Chúa Nhật 24 Thường Niên (A)
Chủ đề :
Hãy luôn tha thứ thì sẽ được thứ tha
Kính thưa quý anh chị em,
Sống với người xung quanh sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh do “bá nhân bá tính”. Sống chung không tránh khỏi va chạm, phiền hà, bực dọc, lỗi lầm.
Nguyên nhân không do một phía, mà cả hai, đôi bên đều phải thiện chí hành động, quảng đại bỏ qua sai phạm, hàn gắn tình hiệp thông, cùng nhau xây dựng lại mối tương quan tốt đẹp, bền vững, như thuở ban đầu.
Nói dễ, nhưng thực hành không dễ chút nào, vì con người nhiều tự ái, ích kỷ, còn thêm ngoại cảnh tác động, khiến việc tha thứ cho nhau trở nên phức tạp hơn.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay xoay quanh chủ đề tha thứ cho nhau.
Bài đọc 1, trích sách Đức Huấn Ca, dạy con người phải làm chủ hành vi của mình, canh chừng, để không chiều theo việc trả thù, báo oán, trái lại, phải luôn sẵn lòng bỏ qua điều sai trái, lỗi lầm kẻ khác gây nên.
Điểm nhấn trong hoạt động tha thứ là lấy Chúa làm trung tâm, vì lẽ, tất cả đều mắc nợ Chúa trong mọi sự, cần thường hằng cầu xin lòng thương xót và ơn tha thứ.
Sách thánh chỉ ra nhiều lợi ích tích cực trong việc bỏ qua lỗi lầm và tha thứ cho nhau, chẳng hạn : được Chúa tha tội và ban ơn chữa lành, được thanh thản, bình an từ giã cõi đời, được hưởng lòng thương xót trong ngày “chung thẩm”.
Ai yêu tha thứ, sẽ được quả phúc thứ tha, vì Thiên Chúa là tình yêu, thưởng phạt mỗi người xứng việc họ đã làm.
Chủ đích của bài sách thánh nhằm dạy dỗ dân sống lòng nhân hậu, biết xót thương, yêu tha thứ, chuẩn bị cho họ xứng đáng đón nhận Chúa Giê-su, dung mạo lòng thương xót Chúa Cha, Đấng giầu lòng xót thương và tha thứ.
Bài Phúc Âm vừa tuyên đọc xoay quanh câu hỏi “tha thứ” của thánh Phê-rô đặt ra cho Chúa Giê-su.
Phê-rô hỏi Chúa Giê-su : Nếu anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ? Chúa Giê-su trả lời : Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy (cf. Mt 18, 21 – 22).
Ở đây chúng ta thấy : Phê-rô, con người xác thịt, sự tha thứ cũng dừng lại ở một con số giới hạn. Điều đó phản ảnh thân phận con người yếu hèn, luôn bị dục vọng chi phối. Con người không thể vượt qua được giới hạn của mình, nếu không có ơn Chúa nâng đỡ.
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy một viễn tượng yêu thương mênh mông phổ quát. Chúa không dừng lại nơi số lần tha thứ có thể đếm, nhưng vượt lên bất tận như trời cao hơn đất thế nào, thì lòng thương xót, tha thứ của Chúa cũng siêu việt như vậy.
Đối với Giê-su, tha thứ hệ tại tình yêu. Chúa yêu thế gian đến độ và đến cùng, đã chấp nhận trở thành thân tội để chuộc sự hư mất của thế gian, đã phải chết để đổi lấy ơn giao hòa và sự sống muôn đời.
Thiên Chúa thật là ông chủ hào phóng, tha cho kẻ mắc nợ tất cả, vì đã có lời cầu xin van nài, lẽ ra khi được tha bổng tất cả, kẻ mắc nợ cũng phải rút ra bài học về lòng thương xót, mà đối xử với đồng loại như thế.
Bài Phúc Âm cho một cái kết mở : Cha trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho nhau (cf. Mt 18, 35).
Thưa anh chị em,
Để có thể tha thứ thật lòng, thánh Phao-lô mời gọi phải có đức tin mạnh, đặt Chúa làm trung tâm cuộc đời, như vậy, người tín hữu không còn sống cho chính mình, nhưng cho Đấng đã chết và sống lại vì họ.
Lấy Chúa làm trung tâm cuộc đời là một cảm nghiệm được yêu thương và tha thứ, đến lượt mình cũng phải có được tâm tư của Chúa.
Bản thân đã nhiều lần được tha thứ, thì cũng phải luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau và trên hết mọi sự hãy có đức yêu thương là mối dây ràng buộc, liên kết mọi điều toàn thiện.
Sống được như đòi hỏi của Tin Mừng, chúng ta mới xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ từ nơi Cha, tình yêu và sự sống mới trở nên viên mãn, đạt tới sự sống muôn đời.
Nghe lời giáo huấn của Chúa, mỗi người phải để tâm, ghi nhận, dốc quyết một điều cụ thể và cố gắng thực hành : sẵn lòng tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, bắt đầu từ trong gia đình. Biết nhẫn nại lắng nghe nhau, nhận ra khuyết điểm, thiếu xót lỗi lầm của nhau và chấp nhận sửa sai.
Cổ võ, thực hành sâu rộng “văn hóa cảm ơn và xin lỗi”, nhằm hình thành một nếp sống cảm thông, bén nhậy với trách nhiệm của mình. Có được như vậy, gia đình anh chị em mới đổi mới theo các giá trị Tin Mừng, cộng đoàn mới hiệp nhất yêu thương nhau, mới có khả năng làm chứng tình yêu tha thứ của Chúa cho con người hôm nay.
Xin Chúa nâng đỡ và chúc lành cho cộng đoàn chúng ta trong ngày chúa nhật hôm nay ! Amen.