11h:21 (GMT+7) - Thứ bẩy, 21/09/2024 Theo dõi MXH:

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì" (Lc 3,10-18)

Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo nhân ngày giỗ

9h:45 (GMT+7) - Chủ nhật, 3/05/2020

(Đức cố Giám mục Phaolô yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II)

ĐỨC GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI CHU TẠO (1909-2001)

1.Thân thế

Viết về tiểu sử Đức Cha Bùi Chu Tạo, ngay từ ban đầu, chúng tôi cảm thấy như đứng trước một mâu thuẫn. Đức Cha vốn hom hem ốm yếu, cân nặng chừng 40 ký, các linh mục hồi xưa đồng liêu với ngài ở Đại Chủng viện Phát Diệm, thường hay nói vui: Thầy Tạo mà gặp phải mưa to gió lớn ngoài đường, rất có thể bị bay xuống sông xuống ruộng lúc nào không biết. Mâu thuẫn ở chỗ: con người như thế, lẽ ra - theo nhận xét loài người - với gánh nặng của nhiệm vụ giám quản, rồi giám mục, trong suốt thời loạn ly bi đát (1954-1960), đã phải kiệt sức và mất sớm. Tuy nhiên chương trình của Thiên Chúa thì khác hẳn: hơn 40 năm trong chức vụ chủ chăn, ngài đã cầm cự với thời gian, với thời cuộc, luôn luôn phấn đấu kiên cường, trí khôn vẫn còn minh mẫn sáng suốt, và sức khỏe – tuy đã suy giảm nhiều – nhưng ngài vẫn minh chứng phong độ khí khái, dẻo dai! Con người thầm lặng, ít nói, nhưng nếu nói ra thì câu nào cũng như đinh đóng cột, và thế đứng của ngài lúc nào cũng bình chân như vại!

(Chân dung và khẩu hiệu giám mục)

Ra chào đời ngày 21-01-1909 ở họ Tam Châu, hồi đó còn thuộc về xứ Phúc Nhạc (cho tới năm 1940 mới biệt lập thành xứ riêng biệt).

(Nhà thờ giáo xứ Tam Châu ngày nay)

Hai ông bà cố Liên, theo truyền thống các gia đình Việt Nam ngoan đạo, từ năm chú Tạo lên 10 tuổi, đã liên lạc với Cha già cố Phaolô Dương Đức Liêm, để cho con mình nhận ngài là nghĩa phụ. Năm 1921-1923, chú Tạo học Trường Thử tại Ba Làng. Sau mùa hè 1923, chú Tạo về Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Năm 1929, mãn trường, thầy Tạo nhận bài sai về giúp Cha cố Liêm, hồi đó đã đổi về làm chính xứ Yên Vân. Hai năm sau, thầy Tạo được gọi về học Triết lý và Thần học tại Đại Chủng viện Thượng Kiệm (1931-1937). Chúa cho mọi bước đường trôi chảy. Ngày 13-3-1937, thầy Phaolô Tạo được Đức Giám mục Việt Nam tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng truyền chức linh mục tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm, cùng với 8 anh em: Gioan Học, Antôn Quế, Phaolô Nguyễn Chu Trình II, Giuse Ba, Phêrô Điện I, Giuse Thư III, Giuse Tự II và Phêrô Trị.

Sau đó, Cha Tạo được bổ nhiệm làm giáo sư tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc (1937-1940). Hai năm đầu, ngài dạy lớp 7, nhưng rồi, ngài được chỉ định làm cha linh hướng. Ngài tiếp tục giữ chức vụ linh hướng trong Đại Chủng viện Thượng Kiệm (1945-1951). Rồi chúng ta sẽ thấy, nhiệm vụ linh hướng quan trọng và vất vả, đã làm cho ngài hao mòn sức khỏe, đến mức độ hồi đó ngài đã xin ra khỏi Đại Chủng viện (1951-1954) để về dưỡng bệnh tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở chợ Nam Dân, đối diện với phố Thượng Kiệm. Song cũng vì làm nhiệm vụ linh hướng chủng viện nhiều năm mà Cha Tạo đã tích luỹ được những kinh nghiệm vô cùng quý giá trong khi hướng dẫn các linh mục tương lai trong giáo phận; chính những kinh nghiệm này sẽ giúp đức giám mục tương lai của Phát Diệm biết cách trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn, để đưa giáo phận đến chỗ thanh bình và thịnh vượng ngày nay.

2.Giám quản và giám mục

(Mũ giám mục của Đức Cố Giám mục Phaolô)

Năm 1954, bắt đầu phong trào di cư ào ạt. Nhiều người bỏ miền Bắc để vào Nam. Cha Tạo rời đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về nhận nhiệm sở tại Tam Châu. Tiếp sau đó, là những năm Chúa trao cho ngài hết trách nhiệm này sang trách nhiệm khác. Ngày 30-11-1956, Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám quản chính thức địa phận, thay thế Đức Giám mục Lê Hữu Từ đã di cư vào Nam. Ngày 25-01-1957, lễ Thánh Phaolô (quan thầy của ngài), ngài bỏ Tam Châu về nhận chức giám quản tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Linh mục Luca Hùng Sỹ chứng kiến buổi lễ hôm đó, đã thuật lại: “Đức giám quản mặc áo tím, một tay đeo nhẫn, đầu đội mũ giám mục, tay kia cầm gậy vàng, tuy nhiên, trên ngực chưa đeo Thánh Giá (vì chưa có chức giám mục), trên mình mang áo choàng phụng vụ (cappa) màu vàng, tiến thẳng vào Nhà thờ Chính toà, ngài bước lên bàn thờ ban phép lành, nhận toà giám mục cai quản địa phận, và ngỏ lời với các cha và giáo dân”.

1/ Thi hành sứ vụ

(Gậy tuổi già của Đức Cố Giám mục)

Sau lễ nghi, ngài ở lại Toà Giám mục và bắt đầu thi hành chức vụ:

Một: Đầu năm 1958, tổ chức tuần cấm phòng hằng năm cho các linh mục địa phận lần đầu tiên;

Hai: Cuối năm 1957, ngài mở cửa Trường Thần học cũ ở Thượng Kiệm, để nhận các chú về học La ngữ, trao công tác cho hai Cha Giuse Trinh và Giuse Lê Quý Thanh điều khiển. Đến tháng 9 năm 1959, trường bị giải tán, ngài gửi các chú ra học ngoài Hà Nội, được mấy năm, trường Hà Nội cũng bị giải toả;

Ba: Dòng Mến Thánh Giá tại Lưu Phương và các nhà khác đại đa số đã lên đường vào Nam, còn lại chừng gần 30 nữ tu đã cao niên, nhưng vị tân Giám quản cũng cho phép mở lớp đệ tử mới, và tập viện tiếp tục hoạt động…

Bốn: Năm 1990, Đức Cha đã thành lập Hội Gia Trưởng với 7 điều luật:

* Thường xuyên đi dự Thánh lễ, và dự ngắm Đàng Thánh Giá, nhất là trung thành đi lễ các ngày thứ tư đầu tháng, và góp tiền giúp đỡ người nghèo khó trong giáo phận;

* Khuyến khíchcác gia trưởng đọc kinh sáng, tối, đọc Kinh thánh trong gia đình;

* Cố gắng giữ sự bình an trong gia đình, và ăn ở thuận hoà với người hàng xóm;

* Bảo vệ con cái xa lánh những dịp tội lỗi, chịu khó học giáo lý và nghề nghiệp;

* Thăm nom an ủi những gia đình có người ốm đau, nghèo khó, khi có gia trưởng qua đời, thì thăm viếng, xin lễ, và dự lễ an táng họ;

*Sống giản dị, không rượu chè, không nhàn rỗi, và lo cho gia đình ấm no, thịnh vượng;

* Và tích cực tham gia công tác chung trong xứ đạo, trong xã hội, và giữ sự đoàn kết thương yêu nhau.

Đồng thời, ngài cũng xin các Đức Cha phó dọn sách giáo lý, tổ chức các cuộc thi giáo lý mỗi năm, cả người lớn lẫn trẻ em.

Ngày 24-01-1959, Đức Giám quản được Toà Thánh bổ nhiệm làm giám mục hiệu toà Numidia. Lại một lo lắng mới trong thời gian bắt đầu khó khăn. Nhân cơ hội Cha Giám quản lên Hà Nội chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, Đức Khâm sứ Dooley lưu ý Đức Cha Giuse Trịnh Như Khuê, Giám mục Hà Nội, nên lợi dụng cơ hội đó để phong chức giám mục cho vị chủ chăn Phát Diệm. Lễ truyền chức hết sức đơn sơ, âm thầm: chỉ có một chủ phong là Đức Giám mục Giuse Trịnh Như Khuê và chỉ có một thụ phong là Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, ngoài ra, không có vị giám mục nào khác tới dự lễ; hai vị gọi là phụ phong là Cố Kim, M.E.P., Giáo phận Hà Nội, và Cha già Kim, Phát Diệm. Đại diện cho linh mục đoàn Phát Diệm hôm đó là Cha già Trình, đồng bạn với vị Giám quản, và một số ít giáo dân gốc Phát Diệm, nhưng sinh sống ở Thủ đô. Sau khi thụ phong, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, còn ở Hà Nội một tháng nữa, để chữa bệnh. Tháng 6 năm 1959, ngài âm thầm về lại giáo phận, để rồi lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời (15-8-1959), ngài công khai ra mắt với giáo phận.

Chúng ta có thể đoán tâm tình của vị tân Giám mục trong những năm tháng đầu tiên này. Ngay từ đầu, ý thức tình trạng đau yếu của mình, Đức Cha Bùi Chu Tạo đã xin Toà Thánh cho thêm vị phó giám mục. Tòa Thánh chấp nhận lời xin của ngài và bổ nhiệm Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh. Đức Cha phó được thụ phong ngày 13-02-1964, và sau khi Đức Cha Lê Quí Thanh qua đời, Tòa Thánh còn bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Thiện Khuyến. Ngài được thụ phong ngày 24-4-1977. Vị trước tại chức được 10 năm, vị thứ hai chỉ có 4 năm, cả hai đã ra đi trước Đức Giám mục chính toà, hồi đó đã 88 tuổi. Hầu như tuyệt vọng trước thử thách quá nặng nề của Thiên Chúa, Đức Cha Bùi Chu Tạo lâm bệnh trầm trọng lần thứ hai, và ai cũng rùng mình khi nghĩ tới giáo phận, nếu Đức Cha chính cũng theo chân hai vị Giám mục phó Lê Quý Thanh và Nguyễn Thiện Khuyến về chầu Chúa, thì số mệnh Phát Diệm sẽ ra thế nào?

Tuy nhiên, Thiên Chúa có chương trình của Ngài và còn dành cho Phát Diệm một hai ngỡ ngàng hơn nữa. Sau khi đã bình phục và sau khi đã mất hai vị Giám mục phó (Đức Cha Thanh tạ thế năm 1974, Đức Cha Khuyến năm 1981) và vì nhu cầu giáo phận, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã lần lượt bổ nhiệm hai Cha Tổng đại diện: Cha Phêrô Vũ Hiếu Cúc (sinh năm 1898, Bình Sa) và Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1917, Hàm Ân). Cả hai vị này cũng lần lượt bỏ về thế giới bên kia. Vị thứ nhất năm 1984, vị thứ hai năm 2000.

Trong lịch sử Giáo hội, thỉnh thoảng Chúa cho xuất hiện một vài sự kiện kỳ diệu để minh chứng: Chúa mới là tác giả những việc kỳ diệu đó. Vác trên vai gánh nặng hơn 90 tuổi đời, trong số đó, 60 năm linh mục và 40 năm giám mục, rồi hậu quả bao nhiêu bệnh tật làm suy giảm sức người, Đức Cha Bùi Chu Tạo vẫn dẫn dắt giáo phận tiến bước không ngừng nghỉ. Trong đời giám mục, ngài đã truyền chức cho 26 tân linh mục trong khoảng thời gian từ năm 1961 tới 1995; đã đem con số 60 ngàn giáo dân còn lại ngoài Bắc, sau cuộc di cư vĩ đại vào Nam năm 1954, trở về con số 130 ngàn giáo dân y như hồi xa xưa, trong vòng 40 năm ròng rã. Ngài phục hồi Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã bị phá huỷ bình địa trong vụ phi cơ Mỹ ném bom Phát Diệm năm 1968.

(Đức Cố Giám mục Phaolô truyền chức linh mục 07.10.1995) 

Những thành công lớn lao trên đây của Đức Cha Tạo, một phần nhờ vào sự cộng tác đắc lực của một nhóm linh mục, vừa ít lại không còn trẻ trung, nhưng hăng say, và một nhóm chừng 80 giáo dân chuyên môn dạy giáo lý trong các xóm làng xa xôi. Họ ý thức vai trò giáo dân, sau Công Đồng Vatican II, phải tham gia trong việc tông đồ, thay thế cho số linh mục, mỗi ngày mỗi ít đi, và thời cuộc đã thúc đẩy các ngài càng phải gù lưng suy yếu.

2/ Các thư luân lưu

Khi mới làm giám mục, Đức Cha Tạo mạnh dạn tổ chức đi kinh lý trong giáo phận. Được một hai lần đến thăm các xứ đạo ở vùng mạn ngược, tức là miền thượng du Phát Diệm, nhưng rồi trong những năm sau, ngài bị cầm chân tại Toà Giám mục. Không được tới viếng thăm các xứ đạo, ngài ngồi viết thư luân lưu để dạy hàng giáo sĩ và toàn thể giáo dân trong giáo phận bằng giấy tờ.

Người ta tính con số các thư luân lưu được phân chia như sau:

Cho hàng giáo sĩ (35):

Riêng giáo sĩ, các thư luân lưu có tính cách mục vụ, từ những năm 1959, 1960, 1961, 1965, 1966, 1968, 1973;

Các thư gửi các linh mục, cấm phòng chung, suốt từ 1978-1990;

Các thư gửi các linh mục, sau mỗi lần cấm phòng tháng trong hai năm 1995 và 1996;

Thư luân lưu cho cả giáo phận (giáo dân trong các xứ đạo):

Tết Nguyên Đán năm 1976, 1978, 1983, 1985, 1987, 1988, 1989, 1990, 1992, 1993, 1996;

Tháng Đức Mẹ 1955, 1986, 1988, 1989;

Tháng Mân Côi 1966, 1985, 1986, 1991;

Tháng Trái Tim Đức Mẹ 1985;

Năm Thánh Đức Mẹ 1987, 1988;

Thánh Tâm Chúa 1961, 1988;

Năm Thánh Cứu Độ 1983;

Mùa Vọng 1982;

Lễ Sinh Nhật 1983, 1984, 1985, 1988;

Mùa Chay 1985, 1990;

Chúa Phục Sinh 1984, 1985, 1987;

Công Đồng Vaticanô II, 1962;

Kỷ niệm 50 năm Giám mục bản quốc, 1983;

Kỷ niệm 25 năm thành lập hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam, 1985;

Vai trò giáo dân, thực tại trần thế, 1987;

Quốc Khánh 1975, Quốc hội 1976, chống Trung cộng xâm lăng 1979;

Cứu đói 1984 và 1988.

Không ai ngờ rằng, trong giáo phận hẻo lánh, xa xăm, ở về cuối vùng trung châu và duyên hải Bắc Việt, mà đã có thể tổ chức những cuộc đại lễ rầm rộ, hiếm có trong nhiều dịp khác nhau:

Dịp Nhà thờ Chính toà Phát Diệm 100 tuổi (1891-1991). Toà Thánh cho phép mở Năm Toàn Xá trong toàn giáo phận, ấn định những thể thức, điều kiện đi viếng đền thờ;

Hai dịp Đức Cha Bùi Chu Tạo mừng 25 năm ngân khánh giám mục (1959-1984), mừng ngọc khánh linh mục (1937-1997);

Dịp 100 năm thành lập giáo phận (1901-2001), cũng có văn kiện Toà Thánh cho phép tổ chức Năm Toàn Xá;

Trong thư luân lưu (10-10-1991) về kết quả và ngày bế mạc Năm Toàn Xá (Nhà thờ Chính toà Phát Diệm 100 tuổi), Đức Cha Bùi Chu Tạo đã viết: “Có 352 đoàn hành hương từ trong và ngoài địa phận về viếng Phát Diệm, với con số 152.414 người đi tập thể. Còn số người đi riêng rẽ cũng rất đông, tuy nhiên không thể biết được bao nhiêu. Đặc biệt có đoàn Thanh Hoá đi 1000 xe đạp, đoàn Hà Nội đi 40 xe ca, chở 4.000 giáo dân” về tham dự Năm Toàn Xá.

Ngày nay, sau các cuộc đại lễ, viết lại trang sử bi tráng trên đây, chúng tôi thiết nghĩ, những ai đã biết Phát Diệm trong quá khứ và hiện sống ngoài Phát Diệm, không thể không công nhận sức sống đức tin của Phát Diệm thật vô cùng kiên vững!

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, một vị giám mục ốm đau, suy yếu, tuổi cao, đáng lý ra làm việc ít hơn, hay là được nghỉ hưu trong thanh bình, chứ không phải lao tâm lao lực như Đức Cha Tạo. Nếu đọc lại 52 thư luân lưu của ngài, chúng ta nhận thấy các thư trung bình, không dài quá, lời văn dễ hiểu; nội dung đơn giản, lộ rõ một tâm tình thiết tha, nghĩa là nói lên tâm tình của một người đã suy ngắm, đã cầu nguyện, nhất là nói lên một tình thương “In caritate non ficta: Tình thương không giả tạo”, như câu châm ngôn Đức Cha đã chọn cho đời chủ chăn của mình.

Chúng ta không biết hết số tiền mà Đức Giám mục Bùi Chu Tạo đã bỏ ra để giúp đỡ dân nghèo và tham gia vào các cuộc từ thiện mà chính phủ tổ chức sau những vụ thiên tai hằng năm! Chỉ biết, do báo cáo của “Mặt Trận” về những lần Nhà chung tham gia tích cực vào công tác nhân đạo, cho nên nhà nước đã cảm phục và gửi tặng huy chương “Chữ Thập Đỏ” cho Đức Cha vì những đóng góp cứu tế nhân đạo của ngài!

3/ Công việc trùng tu quần thể Thánh đường Phát Diệm

Trong các công trình Đức Cha Bùi Chu Tạo thực hiện, chúng ta phải kể tới việc trùng tu quần thế Nhà thờ Chính toà Phát Diệm đã bắt đầu từ năm 1972, tức là ngay sau khi có cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Đây là công cuộc trùng tu cấp thời. Về công tác này, một lần nữa, chúng ta cùng nhau đọc lại bức thư luân lưu ngày 15-8-1982.

Đức Cha Bùi Chu Tạo kể lại: “Ngày đầu tháng Mân Côi (1972), tôi ném hòn đất thứ nhất, để lấp hố bom ở giữa sân đường kiệu, chỉtrong mấy ngày là các hố bom được lấp đầy hết cả. Các giáo hữu không nguyên xứ Phát Diệm, mà tất cả các xứ trong hạt Kim Sơn, cả từ Phúc Nhạc đều có người về đóng góp. Hơn nữa cả giáo hữu Bùi Chu, Thanh Hoá, các xứ gần Phát Diệm cũng tham gia.

Tôi không hề nói một lời nào quyên cúng, nhưng họ tự động đem đến cho gạo, cho rau cỏ, thịt cá nuôi thợ, tiền thì không có. Những người đến làm hằng ngày, ròng rã năm sáu tháng trời cứ từng 150 đến 200 người. Nhiều người mang gạo đến trọ ở đây, có người từng tháng, có người nửa tháng, có người năm bảy ngày, hầu hết ủng hộ không lấy công, hay là lấy giá rẻ một nửa.

Tôi nói một số các cửa chung quanh nhà thờ, cả thảy 56 cánh cửa “pan-nô” vỡ hết chỉ còn 4 cánh dùng được, còn lại phải làm mới. Mỗi cánh: người thợ giỏi phải mất 9 công, thợ khá 10 công, thợ thường thì 11, 12 công. Mà có giài thợ làm một tháng đem gạo đến ăn, không nhận công nào, khi hoàn thành, chúng tôi muốn hồi công một bữa cũng từ chối không nhận.

Trong năm, sáu tháng trời khu Nhà chung náo nhiệt như một xưởng thợ của một công sở lớn. Nguyên thợ xẻ 12 đôi, thợ mộc không kể. Gỗ lấy đâu ra? Đó là công của họ Thượng Kiệm: nhà thờ của họ là nhà thờ làm bằng gỗ cỡ lớn trong Địa Phận, sau khi bị bom phá, họ cúng để đem về sửa chữaNhà Thờ Lớn.

Ngói thì trong Nhà chung, bên Nhà Dòng Lưu Phương, nhà mồ côi bên bệnh viện (Phu Vinh), chỗ nào lấy được thì chúng tôi lấy hết, lấy cả nhà thờ họ Tự Tân, rồi lợp bổi thay, còn thiếu thì đi mua các nơi đình chùa người ta bán. Vôi thì họ Quy Hậu cúng mấy tấn đá vôi. Vôi, cát mất ít thôi! Tiền chi phí thì Hội Thánh giúp cho, kể cũng tùng tiệm.”

Lễ Sinh Nhật năm 1973, công trình sửa chữa xong. Đức Cha Bùi Chu Tạo cùng Đức Cha phó Lê Quý Thanh trở về Nhà chung và làm lễ tạ ơn tại Nhà thờ Chính toà. Hai nhà thờ cạnh, đường kiệu và cổng đá phía Tây thì mãi tới cuối năm 1974 mới sửa chữa hoàn thành. Riêng Nhà Hội quán mãi đến năm 1995 chính quyền mới cho xây lại. Trong ba năm gần đây, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo và Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục phó (mới lên kế vị) đã ra tay sửa chữa một cách có quy mô theo kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng.

Sau công cuộc tu sửa này, chính quyền đã công nhận và năm 1988, đã ký nghị định tuyên bố Phát Diệm là một kỳ quan, được Bộ Văn Hoá xếp vào hạng “Di tích lịch sử văn hoá” của đất nước. Sự kiện này làm cho cộng đoàn giáo dân cảm thấy phấn khởi, đồng thời tạo nên sự cảm thông hơn mối tương quan giữa chính quyền và dân chúng Phát Diệm.

(Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm hiện nay)

3.Kết luận

Đâu là bí quyết đời sống giám mục của Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo? Đó là một đời hi sinh xả thân cho giáo dân, liên tục sống trong sáng, thánh thiện, tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và sùng kính Phép Thánh Thể. Do đó, ngài được Chúa và Đức Mẹ che chở. Đàng khác, tuy không xuất thân từ trường ngoại giao nào, nhưng Đức Cha đã cư xử lịch thiệp với chính quyền địa phương, biết lui tới, mặc dù vẫn kiên trì trong tư cách và tác phong của một giám mục. Cái mà mọi người cảm phục và nhận thấy nổi bật là Đức Cha có lòng bác ái, bao giờ cũng sẵn sàng tham gia công tác chống nạn đói, chống bão lụt và mưu tìm lợi ích cho dân chúng.

Tất cả những đức tính tốt đẹp và nhất là đời sống thánh thiện của Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã được Chúa chúc phúc. Chúa đã ban cho Đức Cha ơn khôn ngoan sáng suốt để bảo toàn được cơ đồ giáo phận và thành công trong việc xin chính quyền trả lại cơ sở Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Lưu Phương. Đức Cha còn nỗ lực trùng tu quần thể Nhà thờ Chính toà, xây cất thêm nhiều nhà trong khu vực Toà Giám mục, sửa chữa nhiều nhà xứ đã hư hỏng, xây dựng nhiều thánh đường mới trong giáo phận và đã xin cho tất cả hơn 10 linh mục chịu chức “chui” được ra công khai hoạt động.

Đang khi đó, đời sống tư của Đức Cha già Tạo, tại Phát Diệm và Đức Cha phó Lê Quý Thanh hồi di tản tại họ Phát Ngoại, thật sự là hết sức đơn sơ, thanh đạm. Linh mục Luca Hùng Sỹ kể lại: có lần về Phát Diệm thăm hai Đức Cha, ngài bắt gặp cả hai vị đang tự mình ngồi giặt quần áo và quét phòng riêng của mình!

Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, người tôi tớ trung kiên của Chúa đã oanh liệt chạy hết quãng đường trần thế 92 năm và được Chúa gọi về với Ngài lúc 10 giờ 30 ngày 05-5-2001.

