylon đầy phấn khởi trong những ngày đầu và họ bắt tay vào việc tái thiết Đền thờ và Thành Giêrusalem. Tuy nhiên, ít lâu sau họ mất dần lòng nhiệt thành, nên việc tái thiết bị đình trệ. Trong một bối cảnh khó khăn như vậy, ngôn sứ Isaia đem đến cho Dân Chúa những lời khích lệ tràn đầy niềm vui và hy vọng: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên người” (Is 60,1).
- Thật vậy, chính trong đêm tối mà người ta trông chờ ánh sáng của ngày mới. Vì thế, Isaia đã loan báo: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất… còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa… Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của người mà tiến bước” (Is 60,2-3). Qua những lời này, Isaia giúp cho Dân Chúa có cái nhìn lạc quan về tương lai huy hoàng và nhắc cho họ là những người đang sống trong đêm tối đừng quên rằng ngày đã sắp đến. Hãy biết rằng sẽ đến ngày mà tất cả mọi người đều tập hợp lại và nhận ra Giêrusalem là Thành thánh. Vậy, đừng chán nản và thất vọng nữa, hãy nỗ lực tái thiết Đền thờ và Thành thánh như đã dự định.
2. Bài đọc II (Ep 3, 2-3a.5-6)
Trong bài đọc II này, thánh Phaolô xem mình là người nhận được mạc khải về mầu nhiệm Đức Kitô (Ep 3,3a). Thánh Tông đồ không bao giờ nghĩ mình đã khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa, nhưng ông biết rằng Thiên Chúa đã mạc khải cho ông. Nói cách khác, thánh Phaolô được Thiên Chúa cho thông hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm ấy được mạc khải cho các Tông đồ và các ngôn sứ (3,5). Mầu nhiệm đó là: Trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thông phần gia nghiệp ở trên trời với những người Do thái, được trở nên chi thể của cùng một thân mình, được tham dự vào cùng một lời hứa (3,6).
3. Bài Tin Mừng (Mt 2,1-12)
Bối cảnh và cấu trúc bản văn
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh các trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu (Mt 1 – 2). Thật vậy, sau khi đã trình bày về thân thế Đức Giêsu là con cháu vua Đavít, là Emmanuel (Mt 1), thánh Mátthêu, trong chương 2, nói đến sứ mạng cứu độ của Người dành cho các dân ngoại. Người đã lôi kéo các nhà chiêm tinh đến với mình theo ánh sáng của chính Người (Mt 2,1-12); và sau những kinh nghiệm đau khổ: trốn sang Aicập (2,13-15) và bị đe dọa sát hại (2,16-18), Người đã trở về sống khiêm tốn giữa những người “sót lại” nhỏ bé ở Nadarét (2,19-23).
Bản văn Tin Mừng hôm nay có thể được chia làm ba phần : a) Ghi nhận về lịch sử và câu hỏi của các nhà chiêm tinh (2,1-2) ; b) Gặp vua Hêrôđê ở Giêrusalem (2,3-9a) ; c) Gặp hài nhi và bái lạy Người ở Bêlem (2,9b-12).
Nội dung bài Tin Mừng
a) Ghi nhận về lịch sử (“Thời vua Hêrôđê trị vì”) và câu hỏi của các nhà chiêm tinh (‘Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ?’) (Mt 2,1-2)
(1) “Thời vua Hêrôđê trị vì” (2,1)
- Trình thuật giáng sinh của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu được mô tả cách đơn giản hơn trình thuật của Tin Mừng Luca (Lc 2,1-20). Thánh Mátthêu đặt trình thuật này trong bối cảnh lịch sử và tôn giáo của dân Chúa tại Giuđê. Tác giả xác định: “Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì”. Đây là vua Hêrôđê cả (37 – 4 tCN). Ông là ai ? Ông là con ông Antipate, người Iđumê (dân ngoại), là đại thần của vua Gioan Hiếccan II (63 – 40 tCN). Năm 47 tCN ông làm thống đốc miền Galilê. Năm 41, ông là tiểu vương miền Giuđê. Năm 40, ông trốn chạy sang Rôma, nhưng được tấn phong vua miền Giuđê. Năm 37 ông đánh chiếm Giêrusalem. Vương quốc Hêrôđê cả bao gồm một lãnh thổ rộng lớn: Giuđê, Iđumê, Samari, Galilê và Pêrê. Ông ủng hộ nền văn hóa Hilạp, nên bị người Do thái loại bỏ, dù ông đã đem hết sức để trùng tu Đền thờ cho họ.
- Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Luca đều nói Đức Giêsu ra đời tại Bêlem (Mt 2,1.5; Lc 2,4.15). Thánh sử Luca còn xác định “thành Bêlem” là “thành vua Đavít”. Như vậy, lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm (Mt 2,5; Mk 5,1) và Đức Giêsu sinh ra tại đây đã hoàn tất lời hứa Thiên Chúa dành cho vua Đavít (2 Sm 7,12). Nói khác đi, tác giả đã triển khai bản gia phả và truyền tin cho thánh Giuse đã nói ở trên (Mt 1,1-25).
- Hơn nữa, khi nói Đức Giêsu ra đời ở ‘Bêlem, miền Giuđê’ (2,1.5-6), dường như thánh Mátthêu muốn ám chỉ rằng : Hài nhi mới sinh tại đó chính là vị vua thật sự của dân Israel, chứ không phải là Hêrôđê đang trị vì ở đó[1].
(2) Tước hiệu : “Đức Vua dân Dothái” (2,2)
- “Đức Vua dân Dothái” vừa được nhìn nhận, vừa bị chối từ. Các nhà chiêm tinh[2] ở phương Đông (khó xác định một nơi nào, có thể là Babylon hoặc Ảrập miền nam) đã theo ngôi sao dẫn đường đến Giêrusalem. Có lẽ đây là mạc khải qua thiên nhiên cho những ai không tin vào Thánh Kinh. Họ đã thấy “Vì sao của Người (Vua dân Do-thái)”. Đó là niềm tin chung của người xưa. Khi thấy một ngôi sao mới xuất hiện, người ta cho rằng có một nhà lãnh đạo sinh ra. Thánh Mátthêu cũng đưa ra chuyện ông Bilơam trong Cựu Ước, và chính ông này đã tuyên sấm “một vì sao sẽ mọc lên từ nhà Giacóp” (Ds 24,17). Ngôi sao không phải là một hiện tượng thiên văn, nhưng chính là nhà vua.
- Danh hiệu “Đức Vua dân Dothái” được dân ngoại nhìn nhận. Danh hiệu này sẽ còn xuất hiện lần nữa khi Đức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá, khi dân ngoại nhận ra sự thật về Người (27,54). Trong khi những người đọc Kinh Thánh lại không tin. Quả là điều mâu thuẫn.
b) Các nhà chiêm tinh gặp vua Hêrôđê ở Giêrusalem (2,3-9a)
- Các câu 2,3-4 cho thấy phản ứng của Vua Hêrôđê, ‘cả thành Giêrusalem’[3], các thượng tế và các kinh sư là ‘bối rối’ và ‘xôn xao’ trước câu hỏi của các nhà chiêm tinh. Họ đã ‘họp lại’ để bàn tính và âm mưu giết vị vua mới sinh sẽ được trình bày ở phân đoạn kế tiếp (2,13-18).
- Thành Giêrusalem là nơi mà Đức Giêsu sẽ bị các tầng lớp lãnh đạo Do thái cũng như dân ngoại chống đối và tìm cách giết đi (16,21 ; 17,22 ; 20,17-19). Đây cũng chính là nơi mà ‘Vua dân Do thái’ phải chết để cứu chuộc loài người. Vì thế, các hình ảnh trong đoạn văn này tiên báo việc ông Philatô, ‘toàn dân’, các thượng tế và các kỳ mục trong trình thuật Thương Khó của Tin Mừng Mátthêu sẽ tìm cách giết Đức Giêsu.
