21h:13 (GMT+7) - Chủ nhật, 3/11/2024 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

[Giới thiệu sách] Đi tu có gì vui không? Nhiều tác giả - Giuse Vũ Đức Trung. CSsR chủ biên - Đình Chẩn giới thiệu

9h:48 (GMT+7) - Thứ năm, 29/09/2022

BÍ MẬT ĐỜI TU

(Lời giới thiệu tác phẩm: Đi tu có gì vui không?)

Khi đang hoàn tất bản thảo Thần Khúc -Thiên Đàng của đại thi hào Dante Alighieri (1265-1321), tôi nhận được bản thảo "Đi tu có gì vui không?" do thầy Giuse Vũ Đức Trung, CSsR, chủ biên. Bất chợt, tôi linh cảm có điều gì đó rất gần gũi giữa một bên là chân dung các vị thánh nổi tiếng mà thi hào nước Ý đã kể lại cách đây 7 thế kỷ như thánh Biển Đức, thánh Phanxicô hay thánh Đa Minh… và một bên là hình ảnh 35+1 tu sĩ trẻ, gương mặt thanh tú, với những câu chuyện ‘bí mật’ đời tu do chính họ ‘bật mí’ trong tuyển tập này.

Các vị thánh trong Thần Khúc xuất hiện như những vầng hào quang vô hình, được xếp thành ba nhóm bộ ba với những bậc đa dạng khác nhau trên chín tầng trời. Nhóm thứ nhất: các linh hồn không hoàn thiện lời khấn do bị ép buộc, các vị hoạt động theo đuổi vinh quang trần gian và các linh hồn bác ái. Nhóm thứ hai: các vị khôn ngoan, các vị chiến đấu bảo vệ Đức tin và các linh hồn công chính. Nhóm thứ ba: các vị sống chiêm niệm ở tầng trời cao hơn. Trong thiên cầu tiếp theo, Dante tham dự vào cuộc khải hoàn của Chúa Kitô, Đức Maria và các thánh, rồi cảnh xuất thần chiêm ngưỡng chín phẩm thiên thần xoay quanh một điểm cực sáng là chính Thiên Chúa.

Người viết không có ý nói đây là kiệt tác văn chương, cũng không so sánh những con người còn nhiều mỏng giòn yếu đuối trong Giáo hội lữ hành với các bậc thánh nhân đã khải hoàn trên Thiên Quốc. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rất rõ các vị thánh trên Thiên Đàng không xa lạ với họ. Thậm chí, các Ngài còn là những tổ phụ sáng lập các dòng tu, những người cha đã sinh ra họ trong ơn gọi. Nói như thánh Phaolô họ là: “người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (x. Ep 2,19-20). Đây, hai đan sĩ thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia, tại Đan viện Phước Sơn và Đan viện Châu Sơn Đơn Dương bước theo linh đạo thánh Biển Đức; kia, hai thầy Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin (OFMCap), Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu (OFM Conv) bước theo linh đạo Phanxicô; rồi đây các chị em liên hiệp Dòng nữ Đa Minh, (OP), Bùi Chu, Bắc Ninh, Tam Hiệp, Gò Vấp bước theo linh đạo thánh Đa Minh; rồi đây các nữ tu Dòng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (R.A.) Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA) Dòng Nữ Tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Thành Castres (CIC), Dòng Mân Côi Bùi Chu (FMSR) Dòng Đức Bà Truyền Giáo (Rndm); rồi nào là các tu sĩ Dòng Salêdiêng Don Bosco (SDB), bước theo chân vị thánh cùng tên chăm lo giới trẻ; nào tu sĩ, linh mục Dòng Ngôi Lời (SVD) theo tầm nhìn của cha thánh Arnold Janssen quy về Ngôi Lời-truyền giáo; nào Dòng Chúa Cứu Thế (CSsR) bước theo linh đạo thánh Anphongsô chuyên phục vụ người nghèo; nào các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, nhánh Quy Nhơn, nhánh Phát Diệm, nhánh Vinh…bước theo linh đạo Mến Thánh Giá, do Đức Cha Lambert De La Motte sáng lập; rồi đây Dòng nữ Tu Thánh Gia, Dòng Nữ Tu Nazareth (CSN), Dòng Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu (MCJ), Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương mà tôi chưa từng biết; rồi đây Dòng Thừa Sai Thánh Tâm (MSC) Dòng Thừa Sai Thánh Tâm Comboni (MCCJ); và rồi có 3 thầy đại chủng sinh từ Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, theo ơn gọi linh mục triều…vv.

