CHÂN DUNG TIỂU SỬ ĐỨC CHA ANSELMÔ TAĐÊÔ LÊ HỮU TỪ
1.Thân thế
Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, đã tạ thế ngày 24-04-1967 tại An dưỡng viện dành cho các linh mục gốc Phát Diệm, Gò Vấp, Sài Gòn. Ngài khuất đi sau 17 năm khổ tu trong Đan viện Phước Sơn (Huế) và Châu Sơn (Ninh Bình), sau 39 năm làm linh mục và 22 năm giám mục, sau 6 tháng chịu bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 71 tuổi. Giáo phận Phát Diệm thương tiếc vị giám mục người Việt thứ 4 đã lìa trần, sau các Giám mục Phan Đình Phùng (1944), Hồ Ngọc Cẩn (1948) và Nguyễn Bá Tòng (1949).
Đức Cha Lê Hữu Từ sinh tại Di Loan, Quảng Trị, ngày 28-10-1896, là người con thứ 3 trong gia đình 10 anh chị em: 8 trai, 2 gái; trong số đó, 2 người đã sớm về chầu Chúa, còn lại 2 linh mục, 2 nữ tu thuộc Giáo phận Huế và 3 giáo dân gương mẫu. Để ghi nhớ đức giám mục mệnh chung giữa thời loạn li, đất nước chia đôi, lòng người xao động vì chiến tranh khốc liệt triền miên, bạo tàn, chúng tôi xin vẽ lại nơi đây bức chân dung của Đức Cha Lê qua vài nét chính: Thầy dòng khổ tu, giám mục Phát Diệm…
2.Thầy dòng khổ tu
Thuở nhỏ, cậu Lê Hữu Từ rất tinh nghịch. Hai cụ thân sinh thường nói: Các anh em con đi tu được, chứ nghịch ngợm như con mà đi tu, e khó thành công quá! Nhưng rồi Chúa Thánh Linh đã âm thầm làm việc, ơn gọi đã cùng với thời gian thấm nhuần tâm hồn chú bé, và sau cùng cánh cửa 2 Chủng viện An Ninh và Phú Xuân lần lượt mở rộng đón chào chú Từ. Lần hồi, thầy Từ tiến lên chức phó tế, mọi người trong gia đình cứ tưởng thầy Từ sẽ làm linh mục triều và phục vụ tại Giáo phận Huế. Ngờ đâu, từ ngọn núi Phước Sơn sừng sững ở mạn Tây Bắc Kinh đô Huế, gió thổi về, mang theo nguồn thanh khí huyền diệu, tiềm tàng, nhưng mãnh liệt quyến rũ, mời gọi. Thầy Lê Hửu Từ, dù đã bước tới thềm chức linh mục, đã phải chịu thua sức mạnh chi phối của ân sủng linh thiêng. Thầy ý thức rõ rệt: Phước Sơn xa phồn hoa danh vọng, ở đấy, nếu quyết tâm đạp lên bụi trần, chắc sẽ tìm được thanh bình của tâm hồn và ở đấy mới thật tu là cõi phúc.
Ngày thầy Lê Hữu Từ nhập Dòng, cha tu viện trưởng hỏi: Luật Dòng nghiêm khắc, đời sống khem khổ, liệu thầy có bền đỗ được không? Quỳ trước bàn thờ, thầy Lê Hữu Từ trả lời cương quyết: Nhờ ơn Chúa, nhờ lời cầu nguyện của cha và của toàn Dòng, con cam kết sẽ phụng sự Chúa cho tới cùng. Rồi cha tu viện trưởng bảo thầy cởi áo cũ đang mặc, để mặc áo mới. Ngài làm phép áo trắng tượng trưng tinh thần mới của Chúa Kitô và choàng cho thầy. Tiếp theo, cha tu viện trưởng làm phép một cái cuốc, cán có kết hình Thánh Giá và trao cho thầy. Thầy Lê Hữu Từ nhận chiếc cuốc làm cơ nghiệp, tượng trưng đời sống lao công khổ hạnh và ý tưởng tự lực mưu sinh.
