Chúa Nhật VI Thường Niên (B)
Chủ đề :
Giê-su : Đấng chữa lành mọi bệnh tật con người.
Kính thưa quý anh chị em,
Bệnh tật là một thảm họa đối với con người. Nó không chỉ phá hủy dần năng lực sống, mà tệ hơn, tù hãm hoặc dần tước đoạt tình liên đới hiệp thông đẩy con người vào tình trạng cô đơn, cô độc, chết dần chết mòn.
Bệnh tật giết chết con người, cả thể xác lẫn tinh thần. Vì lẽ đó, ai cũng sợ hãi và áp dụng mọi biện pháp phòng tránh.
Thời Chúa Giê-su, bệnh phong cùi là thảm họa, vì nó lây lan trong cộng đồng. Người mắc bệnh phải bị cách ly cho đến khi chứng minh là đã được chữa lành.
Covid-19 là thảm họa trên toàn thế giới. Tính nghiêm trọng của dịch bệnh còn hơn cả bệnh cùi. Bất cứ ai dương tính hoặc đến từ vùng dịch đều phải cách ly bắt buộc trong một khoảng thời gian ấn định. Virus phát tán vào không khí do hô hấp và lập tức lây sang người khác khi không tuân thủ khoảng cách an toàn.
Bệnh phong cùi thời Chúa Giê-su bị coi là nan y, nguy hiểm. Covid-19 bị xếp vào loại đặc biệt nguy hiểm, bởi sự lây lan khủng khiếp và giết chết bệnh nhân trong một thời gian ngắn.
Từ khi phát hiện nhiễm bệnh cho đến chết phải bị cách ly hoàn toàn. Chỉ nghĩ đến nó thôi cũng thấy rùng rợn.
Con người cũng bất lực trước dịch bệnh như bệnh phong cùi thời Chúa Giê-su !
Ai sẽ cứu chúng ta khỏi tình trạng bi thảm này ?
Thưa : tình liên đới hiệp thông trong Chúa Giê-su chữa lành tất cả, vì nó đặt nền tảng trên chính “tình yêu và sự sống”.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày thảm cảnh con người bị khuất phục bởi bệnh tật và ơn chữa lành trong Đức Kitô.
Bài đọc I, trích sách Lê-vi, xác định dấu hiệu bệnh phong cùi khi quan sát trên da thịt có những ung nhọt, dần lở loét thành vết thương không lành, thì đó là bệnh phong cùi.
Luật quy định cho người mắc bệnh phong : phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và luôn kêu lên : “Ô uế, ô uế”, người khác nghe biết tránh xa để để khỏi nhiễm uế.
Nặng nề hơn là phải ở riêng, cách ly khỏi sinh hoạt xã hội. Đó chính là sự nghiệt ngã đổ xuống nạn nhân. Lẽ ra người bệnh phải được quan tâm, nâng đỡ, săn sóc đặc biệt, để họ vơi đi nỗi đau bệnh tật. Sự kì thị này đẩy nạn nhân vào đau khổ, thất vọng gấp nhiều lần.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su đã đến đúng lúc. Chúa và người phong cùi gặp nhau. Cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử. Giê-su đã vượt lên trên những quy định khắt khe của luật. Người đến gần, chạm vào anh, khiến phong hủi biến mất, anh được sạch.
Ai có thể vui mừng hơn anh phong cùi được khỏi bệnh hôm nay.
Không thể cầm mình, anh đi trình diện với tư tế, chứng minh đã khỏi bệnh, rồi lớn tiếng rao truyền và tung tin mừng khắp nơi.
Anh phong cùi được sạch trở nên chứng nhân Tin Mừng. Anh đã góp phần thúc đẩy dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giê-su.
Thưa anh chị em,
Không chỉ anh phong cùi, mà tất cả cùng chung tình trạng, vì mọi người đều đã phạm tội và đã che khuất vinh quang Thiên Chúa, nên khi được thứ tha, mỗi người cũng cần có thái độ như người được khỏi bệnh hôm nay.
Thánh Phao-lô, trong bài đọc II, chỉ cách thức tông đồ rất đơn giản, nhưng hữu hiệu : “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31). Việc kế tiếp cần lưu tâm : “Đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là Do Thái hay dân ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 10, 32).
Lời dạy mang tính phổ quát đại đồng, nghĩa là : không loại trừ ai.
Phao-lô nêu gương cho chúng ta thực hành nếp sống văn hóa toàn thể, tích cực bồi đắp nền văn minh tình thương. Trong mọi hoàn cảnh, ngài cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống niềm hy vọng đức tin như người phong cùi đã dám chạy đến với Chúa và kêu cầu ơn chữa lành. Đức tin ấy có việc làm nên đã sẵn sàng trút mọi lo toan cho Chúa, vì tin rằng người mang lấy gánh nặng bệnh tật của anh.
Thật ơn chữa lành của Chúa, không đơn giản xẩy ra sau lệnh truyền của Giê-su, nhưng là sự nhận lấy, mang thay bệnh tật và sự yếu đau của chúng ta mà lôi kéo nó lên thập giá. Chúa Giê-su phải trả giá đắt để chuộc lấy sự hư mất của chúng ta.
Ơn chữa lành được thực hiện bằng một cuộc trao đổi kỳ diệu : Đấng vốn giầu có, chấp nhận trở nên nghèo hèn, để chúng ta, những kẻ vốn nghèo trở nên giầu có mọi sự. Đấng mang lấy bệnh tật, thương tích, tội lỗi của chúng ta, để chúng ta được ơn chữa lành và được thứ tha. Đấng hằng sống đã chấp nhận sự chết, để những kẻ phải chết được sống muôn đời.
Cảm tạ lòng Chúa xót thương, chúng ta cũng cần hành động như người phong cùi hôm nay : chỗi dậy, lớn tiếng loan truyền cho mọi người, Thiên Chúa đã yêu thương và đã làm điều kỳ diệu cho chúng ta. Hành động tạ ơn đó rất đẹp lòng Chúa.
Nguyện xin bình an của Chúa ở cùng chúng ta luôn mãi. Amen.