- Khi trích Cựu Ước ‘Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời’ (trong Mk 5,1 và 2 Sm 5,2), thánh Mátthêu như muốn liên kết tước hiệu ‘Vua dân Do thái’ với ‘miền đất Giuđê’ là miền đất của các tổ phụ, từ đó mà dòng dõi vua Đavít phát sinh (Mt 1,1-2). Qua lời này, tác giả Tin Mừng thứ nhất cũng muốn nhấn mạnh vai trò ‘thủ lãnh’, ‘chăn dắt dân Israel’ của vị lãnh đạo mới là Hài nhi mới được sinh ra tại Bêlem.
c) Các nhà chiêm tinh gặp và bái lạy Hài nhi Giêsu (2,9b-12)
- Sau khi gặp vua Hêrôđê, các nhà chiêm tinh ra đi và ánh sao lại xuất hiện dẫn đường cho họ đến nơi Hài nhi ở (2,9b).
- Việc các nhà chiêm tinh sấp mình thờ lạy Hài nhi Giêsu cho thấy Người chính là Chúa của mọi dân (2,11). Nói cách khác, các nhà chiêm tinh được coi như đại diện cho các dân tộc. Các ông đã tìm ra “Đức Vua dân Do Thái” và tiến dâng những lễ phẩm có tính cách biểu trưng: vàng (biểu tượng dành cho ‘vua chúa’), nhũ hương (nói lên ‘thần tính’), mộc dược (biểu tượng cho ‘việc mai táng’) của Đức Giêsu[4]. Những lễ vật nói lên Vua của dân Do Thái là một vị thần, một Thiên Chúa, nhưng Người cũng là người thật, là Đấng sẽ chịu khổ hình trên thập giá.
- Các nhà chiêm tinh sấp mình bái lạy Hài nhi Giêsu đã làm cho ứng nghiệm các lời sấm về Đấng Mêsia: các dân tộc sẽ đến thờ phượng Thiên Chúa Israel (Ds 24,17; Is 49,23; 60,5tt; Tv 72,10-15).
II – SỐNG LỜI CHÚA
Lễ Hiển Linh cho chúng ta một ý nghĩa đặc biệt là Thiên Chúa tỏ mình ra không phải cho một dân nào, hay chỉ cho dân mà Người đã tuyển chọn, mà còn cho hết mọi dân tộc. Lễ này gợi cho chúng ta mấy điều để áp dụng trong đời sống.
1. Hài nhi Giêsu là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho muôn dân
- Ngày xưa lễ này được gọi là lễ Ba vua vì theo một truyền thuyết, ba vị vua này đại diện cho người da trắng, da đen và da vàng. Điều đó có ý nói rằng muôn dân trên khắp địa cầu đều đến để bái lạy Đấng cứu thế đã giáng sinh. Tuy nhiên, bản văn Kinh Thánh không khẳng định đó là các vị vua, mà gọi họ là ‘các nhà chiêm tinh’. Và Kinh thánh cũng không cho biết con số các vị ấy là bao nhiêu.
- Điều mà bài Tin Mừng hôm nay muốn nhấn mạnh không phải con số các vị đến thờ lạy Chúa Hài nhi, cũng không phải chức vị của các vị này, nhưng là nhấn mạnh đến việc các nhà chiêm tinh được ánh sáng của Hài Nhi chiếu soi và các ông bước đi trong ánh sáng để đến thờ lạy Người : “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện ở Phương Đông nên chúng tôi đến để thờ lạy Người” (Mt 2,2).
- Theo ngôn sứ Isaia trong bài đọc I, đang khi các dân tộc chìm đắm trong tối tăm, thì một mình Giêrusalem rực sáng. Thành Giêrusalem rực sáng vì được Thiên Chúa chiếu soi. Nói đúng hơn Giêrusalem được rực sáng là nhờ ánh sáng của Đấng Cứu Thế mới giáng sinh.
- Nếu tác giả Tin Mừng thứ tư khẳng định : “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5), thì chính Đức Giêsu là “ánh sáng thật”, đến “chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), không chỉ cho dân Do thái, mà còn cho cả dân ngoại như các nhà chiêm tinh này. Thánh Phaolo trong bài đọc II cũng khẳng định: “Trong Đức Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thừa hưởng gia nghiệp cùng với người Do thái” (Ep 3,6).
2. Chúng ta cần nhận ra ánh sao của Chúa trong đời sống hàng ngày
- Các nhà chiêm tinh nhận được ánh sáng của ngôi sao lạ và họ tìm đến với Chúa Hài nhi. Trong thực tế, có lẽ rất nhiều người nhìn lên trời và đã thấy ngôi sao, nhưng chỉ có ba nhà chiêm tinh nhận ra và đọc được ý nghĩa của ngôi sao.