Tuy họ không phải là các nhà văn, nhưng tôi cảm nhận từng câu chuyện họ tự thuật rất tự nhiên, thanh thoát và lôi cuốn. Tuyển tập được xếp thành bốn phần: 1) Lắng nghe tiếng gọi (11 bài +1); 2) Vượt qua gian nan (7 bài); 3) Vững bước theo Thầy (9 bài); 4) Ra đi muôn nơi (8 bài). Tôi trộm liên tưởng đến một hành trình ơn gọi gồm 4 giai đoạn: 1) Giai đoạn tìm hiểu: Nhóm 12 lắng nghe tiếng gọi; 2) giai đoạn huấn luyện, thực hành 7 nhân đức, thanh luyện “thất tình”; 3) giai đoạn khấn trọn “tu đắc đạo” nên một với Đức Kitô, hướng lên 9 tầng trời; 4) Giai đoạn tiếp nối sứ mạng của Thầy chí thánh, “đi ra vùng ngoại biên” với hành trang 8 Mối Phúc thật. Trên thực tế, các tác giả không có ý viết cho từng phần nào và từng câu chuyện ít nhiều đều đã thể hiện 4 bước này. Một số tác giả có thể phát triển thành những tác phẩm tự thuật kiểu như Chuyện Một Tâm Hồn của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Câu chuyện mở đầu (Phần 1) làm tôi nhớ tới một lần xưa thánh Phêrô từng thay mặt Nhóm 12 hỏi Chúa Giêsu: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (x. Mt 19, 27-29). Chúa đã trả lời cho Phêrô là sẽ được gấp trăm cùng với những sự ngược đãi và nước Trời làm gia nghiệp (x. Mc 10,17-30). Nay, một nữ tu mang tên ‘một loài chim bay theo dòng hướng lên Trời’ cũng đặt câu hỏi tương tự: Đi tu được hay mất?” (01). Sau kinh nghiệm đau thương mất người thân, chị vẫn quả quyết: “Đi theo Chúa, tôi thấy mình chẳng mất gì cả. Tôi không mất gia đình mà ngược lại tôi có một gia đình rộng lớn hơn đó chính là Hội dòng".

Tiếp theo, "Bạn ơi! Lên tàu đi! Mình cùng theo Giêsu nào!" (02) là tâm tình đơn sơ, hồ hởi của một linh mục với linh đạo phục vụ người nghèo. Tôi mường tượng như khung cảnh sau khi được Philípphê giới thiệu Chúa Giêsu cho mình, Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê liền trả lời: “Cứ đến mà xem!” (Ga 45-46). Đời tu có gì vui không? Cứ lên tàu mà đi, cứ đọc mà xem. Rồi bạn sẽ thấy Chúa Giêsu biến đổi cuộc đời nữ tu tiếp theo mang tên ‘mặt trăng’ như thế nào. Dù nàng có tất cả, tiền bạc, công việc ổn định, có cả người yêu nhưng chợt một hôm nàng tuyên bố: "Anh sẽ là người bạn trai cuối cùng của em!" (03). Bạn trai nghe tưởng bở ‘đôi ta gắn bó thuỷ chung’ ai ngờ chia ly "Bởi vì em sẽ đi tu, em muốn trở thành sơ!" Trải qua thử thách nơi đất khách quê người với cả những giọt nước mắtnhưng lạ thay nàng chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình!

Quả thực, Thiên Chúa luôn làm cho người ta ngạc nhiên như trong tâm sự: "Tôi là của riêng Ngài" (04). Tưởng chừng một nữ tu xuất thân từ gia đình đạo gốc, có ai ngờ thiếu nữ mang tên dòng sông này sinh ra và lớn lên ở một vùng xa lạ với nhà thờ. Nhờ ơn trên, sơn nữ ấy đã được lãnh bí tích Rửa Tội và đi tu theo ơn gọi Mến Thánh Giá. Ngày 04.06 vừa qua, tôi may mắn được tham dự thánh lễ tuyên khấn trọn đời của nữ tu này, thật ấn tượng khi được chứng kiến 50 thân nhân - Lương dân của nữ tu, quê ở Vĩnh Phúc dự lễ. Đó chính là “vĩnh phúc” quá bất ngờ mà không bao giờ người nữ tu dám nghĩ tới: "Tôi chắc chắn tôi biết là Ngài có thật. Ngài yêu tôi và tôi cũng khao khát yêu Ngài. Tôi hạnh phúc vì được theo Chúa."