Chính nếp sống khắc khổ này làm tăng trưởng tính tình cương nghị sẵn có nơi tu sĩ Lê Hữu Từ. Từ giờ phút này, ngài mang tên Dòng là Anselmô và như cây hoa được ươm trong vườn đạo hạnh, nhân đức cứ vươn lên mãi dưới ánh mặt trời siêu nhiên chiếu dọi.
Năm 1933, Phước Sơn được sáp nhập vào Dòng mẹ Citeaux và Cha Henri Denys Benoit Thuận, vị sáng lập Phước Sơn, qua đời. Cha Anselmô Lê Hữu Từ được chọn làm Đan viện phó. Tháng 2 năm 1936, cha tình nguyện đi lập đan viện mới tại Châu Sơn, phủ Nho Quan, miền Bắc Giáo phận Phát Diệm.
Ngày 05-09-1936, khi đặt chân đến vùng Châu Sơn, vốn liếng của Cha Anselmô Lê Hữu Từ gồm vỏn vẹn một cây Thánh Giá, một cỗ tràng hạt, một món tiền 12 đồng bạc Việt Nam và 12 tu sĩ đồng hành. Châu Sơn hồi đó là vùng lam sơn chướng khí, muỗi rừng và bệnh sốt rét hoành hành. Trước mặt các tu sĩ là khu đồn điền bỏ hoang, chung quanh có núi đá, rừng hoang, cây cỏ um tùm, nơi sinh sống của rắn rết, hùm beo! Chính các tu sĩ đã kiên nhẫn, cặm cụi đập đá, cuốc sỏi, đốt gai, để rồi ngày 18-02-1937 đã có thể đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường tráng lệ tại Nho Quan.
(Bên trong thánh đường Đan viện Châu Sơn)
Hồi ký của Đan viện Châu Sơn còn ghi lại những cảnh tượng bi thương. Đầu năm 1943, một tối thứ Sáu đầu tháng, sau giờ kinh tối dọn mình chết như thường ngày, đang khi nghe lời khuyên của cha bề trên, một thầy có tên là Gioan cố cầm tay cha và thều thào «Thưa cha, con quyết nên thánh, nhất định con sẽ nên thánh». Nói xong, thầy mệt quá vật ra chết.
Ngày khác, một thầy chết vì bị sốt rét, cộng với lối sống khắc khổ, thiếu thuốc men và dinh dưỡng. Xác thầy vàng vọt được đặt giữa lòng nhà nguyện với hai ngọn đèn leo lét. Cả cộng đoàn chỉ biết im lặng ngắm nhìn và suy nghĩ về những thử thách và thề hứa với Chúa: «Chúng con quyết trọn đời ở lại Châu Sơn».
Một tối khác, trước giờ ngủ, cha viện trưởng đi rảy nước thánh trong phòng các bệnh nhân, thì phát hiện một tu sĩ thứ ba ngồi dựa tường đã tắt thở từ lúc nào!
Một buổi trưa, giữa trời nắng chang chang, một thầy đã bị sốt rét mấy năm, nhưng không muốn được biệt đãi, vẫn đi làm như mọi anh em khác. Đang cuốc đất, mặt mày thầy xanh mét, mồ hồi đổ ra nhễ nhãi, tay từ từ buông cuốc và gục ngã trên luống vườn đang cuốc dang dở, miệng xùi bọt mép. Khi cởi áo để tẩm liệm, mới thấy mình thầy đầy vết thương đánh tội còn vấy máu.
Những gian truân, những thử thách trên đây không những đã không làm nản lòng các tu sĩ tiên phong, trái lại còn rèn đúc thêm ý chí sắt đá của những vị khổ tu này. Hình như cha đan viện trưởng và các tu sĩ đồng hành đang đua sức với thiên nhiên, với đau khổ, để cam kết với lý tưởng đời mình. Chính cha đan viện trưởng cũng sống khổ hạnh và lao động cực nhọc. Cha chỉ đi dép lúc dâng lễ, ngoài ra, quanh năm ngày tháng đi chân không, bàn chân nứt nẻ. Cha đã làm tất cả những gì có thể làm và làm trước cho anh em bắt chước.
Ngày 19-07-1945, khi nhận tin Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục Phát Diệm, Cha Anselmô Lê Hữu Từ và một thầy tháp tùng đã dùng xe đạp vượt dặm đường 800 cây số vào tận Huế gặp Đức Khâm sứ Toà Thánh Antoine Drapier... Vị đại diện Toà Thánh lúc đó là tu sĩ Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Đa Minh), ngài cũng đã long trọng khấn đức vâng lời theo luật Dòng như Cha Anselmô Lê Hữ Từ, cho nên Đức Khâm sứ đã trưng hiến pháp dòng tu để đấu lý và thuyết phục cha viện trưởng Châu Sơn.
3.Giám mục Phát Diệm
(Mũ Giám mục của Đức Cha Tađêô)
Trở về Đan viện Châu Sơn, ngày 22-07-1945, Đức Cha Lê Hữu Từ tiếp đón phái đoàn Giáo phận Phát Diệm, gồm 3 linh mục : Vũ Văn Hải, Đinh Ngọc San và Phạm Quang Hàm tới chúc mừng vị tân giám mục và bàn thảo chương trình lễ tấn phong đã được ấn định vào ngày 29-10-1945 tại Nhà thờ Chính toà Phát Diệm. Thế rồi, cuộc đại lễ đã được tổ chức quy mô, trật tự. Hiện diện về phía tôn giáo có 3 vị giám mục Việt Nam: Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn và Ngô Đình Thục, cũng như các linh mục tổng đại diện thuộc các Giáo phận Hà Nội, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Hoá, Bùi Chu, Huế, Vinh, Lạng Sơn, Hải Phòng. Phía tôn giáo bạn có Thượng toạ Thích Trí Dũng và (hồi đó) Đại đức Thích Tâm Châu.
Về phía Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, có sự hiện của các vị: Nguyễn Vĩnh Thụy, cố vấn chính phủ (Vua Bảo Đại thoái vị tháng 8 năm 1945 và lấy lại tên Nguyễn Vĩnh Thụy), Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Tài chánh, Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế, Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền. Qua phái đoàn Chính phủ, cụ Hồ Chí Minh đã gửi cho Đức tân Giám mục một bức thư, nguyên văn như sau :
« Thưa ngài,
Mừng ngài vì cuộc tấn phong này đã chứng tỏ một cách vẻ vang đạo đức của ngài. Mừng đồng bào Công giáo vì từ nay các bạn đã được một vị lãnh đạo rất xứng đáng. Đồng thời tôi mừng cho nước ta vì tôi chắc rằng: Ngài sẽ lãnh đạo đồng bào Công giáo noi gương Đức Chúa mà hy sinh phấn đấu để giữ gìn quyền Tự do và Độc lập của nước nhà.
Kính chúc ngài được luôn luôn an mạnh.
Hồ Chí Minh »
Ấn ký.
…
(Chén lễ của Đức Cha Tađêô)
Suốt trong 9 năm chèo lái con thuyền Giáo phận Phát Diệm, mặc cho bao nhiêu khó khăn về nhiều phương diện, không bao giờ Đức Cha đóng cửa các Chủng viện hay phải rút giảm con số những ai muốn dấn thân phục vụ Giáo hội trong các dòng tu nam nữ. Thành quả là cho tới năm 1954, trước khi di cư vào Nam, ngài đã truyền chức 43 tân linh mục, số đại chủng sinh tăng từ 40 lên 80. Đại Chủng viện Phát Diệm có lúc mở cửa đón nhận các đại chủng sinh từ các Giáo phận Hưng Hoá, Thanh Hoá, Hà Nội và Kontum.
Xuất thân từ Phước Sơn và Châu Sơn, chính Đức Cha Lê Hữu Từ đứng ra khởi sự việc canh tân và thăng tiến Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm và kêu gọi việc thống nhất các chi nhánh Dòng Mến Thánh Giá trong các giáo phận trên toàn quốc.
Đồng thời, ngài quyết tâm duy trì liên tục Trường Trần Lục (610 học sinh) và 48 trường tư thục Công giáo tại nhiều giáo xứ với khoảng 10.000 học sinh. Cho tới năm 1953, để bảo đảm và thăng tiến nền văn hoá tương lai của giáo phận, ngài cho xuất dương du học 48 người, gồm 10 linh mục, 13 chủng sinh, 15 nữ tu và 10 giáo dân. Ngài cũng duy trì một nhà in và một cơ quan ngôn luận, đó là tờ tuần báo Tiếng Kêu , sau này đổi thành nguyệt san Đời Sống…
Bước sang lãnh vực xã hội : Từ hồi chiến tranh tái diễn tại Hải Phòng vào tháng 11 năm 1946 và tại Hà Nội tháng 1 năm 1947, nhờ uy danh của Đức Cha Lê, an ninh tại vùng Phát Diệm, Kim Sơn được bảo đảm hơn nhiều nơi khác... Do đó, nạn nhân vì thời cuộc gây nên, gồm đủ mọi giai cấp, từ các nơi đổ về Phát Diệm mỗi ngày một đông. Tháng 2 năm 1947, số người tản cư lên tới 60.000, trong đó, 30.000 sống ngay bên cạnh Toà Giám mục. Đức Cha Lê đã ra lệnh đình chỉ ngay việc xây cất Đại Chủng viện vừa mới bắt đầu tại Chợ Nam Dân, đình chỉ cả công cuộc kiến thiết Trường Trần Lục, để lấy 2 khu đất mênh mông dựng 600 căn nhà cho các gia đình tản cư. Ngài cũng xuất ra một số tiền đáng kể nhằm sửa chữa con đê Cồn Thoi dài 6.500 thước, cao 4 thước, rộng 3 thước bề mặt và 8 thước dưới chân, để bảo đảm mùa màng cho dân chúng, đồng thời, có đủ lúa gạo nuôi sống các các chủng sinh và một phần giúp dân tỵ nạn mãi tới ngày đất nước chia đôi năm 1954.
Từ hạ tuần tháng 6 năm 1954, đợt sóng di cư vào Nam khởi đầu. Mặc dầu trong hoàn cảnh lưu vong khó khăn, Đức Cha Lê cố tập trung giáo dân Phát Diệm thành từng khối để dễ giúp đỡ nhau trong các vùng Bình Xuyên, Gia Kiệm, Phương Lâm, Bảo Lộc, Cần Thơ. Ngài lo tạo dựng cơ sở Tiểu Chủng viện tại Phú Nhuận, Dòng Mến Thánh Giá tại Gò Vấp để tiếp tục chương trình đào tạo chủng sinh và nữ tu ngay khi mới vào miền Nam. Vào thập niên 60 xây nhà hưu dưỡng tại Gò Vấp dành cho các linh mục và tu sĩ gốc Phát Diệm. Một sáng kiến rất độc đáo và táo bạo là xây dựng 1 cơ sở ngay tại Roma với mục đích tạo phương tiện tài chính để giúp đỡ giáo phận tại quê nhà trong hoàn cảnh rất khó khăn vì thời cuộc.
Thân thế của Đức Giám mục Lê Hữu Từ rất đáng đề cao. Là giám mục, ngài vẫn tiếp tục sống đời khổ tu. Trong tờ di chúc còn lưu trữ tại Xóm Mới, Gò Vấp, đề ngày 05-04-1967, có đoạn như sau: «Về đàng vật chất, tôi đã sống khó khăn và muốn chết khó nghèo, tôi không có gì đáng giá để trối lại».Với hàng linh mục, ngài bảo toàn 2 chữ chân tín, đối xử rất thành thực và tín nhiệm những ai ngài đã giao công tác. Với tu sĩ và giáo dân, ngài nêu gương đạo đức, lúc nào cũng một mực trong sáng. Nhất là ngài siêng năng cầu nguyện cho giáo đoàn. Phải chứng kiến những đêm thanh vắng, nhất là khi có báo động, lâm nguy, những lần nghe tiếng súng nổ vang, những lần có báo cáo giáo xứ nào bị tấn công, là những lần người ta thấy Đức Cha thức dậy, mặt biến sắc, đăm chiêu. Bao lâu tiếng súng chưa yên, bấy lâu người ta còn thấy Đức Cha quỳ trước bàn thờ chầu Thánh Thể trong nhà nguyện riêng của ngài. Lúc đó người ta mới cảm thông sâu xa gánh nặng giám mục đè trên vai ngài.
…
4.Mệnh chung
Sau khi công tác lo định cư cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân từ Phát Diệm vào Nam tạm ổn định, Đức Cha Lê Hữu Từ được cử làm Giám đốc Trung tâm Công giáo Việt Nam mới thành lập và làm Giám đốc Nha Tuyên úy Công giáo Quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Đức Cha chỉ giữ hai chức vụ này trong một thời gian ngắn, rồi đi Roma tham dự Công Đồng Vatican II. Ngài ngụ tại trụ sở Phát Diệm đã sẵn có ở Roma và cùng với Cha Vũ Kim Điện, lo gầy dựng cơ sở này thành Foyer Phát Diệm khang trang như ta thấy ngày nay. Sau đó, Đức Cha sang Thụy Sĩ thăm các đan sĩ Dòng Xitô Việt Nam (L’Ordre de Cîteaux); tại đây, bác sĩ cho Đức Cha biết ngài mắc bệnh ung thư. Cảm thấy thời điểm Chúa gọi sắp tới, Đức Cha quyết định trở về Việt Nam để sống những ngày tháng cuối cùng bên cạnh các con cái Phát Diệm của ngài tại An dưỡng viện của các linh mục Phát Diệm ở Xóm Mới, Gò Vấp và Đức Cha qua đời tại đây, ngày 24 tháng 4 năm 1967, hưởng thọ 71 tuổi.
…
Linh cữu Đức Cha Lê được quàn tại An dưỡng viện Xóm Mới hai ngày; ngày thứ ba, được rước xuống Vương cung Thánh đường Sài Gòn. Thánh lễ an táng cử hành trang trọng vào sáng thứ Năm, 27-4-1967, do Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế, Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi đọc điếu văn. Đến dự lễ có Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy Ban Lãnh đạo Quốc gia (như Quốc trưởng) và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy Ban Hành pháp Trung ương (như Thủ tướng)… Sau thánh lễ, linh cữu Đức Cha lại được rước về an táng tại An dưỡng viện Phát Diệm ở Xóm Mới. Vào thời đó, người ta chưa từng chứng kiến một đám tang có đông người và xe cộ tiễn đưa như thế. Đức Cha Phạm Ngọc Chi cử hành nghi lễ hạ huyệt giữa tiếng khóc và sự tiếc thương của một rừng người mặc tang phục màu trắng, như để đại tang một người cha.
(ảnh chụp tháng 04 năm 2020)
Cho đến tận nay, vẫn nhiều người tới viếng và cầu nguyện bên mộ phận của Đức Cha Lê. Trên mộ, vẫn có những đoá hoa tươi và người qua kẻ lại vẫn ngả nón mũ để tỏ lòng kính trọng.
(ảnh chụp tháng 04 năm 2020)
Lược trích từ:
Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm, Vinh sơn Trần Ngọc Thụ, Roma 2001.