Chúa Nhật IV Thường Niên (B)
Chủ đề :
Giê-su, ngôn sứ quyền năng, Đấng muôn dân mong đợi
Kính thưa quý anh chị em,
Trong một cuộc hội thảo về chủ đề : “Ai là người quyền lực nhất”. Trong số nhiều ý kiến tham luận, một tham dự viên có câu trả lời ấn tượng và rất thuyết phục. Người đó khẳng định : “mẹ mình là người quyền lực nhất”, vì mẹ ban cho mình sự sống, được hiện diện giữa thế gian.
Suy cho cùng thì quyền lực chỉ có ý nghĩa khi nó ảnh hưởng trực tiếp vào cuộc đời tôi cách mạnh mẽ và hiệu quả. Hiểu như thế thì điều chia sẻ của tham dự viên kia là rất thuyết phục và đồng thuận cao.
Tuy nhiên, cha mẹ, dù rất quyền lực đối với sự sống, cũng chỉ là người cộng tác trong việc sinh thành, Chúa mới là cội nguồn sự sống thật. Người đến, để tôi được sống và sống dồi dào.
Tuyên xưng Chúa là đấng quyền năng, đồng nghĩa tuyên xưng Người là đấng cầm quyền sinh tử. Chúng ta có lý đặt trọn niềm hy vọng, mong chờ nơi Chúa.
Bài đọc 1, trích sách Đệ Nhị Luật, ghi lại những tâm tình của Mô-sê, có giá trị như một bản di chúc.
Mô-sê được nhìn nhận là người chuyển cầu, là trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Bao nhiêu lần dân phản bội Chúa, là bấy nhiêu lần ông khẩn nài Chúa thương xót và tha thứ. Sách thánh ghi nhận ông đã làm cho Chúa nguôi giận và tha thứ không trừng phạt dân nữa.
Vậy nên, họ mong mỏi cứ luôn có một người như thế ở giữa cộng đoàn.
Điều họ xin đẹp lòng Chúa, Người ban cho họ Đức Kitô, quyền năng hơn cả Mô-sê bội phần, cả về danh xưng, cả về địa vị : Giê-su nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Còn về địa vị, thì Ngài từ Thiên Chúa mà đến : Thiên Chúa thật và người thật. Mô-sê chỉ là hình bóng của Đấng phải đến trong thế gian : Dưới gầm trời này, không một danh nào được ban tặng cho loài người, để nhờ danh ấy mà được cứu độ, ngoài danh Con Một Thiên Chúa, Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta (cf. Cv 4, 12).
Bài Phúc Âm ghi lại lời giảng dạy của Chúa Giê-su trong hội đường Ca-phác-na-um. Chúa giảng dạy như Đấng có uy quyền.
Giê-su đóng ấn cho uy quyền giảng dạy bằng việc xua trừ ma quỷ : bắt chúng câm miệng, xuất ra khỏi người này...
Quyền năng chữa lành, vãn hồi trật tự theo loại của nó thuộc về Thiên Chúa. Giê-su được mạc khải trong đoạn Tin Mừng như Đấng sáng tạo mới. Đây hẳn là niềm tin của cộng đoàn hậu phục sinh, vì chỉ khi phục sinh vinh hiển, ngự trị bên hữu Cha, Giê-su mới hành xử theo cách thức Thiên Chúa.
Vậy chủ đích của Marco là gì ? Ngài muốn làm chứng rằng : Giê-su Thiên Chúa đến để phục vụ sự sống trần gian.
Vì là Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người, nên không một thế lực nào có thể cản trở sứ vụ cao cả đó, ngay cả đó là ngày Sa-bát nghiêm cấm làm việc xác, Giê-su vẫn thực hiện việc cứu sống và xác định rõ : ngày Sabat được đặt ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabat, cho nên Con Người làm chủ cả ngày Sabat (cf. Mc 2, 27 – 28).
Qua bài Tin Mừng, thánh Marco muốn cộng đoàn mạnh mẽ tuyên xưng Giê-su là Thiên Chúa cứu độ và bền chí ở lại trong sự hiệp thông với Chúa, để xứng đáng đón nhận sự sống muôn đời.
Thánh Phao-lô, trong bài đọc 2, mời gọi mỗi người chu toàn bổn phận thuộc đấng bậc mình là dấu chỉ sự hiệp thông, ở lại trong tình yêu Chúa : mỗi người nhận ơn Chúa ban, thì hãy cố gắng làm cho ơn đó trổ sinh hoa trái, đó là cách thờ phượng đích thực, đẹp lòng Thiên Chúa.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta :
- Một là thành tâm lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đó là cách dạy khôn người công chính. Lời Chúa, vừa có sức mạnh giải phóng chúng ta khỏi tính hư nết xấu, vừa củng cố lòng tin cậy mến thêm vững mạnh đạt tầm vóc thành toàn trong Đức Kitô. Bao nhiêu con người được ơn biến đổi, nên thánh thiện, chỉ nhờ một câu Lời Chúa tác động mạnh trong tâm hồn…
Phần tôi, câu Lời Chúa nào, đánh động tôi nhất, giúp tôi hoán cải, canh tân, tạo chuyển biến trong tâm hồn…, được như vậy, Lời Chúa mới trổ sinh hoa trái cứu độ cho tôi.
- Hai là cầu xin ơn đức tin vững vàng, nhất là trong nghịch cảnh, thử thách, tai nạn, đau ốm, bệnh tật… Chúa là chốn cậy trông duy nhất. Hãy khẩn cầu lòng thương xót Chúa, Người sẽ ban những hồng ân hơn lòng bạn ước mong.
Đừng bao giờ chạy theo, khấn vái, cầu xin thứ thần chẳng cứu nổi ai, rốt cuộc tình trạng lại càng tệ hơn, nhất là giảm thiểu lòng tin cậy nơi Chúa.
Lạy Chúa xin thương xót và chữa lành con ! Amen.