"Từ bao giờ, Ngài gọi con?" (05) lại là câu hỏi vang lên từ xứ đạo in đậm dấu chân những nữ tu Mến Thánh Giá khác trong suốt hơn 300 năm lịch sử. Tiếng gọi diệu huyền có từ muôn đời và từ trong kỷ niệm ấu thơ: "Nếu Chúa cho ba con khỏi bệnh, nếu ba không chết thì con sẽ đi tu.” Trải qua bao thăng trầm trên đường theo Chúa, ngày thôn nữ ‘cưới’ Đức Vua Trời, trong cảnh âm thầm mùa đại dịch Covid-19, tưởng chừng gia đình không ai có thể tham dự. Bất ngờ, Chúa cho cả song thân hiện diện, một dấu chỉ tình Chúa yêu thương thật diệu huyền. Một trải trải nghiệm khác của thiếu nữ mang tên ‘trăng’, đi từ kinh nghiệm gặp Chúa trong kỳ linh thao đầu đời sinh viên. Chúa đã đến nhẹ nhàng như những hạt mưa trong veo tinh khiết thấm vào tâm hồn thiếu nữ, để rồi con tim mãi khát khao, dù khi ra trường có chỗ đứng lý tưởng ở thủ đô với bao tiếng gọi hấp dẫn ngoài kia, nhưng tâm hồn ấy chỉ thấy hạnh phúc khi được sống trong hành lang nhà Chúa: "Lạy Chúa, ngày tháng đời con là của Chúa, sự sống linh hồn con thuộc về Ngài” (Is 38,16). Đó thực sự là: "Hành trình dâng hiến, hành trình tình yêu" (06).

Tình Yêu Đức Kitô luôn luôn khiến người ta ngạc nhiên, thậm chí bị cho là điên rồ (1Cor 1, 22). Một nữ sinh khác duyên dáng không kém, vừa tốt nghiệp đại học liền quyết định đi tu cũng nhận được câu hỏi: "Có bị mát không vậy?" (07). Nhưng có những điều chỉ có thời gian mới có thể trả lời: “Ngày gặp lại đứa bạn thân sau bảy năm xa cách, bạn đã có gia đình, có một nhóc con ba tuổi. Còn tôi đã là một ma sơ, trầm tính hơn, trông hiền hiền nhưng vẫn ham vui, vẫn thích đi đây đi đó, mặc dù là chỉ đi trong tưởng tượng mà thôi… Tôi nói với nhỏ bạn: “Tôi ngày một ‘mát hơn’ rồi bà ạ, vì ở nhà dòng lúc nào cũng có niềm vui.” Đó thực sự là: “Mầu nhiệm ơn gọi” (08). Nhiều khi gia đình theo Đạo cũng không hiểu được, thậm chí cấm đi tu, trách chi người ngoài. Đó là câu chuyện xảy ra với một thiếu nữ mang tên loài hoa thanh khiết. Vừa tốt nghiệp trung học, cô bé đã phải dấn thân đi làm công ty để cha mẹ vui lòng. Thật cảm phục khi thiếu nữ thế hệ 9x này đã gắn bó với 9 công ty lớn nhỏ tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên để mưu sinh. Đặc biệt, cô bé không bị rơi vào cám dỗ chuyện tình cảm trong suốt thời gian đó. Sau rất nhiều gian nan, cô bé được toại nguyện bước vào tu viện với lời tâm sự: “Nếu ai đó bất chợt hỏi tôi “Đi tu có gì vui không?” tôi sẽ tự hào và lớn tiếng trả lời “Không chỉ vui mà còn rất hạnh phúc.”

