14h:19 (GMT+7) - Chủ nhật, 23/03/2025 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Hiểu và sống Lời Chúa: Chúa nhật III Mùa Vọng-Vui mừng và kiên nhẫn đón Đấng Cứu Thế

22h:2 (GMT+7) - Thứ năm, 8/12/2022

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A

Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

VUI MỪNG VÀ KIÊN NHẪN ĐÓN ĐẤNG CỨU THẾ

I – HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 35,1-6a.10)

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia loan báo ngày vinh quang sắp xuất hiện và muôn người sẽ vui mừng vì Đấng Mêsia sẽ đến. Bài đọc này được đặt trong bối cảnh dân Israel đang còn bị lưu đầy ở Babylon. Họ sống trong đau khổ và bị áp bức. Họ mong đợi sẽ có ngày được giải thoát. Trong lúc dân đang chán nản và thất vọng, ngôn sứ Isaia xuất hiện khuyên nhủ họ hãy vui mừng lên, hãy can đảm lên, đừng sợ vì “Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35,4).

Ngôn sứ Isaia khẳng định: “Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (Is 35,10). Lời này khích lệ dân chúng và giúp họ lấy lại được niềm hi vọng để kiên nhẫn và vui mừng chờ đợi.

2. Bài đọc II (Gc 5,7-10)

Trong bối cảnh Hội thánh sơ khai chờ đợi ngày Chúa quang lâm, thánh Giacôbê trong bài đọc II khuyên các tín hữu hãy kiên nhẫn. Cụm từ “kiên nhẫn” được lặp lại ở các câu Gc 5,7.8.10 trong bài đọc này. Theo đó, tác giả khích lệ các tín hữu: Trong khi chờ đợi, hãy kiên nhẫn chịu đựng những âu lo và khó nhọc ở hiện tại. Không nên phàn nàn kêu trách lẫn nhau về tình hình khó khăn đang gặp phải (5,8). Trái lại, hãy kiên tâm và vững lòng như người nhà nông đợi chờ những cơn mưa làm trổ sinh hoa màu (5,7). Kiểu nói “mưa đầu mùa, mưa cuối mùa” trong Cựu Ước thường để chỉ các ơn huệ Thiên Chúa ban dồi dào (Đnl 11,14). Tóm lại, trong khi chờ Chúa đến, các tín hữu hãy sống tích cực, sống hòa thuận với nhau, kiên trì chịu đựng và tràn đầy niềm hi vọng.

3. Bài Tin Mừng (Mt 11,2-11)

Bối cảnh và cấu trúc bản văn

Bài Tin Mừng hôm nay khởi đi từ bối cảnh ông Gioan Tẩy giả đang ở tù (Mt 11,2). Có lẽ ở trong tù, ông Gioan nghe biết Đức Giêsu có lối sống khác với những gì ông đã rao giảng về Người. Không những Người không tỏ ra là vị thẩm phán nghiêm khắc, mà lại còn gần gũi với mọi người. Người ăn uống như mọi người, thậm chí còn đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Khi nghe biết như thế, ông Gioan có vẻ bối rối, nên ông sai môn đệ đến hỏi Người : ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?’ (11,3).

Bản văn Tin Mừng có thể được chia làm ba phân đoạn : a) Câu hỏi của ông Gioan (11,2-3) ; b) Câu trả lời của Đức Giêsu về bản thân Người (11,4-6) ; c) Đức Giêsu khen ngợi ông Gioan (11,7-11).

Nội dung bài Tin Mừng

a) Câu hỏi của ông Gioan : Thầy có thật là Đấng phải đến không ? (11,2-3)

Theo thánh Matthêu, ngay đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã biết tin ông Gioan bị tù (4,12). Đang khi ngồi tù, ông nghe các việc Đức Giêsu làm (chương 8 – 9), chứng tỏ Người là Đấng Mêsia/Kitô; nhưng ông hoài nghi không biết có phải Người là “Đấng phải đến”[1] như ngôn sứ Malakhi tiên báo không (Ml 3,1), vì Người rất khác với Đấng ông mong đợi (Mt 3,2.10-12).

Ở Mt 3,11, ông Gioan Tẩy giả đã nói với những người Pharisêu và Xađốc: “Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi”. Tuy nhiên, ông Gioan có vẻ nghi ngờ về sứ mệnh cứu độ của Người sắp thực hiện. Bởi vì ông thấy cách Người thực hiện công trình cứu độ khác với những gì ông suy diễn và mong chờ, đó là tay của Đấng Cứu Thế phải đầy sức mạnh quyền uy của Thánh Thần để loại trừ kẻ bất chính và bất lương. Vì thế, theo ông Gioan, Đấng Mêsia phải là Đấng phải “cầm nia, rê sạch lúa, thu vào kho lẫm thóc mẩy, bỏ vào lửa thóc lép” (Mt 3,12). Như vậy, trong tư tưởng của ông Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu đến để chấm dứt lịch sử Israel.

Khởi đi từ sự hiểu biết của mình về các hoạt động của Đức Giêsu, ông Gioan Tẩy giả nêu ra những câu hỏi: Người là ai vậy? Người có thật là Đấng mà ông đã loan báo là đang đến chăng? Có phải Người đến để hoàn tất mọi sự không?

 b) Câu trả lời của Đức Giêsu về bản thân Người (11,4-6)

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Qua các môn đệ của ông Gioan, Người đưa vị Tiền hô trở lại điểm xuất phát của câu hỏi của ông. Nghĩa là ông phải tìm cho được câu trả lời từ các việc Đức Giêsu đã làm. Thật vậy, ngay từ câu 11,2, thánh Matthêu đã đề cập tới “những việc Đức Kitô làm”, rồi sau đó liệt kê một số việc Người đã làm để tỏ cho mọi người nhận ra Người là Đấng Mêsia.

Nói cách khác, để trả lời cho ông Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu đã dùng một số lời hứa trong Cựu Ước liên quan tới sứ mạng của Đấng Mêsia, đồng thời Người đề nghị các môn đệ của ông Gioan phải làm chứng về những việc Đức Giêsu đã làm: ‘Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng’ (11,5). Câu 11,5 này được trích lại từ các đoạn khác nhau trong sách ngôn sứ Isaia :

- Is 35,5-6 loan báo cho người ta biết người mù được thấy, người què đi được, điếc được nghe, người câm sẽ nói được.  

- Is 26,19 nói đến người chết sẽ được sống lại.

- Is 61,1 đề cập tới việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Nói cách khác, người nghèo là người sẽ được nghe Tin Mừng.

Nhắc lại những lời sấm của ngôn sứ Isaia này, Đức Giêsu muốn nói với ông Gioan rằng ngôn sứ Isaia đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến và rằng, khi đến Người sẽ làm những việc ấy để khai mạc thời cứu độ toàn diện. Mà ngày nay, Đức Giêsu đã làm những việc ấy. Khi nghe biết như thế, ông Gioan Tẩy giả chắc chắn sẽ phải đưa ra kết luận rằng : Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Đấng phải đến để cứu độ nhân loại.

Đồng thời, các đoạn văn trên miêu tả thời cứu độ được ghi dấu bằng những việc làm như Đức Giêsu từng làm. Đức Giêsu cho thấy thời đại Đấng Mêsia được ghi đậm nét bằng tình thương cứu độ, bằng ân phúc, chứ không phải bằng tính nghiêm khắc, bạo lực, trừng phạt như ông Gioan đã nghĩ và đã giảng (3,12)[2].

Lời tuyên bố chúc phúc cho ai “không vấp ngã vì tôi” ở câu 11,6[3] là lời Đức Giêsu muốn cảnh báo rằng : câu trả lời của Người có thể làm cho ông Gioan thất vọng, bởi vì quan niệm của ông về Đấng Mêsia quá khác so với cách mà Người đang thực hiện là hình ảnh của Đấng Mêsia của Thiên Chúa.

c) Đức Giêsu khen ngợi ông Gioan (11,7-11)

Sau khi đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về sứ mạng Mêsia của mình, Đức Giêsu khen ngợi sứ vụ và thân thế của ông Gioan Tẩy giả (11,7-11). Người ca ngợi ông Gioan Tẩy giả về ba điều khi đề cập tới việc Người hỏi dân chúng là họ đi ‘xem gì trong hoang địa’ (khi ông Gioan xuất hiện).

(1) Thứ nhất, có phải họ đi xem một cây sậy phất phơ trước gió không ? (11,7). Câu này có thể hiểu theo hai ý: (a) Cây sậy phất phơ trước gió là cảnh người ta thường thấy ở dọc sông Giođan; (b) Cây sậy bị gió rung có thể chỉ về ‘một người yếu mềm’ không thể đứng vững trước những thử thách hiểm nguy. Dù dân chúng đổ xô vào hoang địa để xem gì đi nữa, chắc chắn họ cũng không đi tìm một người bình thường. Nói cách khác, sự kiện dân chúng đi xem trong hoang địa cho thấy Gioan là người hết sức khác thường. Thật ra, không ai lại vất vả đi xa vào tận hoang mạc để xem một người bình thường như mọi người mình gặp hàng ngày. Ông Gioan chắc chắn không phải là người bình thường cũng không phải là người hèn yếu như cây sậy bị xiêu đổ trước gió.

Thật ra, Đức Giêsu ca ngợi lối sống cương nghị, nhưng không kiêu căng hay tự phụ của ông Gioan. Dù sao, ông không hề chịu cúi gập người trước những bậc quyền quí như một cây sậy cong người trước gió (14,3-12).

(2) Thứ hai, có phải họ đi xem một người mặc gấm vóc lụa là chăng? (11,8). Một người như thế phải ở lầu son gác tía, trong cung điện nhà vua và chắc chắn ông Gioan không phải là một người như thế. Ông chỉ là sứ giả của Chúa chứ không phải là triều thần của nhà vua. Ông “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da” (3,4) theo kiểu y phục của Êlia (2 V 1,8).

(3) Thứ ba, có phải họ đi xem một vị ngôn sứ chăng? (11,9). Ngôn sứ là người mang sứ điệp của Chúa và can đảm nói ra sứ điệp ấy. Đức Giêsu còn khẳng định ông Gioan Tẩy giả còn hơn cả ngôn sứ nữa[4]. Vì tất cả những vị ngôn sứ đến trước ông đều thuộc về thời đại lời hứa. Các vị ấy chỉ loan báo từ xa biến cố Đấng Mêsia đến trong quyền lực và mang theo ân sủng (11,13). Vì là ngôn sứ của thời hoàn tất, ông Gioan được nên cao trọng hơn tất cả các vị đi trước. Ông là sứ giả đi ngay trước Đức Giêsu (Đức Chúa) và chuẩn bị trực tiếp (dọn đường) cho Người đến (11,10). Ông làm phép rửa cho Người và giới thiệu Người là Đấng Mêsia cho dân chúng.

Cần ghi nhận thêm : Ở Mt 11,11a, Đức Giêsu lý giải và quả quyết ông Gioan Tẩy giả cao trọng hơn mọi người, vì ông có sứ mạng loan báo Nước Trời đã đến gần (3,1-2). Thật vậy, so sánh với những người đã đến trước (các ngôn sứ), ông là người cao trọng nhất (11,11). Nhưng Đức Giêsu muốn đi xa hơn: vào Nước Trời còn quan trọng hơn, đến nỗi kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan, vì ông mới ở ngưỡng cửa Nước Trời. Nói cách khác, so sánh với những người đang thuộc về Đức Giêsu, đang là công dân của Nước Trời, thì ông là người nhỏ: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (11,11b).

Thật ra, ở đây phải hiểu rằng sự vĩ đại và nhỏ bé không liên hệ gì đến ơn cứu độ hoặc giá trị luân lý của con người, nhưng liên hệ đến thời gian và biến cố trong đó người ấy được tham dự vào. Nói cách khác, Đức Giêsu không có ý hạ giá ông Gioan mà chỉ so sánh giữa hai thời của một kế hoạch cứu độ. Từ ông Gioan Tẩy giả đến Đức Giêsu và các môn đệ có một khoảng cách. Bởi thế, kẻ nhỏ nhất trong triều đại Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông Gioan. Hiểu như vậy, chúng ta thấy Đức Giêsu có lý khi nói rằng các môn đệ có phúc hơn so với nhiều ngôn sứ và người công chính (13,16t).

 

II – SỐNG LỜI CHÚA

Chúng ta đang gần với lễ Giáng sinh. Theo truyền thống, Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Lời Chúa gợi lên cho chúng ta vài sứ điệp để chuẩn bị đón Chúa đến trong niềm vui.

1. Chúng ta mong đợi Đấng Cứu thế đang đến trong niềm vui và kiên nhẫn

Những lời ngôn sứ Isaia tiên báo (bài đọc I) sẽ được thực hiện nơi sứ mạng của Đấng Mêsia, Đấng đang đến để đem ơn cứu độ cho trần gian. Vì thế, vị ngôn sứ mời gọi dân chúng: Hãy vui lên, hãy can đảm lên và đừng sợ hãi – Này đây Thiên Chúa sẽ đến cứu thoát anh em (Is 35,1.4).

Dân chúng thời Đức Giêsu đã kiên trì chờ đợi và họ đã nhận biết Người là Đấng Cứu độ trần gian. Người đến để cho “người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Đây là tin vui cho những ai mong đợi Đấng Cứu thế.

Trong bối cảnh của Chúa Nhật III Mùa Vọng, chúng ta được thánh Phaolô khích lệ trong khi đón chờ Chúa đến: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em… Chúa đã đến gần” (Pl 4,4-5). Niềm vui có Chúa cần được chia sẻ với tha nhân.

Giả thiết trong khi mong chờ Chúa đến, chúng ta gặp thử thách và gian truân, chúng ta hãy sống theo lời khuyên của thánh Giacôbê trong bài đọc II: “Anh em hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5,8).

2. Chúng ta được mời gọi nhận ra dung mạo đích thật của Đấng Cứu thế

Qua câu trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu dạy chúng ta hình ảnh trung thực về Đấng Cứu thế.

Đấng Cứu thế không phải là một vị vua oai phong lẫm liệt, ngự trong một cung điện nguy nga và tráng lệ. Nhưng Người là một hài nhi nhỏ bé, yếu ớt, nằm trong máng cỏ. Đấng Cứu thế cũng không phải là một vị quan tòa nghiêm khắc, ngồi trên tòa ban ra những lệnh truyền xét xử. Nhưng Người là một vị lương y đầy lòng thương xót, nhân từ, yêu mến người nghèo khó, bần cùng, những người bị xã hội loại trừ, luôn kiên nhẫn và hết lòng tha thứ cho tội nhân.

Qua dung mạo của Đấng Cứu thế, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy noi gương Chúa sống kiên nhẫn, hiền hòa, khiêm tốn, không phô trương quyền lực và công đức của mình; hãy yêu thích và làm các việc nhỏ bé với tấm lòng đại lượng…; hãy gần gũi và chăm sóc những người đau khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi.

Như vậy, mỗi người được mời gọi vẽ nên dung mạo của Đấng Cứu thế qua đời sống đạo đức và thánh thiện của mình. Đó cũng là cách chúng ta dọn đường cho Chúa đến trong Mùa Vọng này.

Lạy Chúa, giữa bao nhiêu khó khăn và thử thách trong cuộc đời, xin cho con xác tín Chúa là nguồn vui đích thực của lòng con. Xin cho con biết nhận ra dung mạo của Chúa nơi anh chị em và xin cho con loại trừ khỏi lòng con tính ích kỷ, kiêu căng, giận hờn, ghen ghét… để xứng đáng đón Chúa đến. Amen.

Câu hỏi gợi ý suy niệm:

+ Tôi mong đợi Chúa đến với tinh thần nào? Vui tươi hay buồn tủi, kiên nhẫn hay nóng vội, thất vọng?

+ Tôi có là hình ảnh của Chúa trong đời sống hàng ngày qua cách sống khiêm tốn, hiền hòa, hy sinh, vui vẻ, gần gũi và cảm thông … để người khác nhận ra tôi là môn đệ của Chúa không?

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hào, PSS


[1] Cụm từ này dịch sát tiếng Hilạp ‘ho erkhomenos’ phải là ‘Đấng đang đến’. Trong bối cảnh của nó, câu này được hiểu là dân Do thái đang rất mong đợi Đấng Mêsia. Ông Gioan Tẩy giả ngay từ khởi đầu sứ vụ đã khẳng định : « Đấng đến sau tôi thì mạnh hơn tôi » (Mt 3,11) và ông tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng đang đến, là Đấng Mêsia mà dân Do thái đang nóng lòng mong đợi (Mc 11,9 ; Lc 13,35 ; 19,38 ; Hr 10,37).

[2] Điều mà dân chúng và cả ông Gioan Tẩy giả cũng không ngờ, đó là Đấng Cứu Thế lại thực hiện việc cứu độ bằng ân phúc và lòng từ bi thương xót, chứ không phải bằng bạo lực và hình phạt (Lc 4,17-21).

[3] Từ ‘skandalon’ (đt. ‘skandalizomai’) được dịch là ‘cớ vấp phạm’ (xì căng đan) là ‘cái bẫy đặt trên đường hay chướng ngại vật làm cho người ta ngã’ (Tv 124,7 ; Is 8,14-15) ; và theo nghĩa bóng là tất cả những gì làm cho người ta bị vấp phạm về mặt luân lý.

[4] Người Do thái vẫn tin rằng trước khi Đấng Mêsia đến, Êlia sẽ trở lại để loan báo việc Người đến. Cho đến ngày nay, khi cử hành Lễ Vượt Qua, người Do thái vẫn để dành một ghế trống cho Êlia: “Này Ta sẽ sai ngôn sứ Êlia đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Chúa sẽ đến” (Ml 4,5).

 

CÁC TIN KHÁC
Bài giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên-Giê-su : Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên-Giê-su : Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa Nhật XXXII Thường Niên-Giê-su : Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa nhật XXXII TN B Giêsu-Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa nhật XXXII TN B Giêsu-Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Bài giảng Chúa nhật XXXII TN B Giêsu-Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên-Yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10)
Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên-Yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10)
Bài giảng Chúa Nhật XXXI Thường Niên-Yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13, 10)
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên-Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự dữ cách triệt để và toàn diện
Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên-Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự dữ cách triệt để và toàn diện
Bài giảng Chúa Nhật XXX Thường Niên-Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự dữ cách triệt để và toàn diện
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Thập giá Đức Kitô : Hy tế tuyệt hảo tôn vinh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian
Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Thập giá Đức Kitô : Hy tế tuyệt hảo tôn vinh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian
Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường Niên-Thập giá Đức Kitô : Hy tế tuyệt hảo tôn vinh Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Chúa Giê-su, Đấng khôn ngoan Thiên Chúa ở giữa loài người
Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Chúa Giê-su, Đấng khôn ngoan Thiên Chúa ở giữa loài người
Bài giảng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-Chúa Giê-su, Đấng khôn ngoan Thiên Chúa ở giữa loài người
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên-Con người mới được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su, Adam mới.
Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên-Con người mới được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su, Adam mới.
Bài giảng Chúa Nhật XXVII Thường Niên-Con người mới được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giê-su, Adam mới.
Chi tiết >>
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai sống công chính được Người đón nhận
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai sống công chính được Người đón nhận
Bài giảng Chúa Nhật XXVI Thường Niên-Thiên Chúa không thiên tư tây vị, ai sống công chính được Người đón nhận
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2024 Ban Truyền thông Phát Diệm