(Thánh lễ An táng Đức Cố Giám mục Phaolô)

(Nơi an nghỉ của Đức Cố Giám Mục Phaolô trên gian cung thánh nhà thờ Chính tòa Phát Diệm)

Chúng tôi kính cẩn bái biệt Đức Cha và luôn ghi nhớ công ơn lớn lao mà Đức Cha đã làm cho Giáo phận Phát Diệm.

Roma, 05-5-2001

(Hình phụ thêm: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thăm các Đức Giám mục Việt Nam tại Foyer Phát Diệm 22.06.1980)

Lược trích từ:

Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm, Vinh sơn Trần Ngọc Thụ, Roma 2001.

Hình ảnh: Tư liệu Ban truyền thông.

CÁC TIN KHÁC
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ 11.07
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ 11.07
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan B. Nguyễn Bá Tòng-Giám mục Việt Nam tiên khởi-nhân ngày giỗ
Chi tiết >>
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Louis De Cooman Hành nhân dịp 50 năm ngày giỗ
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Louis De Cooman Hành nhân dịp 50 năm ngày giỗ
Ngày 7 tháng 6 năm 1970, Đức Cha qua đời tại Pháp trong hương thơm thánh thiện. Hưởng thọ 89 tuổi, mãn 66 năm Linh Mục, 52 năm Giám Mục, 23 năm cai quản Giáo Phận Thanh Hóa.
Chi tiết >>
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng nhân ngày giỗ
Tưởng nhớ Đức cố Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng nhân ngày giỗ
Đức Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng là vị giám mục Việt Nam đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm, nhưng cũng là vị giám mục đầu tiên quản nhiệm ít ngày nhất. Ngài được bổ nhiệm ngày 02-06-1940 và ra đi vĩnh viễn ngày 28-05-1944, nghĩa là làm giám mục chẵn 4 năm, nhưng nhận quyền cai quản giao phận mới được 5 tháng.
Chi tiết >>
Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05
Ôn lại Tiểu sử Đức Cố Giám mục Giuse Lê Quý Thanh nhân ngày giỗ 07-05
Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh, sinh ngày 19-3-1900 tại xã An Hoà, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngài là em ruột Cha Phêrô Lê Quý Liêm (đã qua đời trong Nam, sau cuộc di cư năm 1954) và theo truyền tụng trong gia đình, ngài là cháu ba bốn đời của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Chi tiết >>
Chân dung tiểu sử Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ
Chân dung tiểu sử Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ
Cho đến tận nay, vẫn nhiều người tới viếng và cầu nguyện bên mộ phận của Đức Cha Lê. Trên mộ, vẫn có những đoá hoa tươi và người qua kẻ lại vẫn ngả nón mũ để tỏ lòng kính trọng.
Chi tiết >>
Mấy Thư Chung về sự Chầu lượt của Đức Cha Alexandre Marcou Thành-Giám mục tiên khởi Phát Diệm
Mấy Thư Chung về sự Chầu lượt của Đức Cha Alexandre Marcou Thành-Giám mục tiên khởi Phát Diệm
Ngày chầu lượt phải để Mình Thánh trên nhà chầu từ lúc làm lễ đoạn cho đến chập tối
Chi tiết >>
Ôn lại tiểu sử Đức Giám mục thứ nhất: Alexandre J.P. Marcou (Thành) nhân ngày giỗ 80 năm của Ngài
Ôn lại tiểu sử Đức Giám mục thứ nhất: Alexandre J.P. Marcou (Thành) nhân ngày giỗ 80 năm của Ngài
Lời BTT: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày mất của Đức Cha Alexandre J.P. Marcou Thành, Giám mục tiên khởi của Phát Diệm(07.12.1939-07.12.2019), Ban truyền thông xin giới thiệu tới quý độc giả bản tiểu sử: "Đức Giám mục thứ nhất- Alexandre J.P. Marcou (Thành)" trích từ “Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm” của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (1918-2002), Roma 2001.
Chi tiết >>
Tòa Giám mục Phát Diệm
75 Phát Diệm Đông – Kim Sơn – Ninh Bình
ĐT: (+84) 229 3862 058 – Fax: (+84) 229 3862 724
Email: tgmpdiem@gmail.com
Ban Truyền thông Phát Diệm
Email: bttphatdiem@gmail.com
Kết nối với chúng tôi
Copyright © 2011-2020 Ban Truyền thông Phát Diệm