- Hàng ngày, những giáo huấn của Giáo Hội (qua Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, các vị mục tử), những lời dạy của ông bà, cha mẹ, của tha nhân hay sự giúp đỡ quảng đại của những người xa lạ có thể là những ánh sao giúp chúng ta thay đổi cuộc sống của mình. Chúng ta có nhận ra không ?
3. Mỗi chúng ta được mời gọi trở thành ánh sáng cho người khác
- Khi lãnh Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được trao cây nến sáng. Ý muốn nói là chúng ta nhận ánh sáng từ Chúa Kitô và ánh sáng này phải chiếu sáng cho người xung quanh : ‘Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời’ (Mt 5,16).
- Còn nhớ, trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2021 có tựa đề “Nền văn hóa chăm sóc, hành trình đến hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy “quan tâm đến nhau, chăm sóc cho nhau, cảm thông và hòa giải với nhau, tôn trọng và chấp nhận nhau. Và như thế, nó biểu trưng cho một con đường đặc biệt dẫn đến hòa bình”. Để trở thành ánh sáng cho người khác, chúng ta được mời gọi phải làm tốt cho nhau, chăm sóc nhau và chấp nhận mọi hoàn cảnh.
- Một việc tốt, một lời nói, một hành động bao dung, bác ái, một cách cư xử nhã nhặn, sống thật thà, ngay thẳng có thể là ánh sáng chiếu soi tha nhân. Thánh Phêrô khuyên: ‘Chị em là những người vợ, hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em, mà không cần chị em nói lời nào’ (1 Pr 3,1). Sống tinh thần của thánh Phêrô thì chúng ta đang là những ánh sao của Chúa cho những người xung quanh.
Câu hỏi gợi ý suy niệm :
+ Cuộc đời tôi có phải là ánh sao đang chiếu sáng vào bóng tối của những ai còn ích kỷ, tham lam, lười biếng và kiêu căng không ?
+ Tôi có nhận ra, hay đúng hơn là đọc ra ý nghĩa của những ánh sao mà Chúa gửi đến qua người này người khác trong cuộc sống không? Tôi phải làm gì để có thể trở thành ánh sao của Chúa, chiếu tỏa tình yêu của Người cho những người xung quanh?
Hãy suy gẫm lời bài hát “HÃY THẮP SÁNG LÊN”:
Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên
Thắp sáng lên con tim nồng nàn
Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương
Cuộc đời bao tăm tối quanh tôi
Đang cần đến ánh sáng chiếu soi
Này bạn hỡi xin chớ lãng quên ánh nến trái tim cho đời đẹp thêm
Hãy thắp lên đời ta
Hãy thắp cho trần gian
Thắp sáng lên tình yêu, sáng lên niềm tin niềm tin giesu
Hãy thắp lên đời ta
Hãy thắp cho trần gian
Đốt cháy tan niềm đau xoá bóng đêm từ lâu vây kín quanh đời.
[1] Đức Giêsu khởi đầu cuộc sống trần gian đầy mâu thuẫn: một hài nhi nghèo lại là Vua dân Do Thái. Người không ở hoàng cung mà ở một nơi dành cho người nghèo.
[2] Các nhà ‘chiêm tinh’ (tiếng Hilạp là ‘magôi’ – số ít là ‘magos’) là những bậc trí thức và pháp thuật Đông Phương. Họ hiểu biết và thông thạo nhiều vấn đề, như: bói toán, y học, thiên văn học, giải thích các giấc mơ. Họ có phải là những vị vua không? Không ai dám khẳng định chắc chắn.
[3] Đây là kiểu nói hơi có vẻ phóng đại, như để báo trước việc ‘toàn dân’ Do Thái sẽ loại trừ Đức Giêsu (Mt 21,10).
[4] Đây là những vật quí, dầu thơm truyền thống của miền Ảrập (Gr 6,20 ; Ed 27,22). Theo các Giáo phụ, ba lễ vật mà các nhà chiêm tinh dâng muốn gián tiếp tuyên xưng Đức Giêsu là Vua, là Thiên Chúa và là Đấng chịu khổ nạn.