Với người đời, một trong những điều khó hiểu nhất trong đời tu là điều mà nhà thơ Xuân Diệu từng thốt lên: “Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ không thương một kẻ nào?”(Bài thơ Tuổi Nhỏ). Không lạ khi một đan sĩ từng có mối tình học trò say đắm: “Cuối cấp trung học cơ sở, tình yêu tuổi học trò chợt bám lấy tôi. Nó hồn nhiên, trong sáng, ngọt ngào nhưng khiến tôi phải phân tâm, đến nỗi học hành sa sút”.  Cũng không lạ khi chàng đã tự hỏi: “Tại sao Chúa vẫn gọi con?” (09). Quả thực, chỉ có ơn Chúa mới có thể kéo tâm hồn chàng lãng tử ấy trở về lý tưởng tình yêu thần linh. Ai có thể tin chàng lãng tử lại có thể tu được dòng chiêm niệm? Khi vào dòng, chàng bị thử thách về sức khoẻ, tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng nhờ tín thác cầu nguyện, Chúa đã an bài cách lạ lùng: “Như một phép lạ, tôi thực sự được khỏe mạnh đúng ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/08/2002). Tạ ơn Chúa! Tạ ơn Đức Mẹ!”.

Chuyện “Mối tình đầu” (10) lại là một cô bé thông minh, cá tính, chỉ thích chơi với con trai và “ước mơ sẽ trở thành một nhà ngoại giao thật giỏi, để có thể đàm phán hòa bình cho mọi dân tộc”. Ước mơ ấy cô vẫn dệt trong lòng hằng ngày…và chưa bao giờ cô nghĩ đến chuyện mình sẽ đi tu. Ấy vậy mà Chúa để cho biến cố xảy đến và cô lại thêm một phen “đánh đổi” với Chúa bằng một màn “cá cược”: “Nếu Chúa cho con vào được cấp ba, con sẽ đi tu.” Tiếng gọi Thần Linh ấy là “mối tình đầu” của cô từ năm 16 tuổi. Ước mơ cao siêu đầu đời của cô bé nay được biến đổi thành ước mơ giản dị làm ‘ma sơ’ để “dâng hiến đời mình trong nhà Chúa, phụng sự Chúa và giúp đỡ người khác tìm gặp Chúa”. Nhưng, đó chẳng phải là “nhà ngoại giao” của Vua Trời, Đấng đem lại bình an đích thực cho muôn dân tộc hay sao?!

Nữ “tông đồ” thứ 11, “sống niềm vui và lòng biết ơn” (11) cũng đặc biệt không kém. Bước ngoặt cuộc đời chị chính là kinh nghiệm được ơn lạ, Đức Mẹ cứu thoát khỏi cơn tử thần năm 14 tuổi. Trong cơn nguy kịch, chị chỉ kịp nói thầm với Đức Mẹ một câu: “Mẹ ơi, cứu con với vì con còn ước mơ trở thành tu sĩ của Mẹ.” Vừa dứt lời nguyện thầm thì chị cảm giác trong người nóng lại từ trên đầu kéo dần xuống chân. Sau một lát thì chị nghe được tiếng bố hét lên: “Thở lại rồi!”. Bí quyết trong đời tu, nguồn sức mạnh để “lội ngược dòng’’ mà chị cảm nhận là: “cảm nếm được kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực trong đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn như thánh Augustinô, một vị thánh từng nếm trải tất cả các vị đắng cay ngọt bùi của của cuộc sống đã thốt lên rằng: ‘‘Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta thì ngọt ngào hơn tất cả mọi thứ ngọt ngào của tình yêu thế gian, và tôi đã yêu Ngài quá muộn màng.’’

Nhưng “vị tông đồ thứ 12” trong phần 1 thực sự là bất ngờ. Xưa Tông đồ Matthia được gọi giờ thứ 11 để bổ khuyết chỗ Giuđa để lại. Nay tôi tưởng người chủ biên xếp 12 bài, nhưng thực sự chỉ có 11. Như thế, còn một chỗ trống cho mỗi độc giả, cách riêng cho các bạn trẻ đặt mình vào, để lắng nghe tiếng gọi huyền nhiệm này. Trong tác phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích, tác giả Rick Warren đã nói: “Cuộc kiếm tìm mục đích đời mình đã làm bao người bối rối qua hàng ngàn năm. Bởi vì chúng ta chọn sai khởi điểm: bản thân chúng ta. Chúng ta đặt những câu hỏi tự quy về mình như: Tôi muốn làm gì? Tôi phải làm gì với cuộc đời tôi? Đâu là mục tiêu của tôi, đâu là tham vọng của tôi, đâu là ước mơ của tôi, đâu là tương lai của tôi? Thế mà, việc quy vào bản thân như thế sẽ không bao giờ hé mở cho chúng ta thấy được mục đích đời mình, đang khi “Chính Thiên Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh vật cũng như hơi thở của tất cả người phàm” (G 12,10)[1]. Tác giả đã cho thấy điều cần thiết là “tất cả khởi sự với Thiên Chúa”. Chính Ngài có kế hoạch cho từng người. Không phải ngẫu nhiên bạn có mặt trên đời này. Bạn được tạo dựng cho một sứ mạng cao cả hơn. Và để biết sứ mạng ấy, bạn cần lắng nghe tiếng gọi của Ngài.

Ba phần còn lại chắc chắn còn nhiều điều thú vị hơn cho độc giả khám phá. Người viết chỉ xin lướt qua một chút. Vượt Qua Gian Nan (phần 2) độc giả sẽ khám phá ra câu chuyện thầy chủng sinh “Được Chúa đoái thương” (1) thật là hồng ân Chúa ban, sẽ thấy “Đi tu- Hành trình chứ không phải điểm đến” (2) với biết bao thăng trầm tìm bến đỗ, sẽ cảm nhận được “Thiên Chúa có kế hoạch cho người Chúa chọn” (3) qua những người gặp gỡ, sẽ đồng cảm với người Đi tìm nơi nào có tình yêu” (4) để thấy vượt qua gian nan không phải dễ dàng khi: Không biết con có thể đi tu được không?” (5), rồi chợt nhận ra Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những nét cong” (6) và rồi niềm vui trào dâng Ngày mới nắng lên” (7) khi vượt qua thử thách.

Một khi Vững Bước Theo Thầy (phần 03), bạn đọc cũng sẽ được nghe “Bản tình ca đời dâng hiến” (1) trong chính lòng mình, sẽ bật cười nghe lại những câu nói kiểu như: “Mày mà đi tu được, tao đi đầu xuống đất!”(2), sẽ nhận ra “Hành trình bước theo Chân Lý”(3) thực là huyền nhiệm và nhớ lại có khi “Ngày ấy Chúa gọi tôi!” (4) mà tôi mãi chần chừ. Đọc “Hai biến cố trên hành trình ơn gọi”(5) biết đâu, trông người lại nghĩ đến ta với “Ước mơ và lựa chọn”(6) phải đánh đổi vì yêu. Hãy thử một lần “Quên đi Smartphone”(7) để thấy những niềm vui bất ngờ của người tu sĩ không phải là chiếm hữu nhiều mà là buông bỏ nhiều. Biết đâu, bạn có Cơ duyên với màu áo trắng Đaminh” (8) không nữ thì nam, hay ít là cảm nhận được Tình thương của Chúa” (9) vẫn âm thầm phủ bóng cuộc đời bạn.

Và khi bạn có Chúa đồng hành, bạn sẽ vui sướng sẵn sàng “Ra đi muôn nơi” (phần 4) như người nữ tu “Đi tu xa nhà” (1) dù sang tận châu Phi, bạn sẽ cảm nhận được thế nào là Ơn gọi của tôi” (2) không chỉ là bác sĩ, nhưng là bác sĩ tâm linh, sẽ đồng cảm với người tu sĩ trước câu hỏi “Yêu Chúa hay yêu em?” (3), sẽ hiểu nỗi sợ rất người khi cứ xin Chúa làm theo ý mình:“Chúa ơi, đừng gọi con nhé!” (4). Đôi khi giữa ngã ba cuộc đời: “Nếu đây là điều mà em con lựa chọn” (5), bạn sẽ nghĩ sao? Bạn có cam đảm nói: Anh à, em sẽ đi tu!” (6) như thiếu nữ CSN này. Rồi, bạn có dám ra vùng ngoại biên để sống “Ơn gọi trên con đường di dân” (7)“Nếu được chọn lựa lại” (8), liệu bạn có trả lời: “Có chứ, tại sao không?” như người tu sĩ, chủ biên tuyển tập này ?!

Đây mới chỉ là 35 + 1 câu chuyện trong số hàng chục ngàn câu chuyện ơn gọi linh mục tu sĩ ở Việt Nam với hàng trăm các linh đạo dòng tu khác nhau. Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng đủ cho tôi cảm nhận vẻ đẹp vô cùng đa dạng của Thiên Chúa, thể hiện trong thiên nhiên vũ trụ, trong lịch sử Giáo hội qua các thế hệ. Đó là vẻ đẹp hợp nhất trong đa dạng như trong Chuyện Một Tâm Hồn, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu viết: “Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết: màu hồng hoa mân côi, và sắc trắng phau phau hoa huệ, cũng không át được mùi thơm hoa má tía, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh tươi hoa cúc tây. Phải rồi, nếu tất cả những hoa tý tý ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở.

Ấy cảnh trời thiêng của giới linh hồn cũng thế. Trong vườn sống này, Chúa dựng nên những vị đại thánh để sánh với hoa huệ, hoa hồng. Chúa lại dựng nên những thánh nhỏ, giống như hoa cúc đơn, hoa má tía để Chúa vui lòng lúc nhìn xuống chân thấy cảnh trời đất tưng bừng đẹp đẽ...Hoa nào càng vui theo thánh ý Chúa, càng nên trọn lành tốt đẹp” (Chương I, Kim Thiếu dịch).

Cuối cùng, “trăm nghe không bằng một thấy”. Đọc tuyển tập này, bạn đọc sẽ không chỉ được nghe những câu chuyện đời tu rất thật mà còn được thấy những chân dung có sức truyền cảm hứng qua từng câu chuyện rất gần với bạn trong thân phận con người. Đó là những chứng từ sống động có sức thuyết phục hơn ngàn lời giới thiệu này. Xin chân thành cảm ơn thầy Giuse chủ biên và quý tác giả đã can đảm chia sẻ cho bạn đọc những bí mật đời tu, qua đó, Thánh Ý Chúa, tình yêu, vẻ đẹp, của Thiên Chúa được “bật mí” trong từng hoàn cảnh khác nhau. Phải chăng, đó là lời giải đáp cho câu hỏi: “Đi tu có gì vui không?”. 

Phát Diệm 07.2022, Đình Chẩn, Lm. Chủ biên VTCG
https://www.vanthoconggiao.net/


[1] Rick Warren, Sống Theo Đúng Mục Đích, NXB Đồng Nai, 2019, Lm. Minh Anh chuyển ngữ, tr. 26.

Bạn đọc mua sách tại địa chỉ TIKI hoặc tại Dòng Thánh Augustine

Nguồn:vanthoconggiao.net
CÁC TIN KHÁC
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm
Vatican News (29/10/2024): Ngày 11/10/2024, tại nhà thờ thánh Rocco, ở Tezze sul Brenta, thuộc tỉnh Vicenza của Ý, hàng ngàn người đã tiễn biệt Sammy Basso, thanh niên 28 tuổi bị bệnh lão hoá sớm, qua đời trong khi tham dự một tiệc cưới. Trong di chúc được đọc tại Thánh lễ, người trẻ khẳng định “Tôi nợ Chúa cả cuộc đời, mọi điều tốt đẹp”.
Chi tiết >>
Bài cảm nhận về ngày di dân Phát Diệm: người tôi quen hay người quen tôi?
Bài cảm nhận về ngày di dân Phát Diệm: người tôi quen hay người quen tôi?
Bài cảm nhận về ngày di dân Phát Diệm: người tôi quen hay người quen tôi?
Chi tiết >>
‘Tôi rất hạnh phúc’: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của ĐGH Phanxicô
‘Tôi rất hạnh phúc’: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của ĐGH Phanxicô
‘Tôi rất hạnh phúc’: Sự phấn khích ở Indonesia trước chuyến thăm của ĐGH Phanxicô
Chi tiết >>
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
Chi tiết >>
Tia sáng cuối cùng trong cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte
Tia sáng cuối cùng trong cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte
Tia sáng cuối cùng trong cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte
Chi tiết >>
Thư ĐTC Phanxicô gửi các cha xứ
Thư ĐTC Phanxicô gửi các cha xứ
THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC CHA XỨ avatar Bản dịch của Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Chi tiết >>
Tammy Peterson chia sẻ về ơn chữa lành bệnh ung thư và lý do chuyển sang đạo Công giáo
Tammy Peterson chia sẻ về ơn chữa lành bệnh ung thư và lý do chuyển sang đạo Công giáo
Tammy Peterson chia sẻ về ơn chữa lành bệnh ung thư và gia nhập đạo Công giáo
Chi tiết >>
Làm thế nào để nhận ra một người phụ nữ Công giáo?
Làm thế nào để nhận ra một người phụ nữ Công giáo?
Làm thế nào để nhận ra một người phụ nữ Công giáo?
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm