8h:12 (GMT+7) - Chủ nhật, 6/10/2024 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Trải nghiệm Phục sinh với bệnh nhân AIDS và tù nhân của một linh mục tuyên uý nhà tù

22h:52 (GMT+7) - Thứ năm, 14/03/2024

TRẢI NGHIỆM PHỤC SINH VỚI BỆNH NHÂN AIDS VÀ TÙ NHÂN CỦA MỘT LINH MỤC TUYÊN UÝ NHÀ TÙ

Vatican News

Vatican News (14.03.2024) – Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh đã có một cuộc trò chuyện với cha Angelo Vitali, năm nay 75 tuổi, từ mấy chục năm qua phục vụ các bệnh nhân AIDS ở trung tâm Villa Glori và sau đó là các tù nhân ở Roma. Cha chia sẻ chính những người mà cha phục vụ đã góp phần xây dựng nơi cha một đức tin sống động và cụ thể về niềm hy vọng phục sinh, trong lúc phải đối diện thường xuyên với cái chết.

Thưa cha Angelo, cha đã biết rõ tình trạng đau khổ và cái chết trong thời gian phục vụ ở trung tâm Villa Glori. Cha nhớ điều gì rõ nhất trong những năm dấn thân này?

Vào thời điểm tôi đến trung tâm, ngày 08/12/1988, tất cả chúng tôi đều sợ HIV, đến nỗi tôi mất hết bạn bè. Không ai muốn gặp tôi nữa, vì sợ nhiễm bệnh. Tôi nhớ rất rõ vào một buổi chiều tối, 9 thanh niên đến hỏi tôi: “Xin cha nói về cái chết. Tối nay xin cha ở với chúng con và nói cho chúng con về cái chết, cụ thể sau cái chết có điều gì? Có sự sống đời đời không? Có thế giới bên kia không? Tại sao Chúa lại đặt chúng con trong hoàn cảnh này? Và làm cách nào chúng con có thể cảm nghiệm lòng thương xót Chúa?” Tôi cảm thấy khó trả lời những câu hỏi này. Một chiều kích thiêng liêng đã xuất hiện và, đối với một số người, đã dẫn họ đến một hành trình hoán cải thực sự. Đêm đó tôi đã ở với họ và nói với những người trẻ rằng: “Giống như các bạn tôi cũng sợ, và để nói với các bạn một điều gì đó chắc chắn, đó là tôi cũng sẽ chết. Một giả thiết có thể là bên kia cuộc sống này, cũng sẽ có một ý nghĩa cho sự khởi đầu. Giáo lý nói về sự chết, phán xét, hoả ngục và thiên đàng. Cá nhân tôi tin rằng sẽ có một sự phán xét của người cha chào đón những người con. Chúng ta hãy lao mình vào thiên đàng.

Khó khăn mà cha gặp phải khi trả lời câu hỏi này có phải cũng là khó khăn của Giáo hội không?

Vâng có thể như vậy. Tôi luôn nói với những người trẻ này rằng có ba điều cần nhớ: Chúa Giêsu Kitô, đã chết và đã sống lại. Những gì còn lại không liên quan. Nếu không đúng, tất cả chúng ta đang lãng phí thời gian. Lúc đó tôi đã nói rất chân thành rằng nếu một người yêu mến Chúa Giêsu Kitô, có thể không cần làm nhiều thứ. Tôi cũng nói đùa rằng: “Nếu các sứ vụ của các bạn là làm cho tôi trung thành với ơn gọi linh mục, thì khi lìa cõi đời này các bạn sẽ đi thẳng lên thiên đàng”. Trung tâm của tất cả là yêu mến Chúa Kitô.

Các chàng trai được đón tiếp vào trung tâm, lần lượt đều chết. Nhiều người trong số đó cha đã đồng hành trong những giây phút cuối, nắm lấy tay họ. Cha có thấy trong mắt họ dấu hiệu niềm hy vọng của một cuộc sống tiếp tục không?

Vâng, tôi thấy tất cả đều có dấu hiệu này. Một lần, ngay trước khi chết, một người Hồi giáo Ả Rập hỏi tôi rằng có một chỗ dành cho anh trên thiên đàng “của chúng ta” không. Là tín đồ Hồi giáo nhưng người này từng thường xuyên đến tham dự Thánh lễ và được thu hút bởi phụng vụ và đặt cho tôi nhiều câu hỏi. Tôi cũng nhớ rõ có một người khác, khi sắp chết đã nói với tôi rằng chính anh đã chọn trở thành người nghiện, và nếu có Chúa, Người chấp nhận anh như thế. Người này không bao giờ tham dự Thánh lễ nhưng rồi đã nói với tôi rằng từ trong phòng, anh đã nghe được bài giảng của tôi và ghi nhớ một số câu trong lòng. Tôi đã sống trong một thảo nguyên của những người đầy cảm xúc đẹp. Những người này cần thời gian ở với họ, nói chuyện, dùng bữa, suy tư suốt đêm với họ. Tôi chưa bao giờ có những buổi trò chuyện sâu sắc như với những người này. Thời gian đầu, suốt ngày tôi ở trong nhà, bởi vì nhân viên không muốn tôi bị lây. Các bạn trẻ thực sự là những vị thánh, biết chịu đựng đau khổ thể xác, không phàn nàn bất cứ điều gì, dù có lúc bị ba bốn khối u ảnh hưởng cùng một lúc. Họ là những người trẻ đã mang lại cho tôi niềm khao khát trở thành linh mục, ngay cả khi tôi chưa bao giờ rơi vào khủng hoảng. Khi tôi bắt đầu ở Villa Glori, tôi khoảng 40 tuổi và họ trẻ hơn tôi một chút. Chúng tôi đã thiết lập một tình bạn thực sự. Tất cả họ đều đã chết. Hai năm đầu, mỗi tháng tôi cử hành Thánh lễ an táng cho từ 10 đến 12 người.

Chính vì điều này cha đã được biết đến vì đã cử hành hơn 1.000 Thánh lễ an táng. Trong những Thánh lễ này cha có nói về sự phục sinh không?

Chắc chắn là có. Kerygma, lời loan báo nền tảng về Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại, lần đầu tiên tôi đã được nghe nói rõ ràng điều này khi lắng nghe các bài giáo lý của Con Đường Tân Dự Tòng. Lúc đó là một linh mục trẻ, tôi đã nghe một giáo lý viên nói với tôi: “Cha biết Thiên Chúa yêu thương cha như cha là”. Trong nhiều năm ở chủng viện, chưa bao giờ có ai nói với tôi câu này. Hơn nữa, tôi còn rời chủng viện bốn năm, thời gian tôi làm việc trong một nhà máy. Tôi bị cho là chơi bóng và nói quá nhiều về thần tượng Gianni Rivera. Điều tích cực duy nhất họ tìm thấy nơi tôi là sự “năng động”. Vì vậy, câu nói của giáo lý viên đã vang vọng trong tôi như một tin tốt đẹp. Đó cũng chính là điều tôi đã nói với các bạn trẻ ở Villa Glori: “Các bạn hãy là chính mình. Thật không may, trong cuộc sống có những thái độ đã đưa các bạn đến đây”. Tôi cũng đã cử hành Thánh lễ an táng cho khoảng 100 trẻ em từ sáu tháng đến một tuổi rưỡi mà tôi vẫn chưa “hiểu” được. Nhiều lần tôi đã hỏi Chúa Cha Hằng Hữu rằng những sinh linh tội nghiệp đó có liên quan gì đến chuyện này.

Và cha đã tìm được câu trả lời chưa?

