LỄ THÁNH GIA (B)
Chủ đề :
Con cái là triều thiên của cha mẹ.
Kính thưa quý anh chị em,
Triều thiên là dấu chỉ của vinh dự và quyền lực. Tất cả đều ước mong được đội triều thiên. Khẳng định con cái là triều thiên của cha mẹ, có nghĩa là : các cặp vợ chồng đều mong ước có con.
Sinh con đáp ứng nhiều khát vọng, vừa thuộc bản năng, vừa mang đặc tính xã hội.
Nói thuộc bản năng, vì, nhờ con cái, cha mẹ kéo dài sự sống trong thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Nói rằng, mang chiều kích xã hội, vì, con cái sẽ phụng dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già : “Trẻ cậy cha, già cậy con” (ca dao).
Gia đình nhân loại cũng một niềm khát khao Đấng muôn dân mong đợi, Giê-su/Messia, Danh Ngài chính là Thiên Chúa cứu độ.
Bài đọc I, trích sách Đức Huấn Ca, đề cao chữ hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên. Những hành động hiếu thảo đứa con phải làm là lệnh truyền của Thiên Chúa. Khi người con sống hiếu thảo với cha mẹ, nó làm đẹp lòng Chúa, hành động đáng được chúc lành và được thưởng công : “Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được kho tàng và khi cầu nguyện sẽ được nhận lời” (Hc 3, 3).
Mô hình của sự hiếu thảo là Chúa Giê-su. Trong tư cách là “con” trong gia đình Thánh Gia, Giê-su luôn tỏ ra là người con ngoan. Phúc Âm ghi nhận : Ngài trở về Nazareth vâng phục hai ông bà và quyết tâm ép mình học cho được vâng phục theo ý Chúa muốn.
Câu chuyện dâng Chúa trong đền thờ mạc khải nhiều yếu tố tích cực của lịch sử cứu độ :
- Một là : Thiên Chúa làm người là chân lý đức tin, là có thật. Giê-su Kitô, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đến để hòa giải để ban ơn cứu độ. Đức Giê-su là con người thật : có một mái ấm gia đình, một nơi chốn cư ngụ, một luật lệ để tuân thủ...
- Hai là : Giê-su là triều thiên của gia đình Nazareth, gia đình nhân loại.
Tất cả vui mừng hân hoan việc Người sinh ra. Cụ già Simêon bộc lộ niềm vui được gặp Hài Nhi trong đền thờ. Cụ được lời Chúa hứa : sẽ không chết trước khi thấy Đấng Kitô của Thiên Chúa. Lời hứa cho Si-mê-on, cũng là lời hứa cho toàn dân : “hôm nay Đấng cứu thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Lc 2, 11). Như vậy, niềm vui của cụ, cũng là niềm vui của chúng ta và lời tạ ơn kia cũng là của mỗi người.
Như cụ Si-mê-on, chúng ta bồng Hài Nhi trên chính cánh tay mừng mà dâng lời chúc tụng : “Giờ đây, lạy Chúa, xin để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, như lời đã hứa, vì chính mắt tôi đã được nhìn xem ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Ánh sáng soi đường cho dân ngoại và là vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc , 29 – 32).
Giáo Hội dạy chúng ta mừng lễ thánh gia là để nêu gương về sự thánh thiện của gia đình đặc biệt : Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giuse. Gia đình thánh hệ tại ở tình liên đới hiệp thông, biết hy sinh cho nhau.
Thưa anh chị em,
Tình liên đới hiệp thông là nền tảng sự thánh thiện và ơn cứu độ. Nó không ban tặng cách ngẫu nhiên, cũng không thể kiến tạo nó bằng lý thuyết suông, nhưng bằng sự cố gắng bồi đắp liên lỉ, trên căn bản của sự lắng nghe, vâng phục thánh ý Chúa và quan tâm săn sóc nhau.
Phúc Âm ghi nhận : cha mẹ hài nhi Giê-su chu toàn mọi lề luật Chúa truyền, đủ ngày thanh tẩy theo luật Mô-se, các ngài đem con lên Jerusalem để hiến dâng cho Chúa và khi làm trọn mọi việc luật truyền, các ngài trở về Nazareth, Giê-su ở đó giãi dầu học vâng phục.
Thánh Phao-lô, trong bài đọc II, dạy cách sống tình liên đới hiệp thông là luôn ý thức mình là người được tuyển chọn của Chúa, nên hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau. Hãy lấy đức yêu thương làm nên tảng cho mọi lời nói, cử chỉ, việc làm. Đặc biệt phải lấy tình yêu thương mà sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tuân thủ những lời khuyên tông đồ, chúng ta mới có thể kiến tạo một gia đình ấm êm hạnh phúc.
Mừng lễ Thánh Gia hôm nay, chúng ta học nơi gia đình mẫu mực này hai điểm căn bản :
- Một là : luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa thể hiện qua bổn phận hàng ngày. Dầu ăn, dầu uống hay làm bất cứ việc gì, chúng ta làm vì Danh Chúa Kitô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Chính trong sự lắng nghe, thực thi ý Chúa, chúng ta nên giống Giê-su và cũng được kể như con yêu dấu của Người.
- Hai là : tình yêu tha thứ là nền tảng tình liên đới hiệp thông. Không có tha thứ thật lòng, thì không có tình yêu thật, cũng không thể có hiệp thông đích thực. Kết quả là chia rẽ, hận thù, ghen ghét, cuộc sống chung trở nên hỏa ngục, không được bình an, hạnh phúc và cũng chẳng có thiên đàng. Chỉ nhờ tình yêu tha thứ, chúng ta mới có thể kiến tạo gia đình theo khuôn mẫu gia đình Thánh Gia. Xứng đáng được Chúa chúc lành và ban ơn cứu độ. Amen.