Chúa Nhật XIV Thường Niên (B)
Chủ đề :
Giê-su, Ngôn Sứ đến từ Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng Chúa Cha.
Kính thưa quý anh chị em,
Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, giáo dân Phát Diệm phản biện một vấn đề liên đến tính chính thống của linh mục chính xứ : “Cha có bài sai, cha không có bài sai”.
Sự tình là vào thời đó, các linh mục khan hiếm, có một số linh mục được đức giám mục giáo phận bổ nhiệm làm cha sở và cũng có một số linh mục do ủy ban liên lạc công giáo điều về.
Từ đó, vấn đề : “Cha có bài sai, cha không có bài sai” trở thành đề tài thảo luận trong cộng đồng dân Chúa.
Ý kiến từ ủy ban liên lạc công giáo giải thích : “Cha nào cũng bảy chức thánh, đều có thẩm quyền coi sóc giáo xứ”.
Ý kiến từ phía giáo dân : “Cha về xứ phải có bài sai của đức cha, mới là chủ chăn thật, cũng như một cán bộ về làm công tác phong trào, phải được địa phương giới thiệu, bằng không họ chẳng biết vị đó là ai”.
Dân Chúa thật có lý khi đòi vị chủ chăn của mình phải có “bài sai”, để đảm bảo tính chính thống về cội nguồn sứ vụ được sai đi trong Hội Thánh : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con” (Jn 20, 21).
Thưa anh chị em,
Những phản biện “ở lại trong chân lý” của dân Chúa trong một giai đoạn lịch sử cụ thể giúp chúng ta suy gẫm thấu đáo hơn phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Ézékiel, giải thích sứ vụ của vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa. Thần khí nhập vào là cách diễn tả người được Chúa tuyển chọn, ở cùng và sai đi rao giảng cho dân ý muốn của Chúa.
Ézékiel được sai đến cùng dân trong tình trạng sa sút, tội lỗi, phản loạn, bỏ quên luật Chúa. Lời lẽ ngôn sứ thường rất mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng đàng sau những răn đe trừng phạt, chuyển tải chân lý cứu độ : “Tình yêu và sự sống”, lòng thương xót, nhân lành đến kinh ngạc Thiên Chúa dành cho dân, cho dẫu họ ngỗ nghịch, phản loạn : “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Xh 33, 11).
Lời ngôn sứ trong bài đọc I là sự trải lòng của Thiên Chúa đối với dân. Một sự trải lòng phải đánh đổi bằng chịu đựng, nhẫn nại và tha thứ. Một sự trải lòng phải chấp nhận hy sinh thập giá, mà tất cả ngôn sứ phải gánh chịu như hình ảnh tiền trưng của Đấng cứu thế, đến gánh lấy mọi tội lỗi trần gian treo trên cây thập tự, để nhờ sự chết của Người, muôn người được giải án tuyên công và được sống muôn đời.
Chúa Giê-su, trong bài Phúc Âm vừa tuyên đọc, đã làm sửng sốt người đương thời vì sự khôn ngoan, vì giáo lý cao siêu, và vì lời rao giảng đầy uy quyền Thiên Chúa.
Họ còn sửng sốt hơn nữa, khi Người tự nhận mình là ngôn sứ quyền năng, là Đấng Kitô Thiên Chúa, tước hiệu loan báo Đấng Messia và triều đại Nước Thiên Chúa đang ở giữa dân. Họ kinh ngạc và rốt cuộc khước từ, vì Giê-su không phải là Đấng Kitô theo cảm quan nhân loại. Người là trái vả không đúng mùa (cf. Mc 11, 12 – 14).
Bài Tin Mừng còn cho thấy sự khước từ của người đương thời leo thang theo cung bậc cảm xúc của họ, từ kinh ngạc đến vấp phạm, cuối cùng bứng Người khỏi đất kẻ sống, bằng hình thức đóng đinh vào thập giá.
Tuy nhiên khi thực hiện tội ác : giết người vô tội, giết Đấng khơi nguồn sự sống, họ đã thực hiện lời Kinh Thánh chỉ về Người và cuối cùng bày tỏ lòng tin qua đại diện của viên sỹ quan dân ngoại : “Thật ông này là con Thiên Chúa” (Mc 15, 39).
Rõ ràng, Giê-su, vị Ngôn sứ quyền năng phải đến trong thế gian, rao giảng Thiên Chúa tình yêu sự sống, không ngừng tận dụng mọi cơ hội, hoàn cảnh để diễn tả lòng thương xót Cha trên trời. Ngài là chính dung mạo lòng thương xót Chúa Cha, để khi chiêm ngắm Giê-su, con người gặp được Thiên Chúa : “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha” (Jn 14, 9).
Cuộc đời Giê-su được xem như dòng suối mát, như làn gió nhẹ, thấm dần vào cuộc đời người môn đệ, để rồi, cuối cùng họ có cùng một tâm tư, nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
Sự dịu dàng, hiền lành và khiêm nhường Giê-su tạo nên phong cách rao giảng đặc thù và hiệu quả. Ai muốn chinh phục tha nhân cũng phải học nơi Chúa phong cách sống đặc thù của Ngài.
Thánh Phao-lô, trong bài đọc II, tuyên bố tính chính danh được Chúa tuyển chọn làm tông đồ dân ngoại, đã nhận nơi Chúa những mạc khải phi thường, để loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Đối với Phao-lô, loan báo Tin Mừng, không phải đặc quyền, đặc lợi để vênh vang, kiêu căng tự đắc, nhưng là bổn phận phải thi hành : “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Co 9, 16).
Chúa không hề muốn người tông đồ vênh vang tự đắc, dùng Tin Mừng như một phương tiện củng cố địa vị cá nhân, nhưng muốn họ khiêm tốn cậy dựa vào Chúa trong mọi sự.
Cái dằm đâm vào da thịt Phao-lô, nhắc ngài luôn phải ý thức thân phận con người mỏng dòn yếu đuối.
Phao-lô thú nhận đã nhiều lần xin Chúa cất nỗi khổ cực đang phải gánh chịu, nhưng Chúa hứa ban ơn, để ngài vượt qua thử thách. Cái mà Phao-lô tự hào là sự yếu đuối bản thân, hòa nhập vào trong sự mạnh mẽ của Thiên Chúa, rốt cuộc, tất cả đều trở nên mạnh mẽ, hữu ích cho kẻ có lòng yêu mến Chúa.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta :
· Một là : mỗi kitô hữu, nhờ bí tích rửa tội, đều là thừa sai Tin Mừng. Đời sống của họ phải trở nên men, nên muối, nên ánh sáng cho trần gian. Khi chu toàn bổn phận trần thế theo sự hướng dẫn của Tin Mừng, họ làm chứng cho Chúa cách chính danh và hữu hiệu. Khi sống đời bác ái yêu thương, hiệp thông, liên đới, sẻ chia cách vô vị lợi, họ góp phần tích cực làm cho danh Cha vinh hiển, cho Nước Cha trị đến dưới đất cũng như trên trời.
· Hai là : chuyên chăm lắng nghe, thực hành Lời Chúa, cụ thể : nhẫn nại sống tinh thần dịu dàng, hiền lành, khiêm tốn, bền tâm vác thập giá bổn phận bước theo Chúa, là cách trắc nghiệm mình đang thuộc về và ở lại trong Chúa. Niềm vui, hạnh phúc sẽ tràn ngập cõi lòng và có khả năng lan tỏa Tin Mừng cho con người trong thế giới hôm nay.
Xin Chúa thương nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.