Chưa. Theo tôi, các em này là một trong số những vị tử đạo vô tội. Tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tôi đến gần các bạn trẻ, tôi không lấy đi những câu hỏi mà họ đưa ra, nhưng tôi còn thêm vào những câu hỏi khác. Tôi không phải là “hiện tượng”, tôi là một người rất bình thường, nhưng cùng với những bạn trẻ của trung tâm, chúng tôi đã làm được những điều tuyệt vời. Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi thiên đàng vì điều này. Trong số rất nhiều “điều điên rồ” mà chúng tôi đã làm cùng nhau, có việc đã đưa họ đi nghỉ, trong 8 năm, ở thị trấn của tôi ở tỉnh Bergamo. Trong một tháng, chúng tôi đã được khoảng 60 gia đình đón tiếp. Chúng ta đừng đi tìm những dấu hiệu phục sinh mà không biết ở đâu: những người này cũng vậy. Không phải ai cũng mời tôi đi ăn trưa và ăn tối, vì nhiều người nói họ không thích, sợ bị lây bệnh từ tôi và các bạn trẻ. Nhưng đã có phản ứng tích cực từ người dân địa phương. Dù sao trong những năm đó, họ đã mất đi nhiều thanh niên vì nhiễm HIV. Tại thị trấn, họ chào đón những người trẻ đến từ Villa Glori, và khi trở về Roma những người trẻ đã có sức khỏe và tinh thần tốt hơn, như bác sĩ tại bệnh viện bệnh truyền nhiễm ở Roma, nơi họ đang được điều trị, luôn xác nhận với tôi. Trong những ngày nghỉ lễ, cả khu vực tập hợp xung quanh họ, đón họ về nhà, dùng chung phòng tắm và bữa ăn.

Có phải sự phục sinh đã mang lại cho họ chút tình thương mà họ chưa có?

Đúng thế, đó là một mẫu số chung. Nhưng chúng ta đang nói về những người trẻ, do nghiện ma túy, đã làm cha mẹ đau khổ và phá hủy cả gia đình. Tôi nhận được điện thoại từ các cha mẹ và họ yêu cầu chỉ liên lạc họ khi các bạn trẻ qua đời. Tuy nhiên, tôi cho rằng Giáo hội khó có thể công bố sự phục sinh bởi vì đó là một Giáo hội không còn mỉm cười, buồn bã. Chúng ta những linh mục nản chí, buồn bã, vì có lẽ chúng ta chưa cảm nghiệm được Chúa Giêsu Kitô. Nhưng tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp. Với những người trẻ ở Villa Glori, cuộc sống thật tuyệt vời.

Những người trẻ này đã dạy cha điều gì về sự sống lại?

Họ dạy tôi yêu mến cuộc sống của mình và sống nó với lòng nhiệt tình, để mang lại ý nghĩa cho mọi sự. Tất nhiên, cũng có những giây phút đau khổ, tôi không phủ nhận có những giây phút đen tối. Nhưng cuộc sống rất đẹp. Họ dạy tôi trong cuộc sống phải luôn “chuyền bóng”, theo ngôn ngữ bóng đá.

Năm 2007, cha kết thúc công việc tại trung tâm Villa Glori. Sau đó cha đã làm gì?

Hiện nay tôi làm việc trong một giáo xứ, tôi giúp đỡ một số bệnh nhân và tôi làm tình nguyện viên trong tù. Trong nhiều năm, tôi đã gặp những câu chuyện khác nhau. Có những người tự nhận mình là hiện thân của điều xấu, có những người không còn nhớ mình đã giết hay sai đi giết bao nhiêu người. Một ngày nọ, một tù nhân yêu cầu tôi không bao giờ bỏ cử hành Thánh lễ. Người này nói: “Chúng ta cần một Thiên Chúa chỉ ra điều sai của chúng ta nhưng yêu thương chúng ta, cần một liệu pháp mạnh giúp tái cân bằng cuộc sống chúng ta. Chúng ta khao khát một tình yêu vô biên không bao giờ chối bỏ, luôn sẵn sàng bắt đầu lại, vì liên tục khởi động lại đó là cuộc sống mà chúng ta được tạo nên”. Tôi luôn nói với mỗi người rằng lòng thương xót của Thiên Chúa giống như một cục tẩy lớn, nhưng chúng ta thường bị cản trở bởi sự công bằng của con người, điều mà đôi khi thật bất công. Nếu phạm lỗi, tất nhiên bạn phải trả giá, nhưng nếu bạn ăn năn, trước mặt Chúa, bạn là một vị thánh. Tôi không biết liệu tôi có công bố sự sống lại theo cách này hay không, nhưng tôi nói một cách chân thành. Vì vậy, ngày đầu tiên đến nhà tù, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ học lớp một và tôi ở đó không phải để dạy họ bất cứ điều gì mà chỉ để dành một tiếng rưỡi với họ. Với Covid, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi trở lại nhà tù. Tôi không biết cuộc đời mình có phải là gieo hạt giống phục sinh hay không, nhưng tôi tin như vậy. Tôi hạnh phúc được làm linh mục và nếu được sinh ra lần nữa, tôi sẽ lại làm linh mục. Tôi thường thưa với Chúa rằng khi tôi chết, tôi muốn chết như một trong những bạn trẻ ở trung tâm Villa Glori.

Cha đã sống bên cái chết nhiều năm như vậy, cha tưởng tượng khi đến lượt mình sẽ như thế nào?

Tôi thường tự hỏi đêm đầu tiên tôi chết sẽ như thế nào. Tôi không biết tại sao điều này lại hiện lên trong đầu tôi vào buổi tối. Tôi vẫn sợ, bất chấp mọi thứ. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của các Giáo phụ nói rằng cuộc sống của chúng ta là một đoán trước mờ nhạt về đời sống vĩnh cửu. Tôi đã có một cuộc đời rực rỡ và tươi đẹp: nếu đây chỉ là một sự mong đợi mờ nhạt, tôi không biết nó sẽ như thế nào. Theo tôi, đây sẽ là một mạc khải không thể tin được, chưa từng nghe thấy.

Nguồn: vaticannews.va/vi

CÁC TIN KHÁC
Bài cảm nhận về ngày di dân Phát Diệm: người tôi quen hay người quen tôi?
Bài cảm nhận về ngày di dân Phát Diệm: người tôi quen hay người quen tôi?
Bài cảm nhận về ngày di dân Phát Diệm: người tôi quen hay người quen tôi?
Chi tiết >>
‘Tôi rất hạnh phúc’: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của ĐGH Phanxicô
‘Tôi rất hạnh phúc’: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của ĐGH Phanxicô
‘Tôi rất hạnh phúc’: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của ĐGH Phanxicô
Chi tiết >>
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
Chi tiết >>
Tia sáng cuối cùng trong cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte
Tia sáng cuối cùng trong cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte
Tia sáng cuối cùng trong cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte
Chi tiết >>
Thư ĐTC Phanxicô gửi các cha xứ
Thư ĐTC Phanxicô gửi các cha xứ
THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC CHA XỨ avatar Bản dịch của Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chi tiết >>
Tammy Peterson chia sẻ về ơn chữa lành bệnh ung thư và lý do chuyển sang đạo Công giáo
Tammy Peterson chia sẻ về ơn chữa lành bệnh ung thư và lý do chuyển sang đạo Công giáo
Tammy Peterson chia sẻ về ơn chữa lành bệnh ung thư và gia nhập đạo Công giáo
Chi tiết >>
Làm thế nào để nhận ra một người phụ nữ Công giáo?
Làm thế nào để nhận ra một người phụ nữ Công giáo?
Làm thế nào để nhận ra một người phụ nữ Công giáo?
Chi tiết >>
Ngày nhà giáo: Tản mạn tình thầy trò giữa hai vị thánh tử đạo
Ngày nhà giáo: Tản mạn tình thầy trò giữa hai vị thánh tử đạo
Tản mạn tình thầy trò giữa hai vị thánh tử đạo
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm