14h:55 (GMT+7) - Chủ nhật, 23/03/2025 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Hiểu và sống Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng-Đấng Cứu Thế là Emmanuel

12h:49 (GMT+7) - Thứ sáu, 16/12/2022

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A

Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24

ĐẤNG CỨU THẾ LÀ ‘EMMANUEL’

(THIÊN CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG TA)

I – HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 7,10-14)

Vào thế kỷ thứ VIII trước CN, Israel đứng trước một thời kỳ bi đát nhất trong lịch sử. Vương quốc mà vua Đavít đã có công thiết lập nay bị chia làm hai. Có hai vua và hai thủ đô: Vương quốc Israel (phía bắc) có thủ đô là Samari và Giuđa (phía nam) với thủ đô là Giêrusalem. Vương quốc phía nam nhỏ bé do vua Akhát lãnh đạo bị kẹt giữa hai nước lớn là Átsua và Aicập.

Vào khoảng năm 736/735 trước CN, vương quốc phía bắc và nước Aram buộc vương quốc Giuđa liên minh với họ để chống lại Átsua hùng mạnh. Nhưng vua Akhát không chịu và khi được tin vua Aram đem quân tiến đánh, nhà vua đã kêu cứu quân đội Átsua vì sợ hãi: “Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió” (Is 7,2). Tuy nhiên, ngôn sứ Isaia được sai đến để trấn an nhà vua và khuyên ông hãy tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa (thay vì dựa vào thế lực trần gian). Vua Akhát không những đã không nghe theo lời ngôn sứ Isaia khuyên nhủ, mà còn làm những điều bất trung trước mặt Thiên Chúa.

Trong bài đọc I, khi thấy vua Akhát cứng lòng tin, Isaia nói với ông hãy xin một dấu chỉ từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông từ chối và viện cớ là không dám thử thách Thiên Chúa. Trước thái độ giả hình của Akhát, Isaia đã loan báo điều gì? Ông đã tiên báo rằng cho dù con người phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín và Người sẽ ban cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Qua con trẻ này, Thiên Chúa sẽ hiện diện giữa dân Người. Việc loan báo này được thực hiện qua việc Đức trinh nữ Maria thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Bài Tin Mừng).

2. Bài đọc II (Rm 1,1-7)

Trong bài đọc II, thánh Phaolô tự giới thiệu là Tông đồ, nghĩa là người được sai đi để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa (Rm1,1). Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng ông cũng được chính Đức Kitô sai đi (Cv 26,17) làm Tông đồ dân ngoại (Rm 11,13; Gl 2,7).

Tin Mừng mà thánh Phaolô loan báo là Tin Mừng về ‘Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’ (Rm 1,3a). Thánh Tông đồ còn nói rõ về nguồn gốc nhân loạithần linh của Đức Giêsu Kitô : “Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,3b-4). Đức Giêsu được Chúa Cha trao cho mọi quyền năng để thực hiện việc cứu độ nhân loại.

3. Bài Tin Mừng (Mt 1,18-24)

Bối cảnh và bố cục  

Tin Mừng theo thánh Mátthêu được khởi đầu với gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,1-17) và việc giáng sinh của Người sẽ hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa (2,1-12). Bài Tin Mừng hôm nay (1,18-24) được coi là đoạn văn chuyển tiếp giữa hai trình thuật về gia phả và cảnh giáng sinh của Đức Giêsu.

Trong trình thuật giáng sinh, nếu Luca nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria, thì Mátthêu lại tập trung vào sứ mạng của ông Giuse. Thật vậy, qua việc ghi lại gia phả Đức Giêsu ở Mt 1,1-17, tác giả đã xác nhận Đức Giêsu là con cháu vua Đavít qua vai trò làm cha của Giuse. Sau đó, Mátthêu cho thấy ông Giuse có tư cách làm cha theo pháp lý để Đức Giêsu trở thành “Con vua Đavít”, chứ không phải là cha về mặt thể lý. Đồng thời, tác giả cho biết hài nhi Giêsu là người được thành thai do quyền năng Thánh Thần (1,20), là Đấng Emmanuel, là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (1,23).

Bài Tin Mừng có thể được chia thành bốn phần: a) Mở đầu bằng một hoàn cảnh khó xử (1,18-19): Đức Maria có thai và thánh Giuse dự tính bỏ Người; b) Thiên Chúa can thiệp (1,20-21): Đức Maria thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần; c) Dẫn chứng Kinh Thánh (1,22-23): Trinh nữ thụ thai Đấng Cứu Thế - sinh con là Emmanuel; d) Kết luận (1,24): Sự vâng phục của thánh Giuse.

Nội dung bài Tin Mừng

a) Hoàn cảnh khó xử (Mt 1,18-19)

(1) Đức Maria đã thành hôn với ông Giuse (1,18a)

Khái niệm ‘thành hôn’ gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu Kinh Thánh, vì có sự khác biệt về khái niệm dựa theo thuật ngữ của người thời nay với khái niệm mà người Do Thái sử dụng vào thời Đức Giêsu. Theo phong tục Do Thái thời xưa, lễ cưới được chia làm hai giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất là ‘lễ đính hôn’ tại nhà gái. Đây là nghi lễ quan trọng nhất. Chú rể phải nộp ‘tiền cheo’ cho nhà cô dâu (St 34,12; Xh 22,16). Dù chỉ là lễ ‘đính hôn’, nhưng trong thực tế, hôn nhân được coi là đã thành sự (vì thế, từ ngữ “mnesteutheises/μνηστευθείσης” được dịch để chỉ Đức Maria “đã thành hôn” – là gốc của động từ “mnesteuô/μνηστεύω”). Nói cách khác, khi làm nghi lễ này, hai người đã nên vợ chồng với nhau về mặt luật pháp, nên có thể được xem là đã “thành hôn”, mặc dù chưa về “chung sống với nhau”. Chính vì đã “thành hôn” với bà Maria dựa theo luật pháp, nên ông Giuse cũng trở nên người chồng hợp pháp của Đức Maria (điều này được nhắc lại trong Mt 1,19) và thành người cha hợp pháp của Đức Giêsu. Vì thế, trong thời gian chưa rước dâu, nếu hai người có con, thì đứa con này vẫn được coi là hợp pháp. Cũng trong thời gian này, nếu người vợ ngoại tình thì người chồng có thể viết giấy ly dị (1,19). Khi ấy, người vợ phải đền bù thiệt hại, bị đưa ra tòa và có thể bị ném đá.

- Giai đoạn thứ hai là ‘lễ rước dâu’. Thực ra, đây chỉ là hình thức vì ‘lễ đính hôn’ tại nhà gái là chính yếu. Vì thế, lễ này chỉ có thể bị hủy bỏ do giấy ly dị.

(2) Đức Maria thụ thai Đức Giêsu là do quyền năng của Chúa Thánh Thần (1,18b)

- Khi xác định Đức Giêsu được ‘thành thai’ do quyền năng Chúa Thánh Thần, dường như thánh Mátthêu muốn nhấn mạnh mối tương quan ‘thần linh’ của Đức Giêsu đối với Chúa Cha. Mối tương quan đó chứng minh ‘nguồn gốc thần linh’ của Đấng Cứu Thế. Điều này cũng làm sáng tỏ ơn cứu độ do Đức Giêsu thực hiện không phát xuất từ khả năng nhân loại.

- Đức Giêsu được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria, được tháp nhập vào dòng dõi vua Đavít qua sự nhìn nhận pháp lý của thánh Giuse. Điều này cho thấy nguồn gốc nhân loại của Người (Mt 13,55). Như vậy, Đức Giêsu vừa có ‘nguồn gốc thần linh’ vừa có ‘nguồn gốc nhân loại’.

(3) Giuse được mô tả là “người công chính” (1,19)

- Theo Kinh thánh, người công chính được xếp vào hạng người trung thành giữ luật (Lc 1,6). Với những thông tin biết được về vị hôn thê đã mang thai, Giuse chỉ muốn ly dị nàng cách kín đáo. Thật ra, Giuse biết rõ mình không phải là cha của đứa trẻ và điều này có nghĩa là Đức Maria có thể đã bị dụ dỗ (Đnl 22,23-24)[1], hoặc đã bị cưỡng hiếp (Đnl 22,25-27).

- Là người công chính, Giuse không thể đón Đức Maria về làm vợ mình, vì làm như thế, chiếu theo luật, là dung tha tội lỗi ở nơi mình. Nhưng kế hoạch ly dị “cách kín đáo” cho thấy Giuse là người công chính, nên ông cũng quan tâm tới lòng thương xót. Ông là kiểu mẫu cho người Do Thái giữ luật, vâng theo luật dạy với sự thông cảm cho người khác (9,13; 12,7). Ông có thể đưa vụ việc ra xét xử công khai, nhưng ông đã chọn không tố giác.

- Hơn nữa, vì là người công chính, nên Giuse tôn trọng thánh ý Thiên Chúa nơi Đức Maria. Điều này giả thiết rằng Giuse đã nhận ra việc Maria thụ thai là do can thiệp của Thiên Chúa, chứ không phải do ngoại tình. Như vậy, ông được coi là công chính vì tôn trọng chương trình của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Maria.

b) Thiên Chúa can thiệp (Mt 1,20-21)

- Trong khi ông Giuse bối rối, ‘sứ thần Chúa’ (dịch sát là ‘sứ thần của Đức Chúa’ ἄγγελος κυρίου) đã đến can thiệp để mạc khải cho ông ý định của Thiên Chúa và truyền cho ông những việc phải làm trong chương trình của Người.

- Trong Kinh Thánh, cần phân biệt hai cụm từ: ‘Sứ thần của Đức Chúa’ và ‘sứ thần’. Khái niệm “sứ thần của Đức Chúa” chính là Thiên Chúa khi can thiệp vào một vấn đề hoặc biến cố nào đó trong lịch sử cứu độ (St 16,7.13; 21,17; 31,11; Xh 3,2). Thánh Mátthêu sử dụng khái niệm này không chỉ ở đây mà còn trong trình thuật về giấc mơ của thánh Giuse ở Mt 2,13.19. Còn “sứ thần” hay “thiên sứ”[2] chỉ là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên. Chẳng hạn như sứ thần “Gabriel” truyền tin cho ông Dacaria ở Lc 1,19 hay cho Đức Maria ở Lc 1,26.

- Với ý nghĩa nêu trên, chúng ta hiểu được “Sứ thần của Đức Chúa” trong bài Tin Mừng hôm nay đã mạc khải cho Giuse hai điều: một là hãy đón Đức Maria về nhà (1,20); và hai là: trao phó cho ông nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ là Giêsu (1,21).

- Tên “Giêsu” là phiên âm tiếng Hylạp Ἰησοῦς (âm gốc tiếng Hípri là “Giêsua/ יֵשׁוּעַ ” hay “Giơhôsua/ יְהוֹשׁוּעַ”). Danh xưng này có nghĩa là “Đức Chúa là sự cứu độ”, “Ơn cứu độ của Đức Chúa” hay “Đấng Cứu Độ”. Với ý nghĩa đó, trong vế sau của câu 1,21, tác giả khẳng định: “Người sẽ cứu dân mình khỏi tội của họ”. Trong Cựu Ước có hai nhân vật mang danh này: thứ nhất là Giôsuê, người trợ tá và kế vị ông Môsê (Xh 17,9.10.13.14. Ds 11,28; Đnl 11,38…); thứ hai là ông Giêsua, người tổ chức đoàn dân hồi hương về Xion từ đất lưu đày Babylon (Er 2,2.6.36; Nkm 7,7.11.39…).

- “Ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”: Động từ “đặt tên” có chủ từ ngầm ở ngôi thứ ba số ít, nhưng không phân biệt “giống”, nên chẳng biết rõ là “Đức Maria” hay “ông Giuse” đặt tên cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, dựa vào lời của ‘sứ thần của Đức Chúa’ truyền lệnh cho ông Giuse ở 1,22, người ta có thể nhận thấy ông Giuse sẽ đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu. Qua việc đặt tên này, ông Giuse được xác nhận tư cách làm cha của mình đối với Đức Giêsu và làm cho Đức Giêsu trở thành “Con vua Đavít” về mặt pháp lý.

c) Dẫn chứng Kinh Thánh (Mt 1,22-23)

- “Để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ”: Đây là công thức Mátthêu thường sử dụng để trích dẫn lời tiên báo trong Cựu Ước mà nay được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu (Mt 1,22; 2, 15.17.23; 4,14; 8,17; 13,35; 21,4; 26,56; 27,9; xem thêm 2,5; 3,3; 12,17; 13,14). Khi sử dụng công thức nêu trên và kèm theo một trích dẫn Kinh Thánh, Mátthêu cho thấy rằng có sự tiếp nối giữa Cựu Ước và Đức Giêsu. Qua đó, tác giả cũng chứng minh rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia đã được các ngôn sứ loan báo.

- “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai”: Đây là đoạn trích dẫn lời tiên báo ở Is 7,14 nói về việc một người nữ trong triều đình sẽ sinh ra một hoàng tử cho vương triều Đavít. Đây có thể là dấu chỉ mang lại niềm hy vọng cho vương quốc Giuđa vào thời vua Akhát trị vì (735-715 tCN), như được nói tới trong bài đọc I. Tuy nhiên, có những chi tiết khác liên quan đến hình ảnh “người nữ” này.

Trong bản văn Hípri dùng thuật ngữ “almah=עַלְמָה ” có nghĩa là một “thiếu nữ” (khác với trinh nữ), trong khi bản dịch Hylạp LXX (Bản Bảy Mươi) lại sử dụng thuật ngữ “parthenos=παρθένος) có nghĩa là “trinh nữ”. Dầu vậy, đó chỉ là sự khác biệt về tình trạng của người nữ trước khi thụ thai, còn cả hai bản văn đều nhắm đến việc thụ thai tự nhiên (chưa có ý niệm “thụ thai mà vẫn còn đồng trinh”). Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu tiên khởi, cũng như với Mátthêu, khái niệm “trinh nữ” được áp dụng cho Đức Maria nhằm chỉ đến việc thụ thai Đức Giêsu mà vẫn còn đồng trinh.

- “Người ta sẽ gọi tên con trẻ”: Thánh sử Mátthêu thay đổi chủ từ so với bản văn gốc. Trong bản văn gốc tiếng Hípri, chủ từ là “thiếu nữ”: “Cô sẽ gọi tên con trẻ…”.  Trong khi Bản Bảy Mươi (LXX) lại dùng đại từ ngôi thứ hai số ít là “ngươi” (không phân biệt giống) và có thể áp dụng cho vua Akhát. Mátthêu đã đổi thành “người ta” (ngôi thứ 3 số nhiều) nhằm ám chỉ đến “Dân Người” đã được đề cập ở Mt 1,21.

- “Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta”:  Đây là thuật ngữ phiên âm của tiếng Hípri עִמָּנוּ אֵל (Immanuel). Thuật ngữ này được nói ở Is 7,14 (trong bài đọc I) và được nhắc lại ở Is 8,8.10 để nói lên sự hiện diện năng động của Thiên Chúa ở giữa Dân Người nhằm cứu giúp họ. Thánh Mátthêu áp dụng danh xưng này cho Đức Giêsu để phần nào làm nổi bật căn tính “Con Thiên Chúa”, Đấng đã hứa với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28,20)[3].

d) Thi hành lệnh Thiên Chúa: ông Giuse làm theo lời sứ thần Đức Chúa truyền (1,24)

Câu cuối này nói lên sự tín thác và sự cộng tác của ông Giuse vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa: “Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (1,24-25).

II – SỐNG LỜI CHÚA

Chúa Nhật IV Mùa Vọng cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa này, Lời Chúa mời gọi chúng ta chuẩn bị đón Đấng Emmanuel sắp ngự đến với ba ý tưởng sau.

1. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa, cho dù loài người có phản bội và bất trung.

- Vua Akhát là người bất trung (bài đọc I). Ông không những không tin tưởng vào Thiên Chúa mà lại còn đi với các thần ngoại và cậy dựa vào thế lực trần gian. Tuy nhiên, không phải vì cá nhân ông mà Thiên Chúa huỷ bỏ lời hứa với Dân riêng của Người. Người luôn trung tín với lời Người đã hứa.

- Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội và của cá nhân mỗi người, chúng ta khiêm tốn nhìn nhận, có nhiều lần ta đã bất trung khi không sống đúng với tư cách là người con của Chúa. Chúng ta đã và đang chạy theo các thần (tài tài, danh vọng, chức quyền…). Nhưng Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Người vẫn yêu thương và chờ đợi ta hoán cải. Theo giáo huấn của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta hãy bạt những đồi núi kiêu căng; uốn cho thẳng những con đường gian dối, nghi ngờ và xét đoán; lấp cho bằng những hố sâu của hận thù, chia rẽ… 

2. Chúng ta được mời gọi xác tín rằng Đấng Emmanuel luôn ở cùng để chăm sóc và bảo vệ mỗi người.

- Mỗi người chúng ta, ít hay nhiều, đã trải qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Có lúc tưởng chừng như mình không còn đứng vững được nữa vì những thất bại trong cuộc sống. Có lúc chúng ta cảm thấy không thể chịu nổi nữa vì những xúc phạm của người khác. Nhiều lúc chúng ta nghĩ phải bỏ cuộc thôi vì dường như mọi sự đã sụp đổ rồi … Nhưng chính những lúc ấy, Chúa lại đưa tay nâng đỡ và chúng ta đã vượt qua. Trong lúc gặp thử thách, chúng ta hãy nghe giáo huấn của thánh Phêrô: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người (Chúa), vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7).

- Đi theo Chúa chắc chắn có thử thách có thánh giá. Chúng ta được mời gọi noi gương thánh Giuse xin vâng và tin rằng Đấng Cứu Thế là “Emmanuel” sẽ luôn ở cùng chúng ta, như Ngài đã hứa với các môn đệ khi sai họ đi rao giảng: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Nếu có Chúa luôn ở cùng, thì ta xác tín Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành. 

- Chúng ta còn nhớ câu truyện Giuse trong Cựu Ước. Anh em đã bán ông cho người Aicập. Tưởng như thế là hết đời Giuse rồi. Nhưng, ở Aicập ông được thăng chức tể tướng và đã cứu sống đại gia đình và dân Do thái. Thánh Phaolô, trong lúc đau khổ, đã được Chúa khích lệ: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cr 12,9). Điều cần thiết là chúng ta hãy bám chặt vào Chúa, chứ không bám víu, cậy dựa vào của cải và những thế lực trần gian.

3. Mỗi người được mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa tùy khả năng và địa vị của mình.

- Câu cuối của bài Tin Mừng, thánh Mátthêu viết: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse đón Đức Maria về nhà”. Qua lời này, chúng ta nhận ra vai trò cộng tác của thánh Giuse trong công trình cứu độ.

- Cả thánh Giuse và Đức Maria đều được mời gọi cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Cả hai Đấng đã vâng theo thánh ý Chúa và sẵn sàng thực thi điều mà Chúa truyền dạy. Như các ngài, mỗi người chúng ta có một vai trò trong chương trình của Chúa.

- Trong Giáo Hội, mỗi người, tùy theo khả năng và địa vị, được mời gọi cộng tác với nhau để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô ở trần gian: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa… Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,4-7).

- Dù khả năng giới hạn đến mấy, chúng ta tin rằng Chúa vẫn dùng chúng ta mưu ích cho cộng đoàn Giáo Hội và cho tha nhân.

Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Giuse và Đức Maria khiêm tốn thưa xin vâng trong mọi hoàn cảnh. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc đời và đủ sức thi hành. Amen.

Câu hỏi gợi ý suy niệm:

+ Là người tin theo Chúa, tôi có trung thành với giới răn Chúa dạy không hay tôi bất trung và thích cậy dựa vào thế lực trần gian? Nếu tôi có người thân bỏ đạo hoặc khô khan nguội lạnh, tôi có kiên trì cầu nguyện cho họ được biến đổi không?

+ Khi gặp thử thách đức tin, tôi có bỏ cuộc không? Tôi có tin rằng Chúa luôn ở cùng và Người ban ơn trợ lực, giúp tôi vượt qua tất cả không?

+ Trong bối cảnh của Giáo Hội ‘hiệp hành’, tôi đã và đang làm gì để tham gia vào việc xây dựng và phát triển giáo xứ /cộng đoàn của mình?

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hào, PSS


[1] Đnl 22, 23-24: « Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, thì anh (em) sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết… ».

[2] Thiên sứ/sứ thần được phái đến hầu hạ Đức Giêsu sau chiến thắng cám dỗ (Mt 4,11), trong vườn Ghếtsêmani (Mt 26,53).

[3] Tin Mừng Mt mở ra với danh hiệu của Đấng Mêsia là ‘Emmanuel’ (1,23) và kết thúc với ý tưởng ‘Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’ (28,20). Điều này cho thấy nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đến hiện diện cách năng động và ở giữa dân của Người để trợ giúp và cứu độ họ.

CÁC TIN KHÁC
Bài giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên-Giê-su : Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên-Giê-su : Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên-Giê-su : Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa nhật XXXII TN B Giêsu-Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa nhật XXXII TN B Giêsu-Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa nhật XXXII TN B Giêsu-Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên-Yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10)
Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên-Yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10)
Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên-Yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10)
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên-Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự dữ cách triệt để và toàn diện
Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên-Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự dữ cách triệt để và toàn diện
Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên-Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự dữ cách triệt để và toàn diện
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Thập giá Đức Kitô : Hy tế tuyệt hảo tôn vinh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian
Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Thập giá Đức Kitô : Hy tế tuyệt hảo tôn vinh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian
Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Thập giá Đức Kitô : Hy tế tuyệt hảo tôn vinh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Chúa Giê-su, Đấng khôn ngoan Thiên Chúa ở giữa loài người
Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Chúa Giê-su, Đấng khôn ngoan Thiên Chúa ở giữa loài người
Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Chúa Giê-su, Đấng khôn ngoan Thiên Chúa ở giữa loài người
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên-Con người mới được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su, Adam mới.
Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên-Con người mới được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su, Adam mới.
Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên-Con người mới được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su, Adam mới.
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai sống công chính được Người đón nhận
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai sống công chính được Người đón nhận
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai sống công chính được Người đón nhận
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2024 Ban Truyền thông Phát Diệm